Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Thừa Thiên Huế: Những tấm gương cựu binh tiêu biểu trong phát triển kinh tế
05:53 PM 11/06/2018
(LĐXH) - Hướng tới kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2018), cùng với các hoạt động thăm hỏi, tri ân thân nhân các gia đình liệt sỹ là các hoạt động tôn vinh đóng góp của các thương binh cho bản thân, gia đình và xã hội, thực hiện lời dạy của Bác đối với thương binh “tàn nhưng không phế”. Họ là những tấm gương sáng để những người xung quanh học hỏi.
Từ người thương binh năng nổ
Cựu chiến binh Phạm Huy Chương trú tại xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế không chỉ nổi tiếng là người năng nổ trong công tác Hội, ông còn là tâm gương tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế với mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.
Nhập ngũ năm 1985 tại Sư Đoàn 390, Trung đoàn 48, Đại đội C18 Thông tin, sau khi xuất ngũ, cựu chiến binh (CCB) Phạm Huy Chương quyết định về quê lập nghiệp tại xã Vinh An, huyện Phú Vang. Hướng đi mà ông chọn để phát triển kinh tế gia đình chính là mô hình nuôi lợn thương phẩm. Ban đầu chỉ nuôi nhỏ lẽ để tích lũy kinh nghiệm và nguồn vốn.
Năm 2010 ông mạnh dạn đầu tư để phát triển đàn lợn của mình thành mô hình trang trại. Trên diện tích đất vườn rộng 3.000m2, ông xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố và thả nuôi tổng cộng gần 400 con lợn. Trong đó có 10 lợn nái mẹ, trung bình mỗi năm sinh sản khoảng 240 con lợn giống. Toàn bộ lợn giống sau khi sinh sản, ông Chương đều giữ lại nuôi.
Mô hình nuôi gà của CCB Phạm Huy Chương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế
Trao đổi với phóng viên, ông Chương cho biết, hiện nay, trang trại của ông luôn duy trì 10 lợn nái và mỗi lứa 100 con lợn thịt thương phẩm, cùng hơn 500 con gà, vịt. Hằng năm trang trại xuất ra thị trường khoảng 25 tấn lợn thịt, trừ chi phí thức ăn và công chăm sóc, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 150 triệu đồng từ mô hình nuôi lợn thương phẩm.
Trước xu hướng giá lợn đang giảm, để duy trì sản xuất, người cựu chiến binh đang có kế hoạch làm thêm chuồng, dọn dẹp mấy thửa đất trống để thả thêm gà. Với kinh nghiệm vốn có của bản thân cộng với việc nhiều lần đi tham quan học hỏi ở các địa phương khác, ông chọn cho mình hướng nuôi phù hợp đó là tăng dần số lượng đàn gà chứ không nuôi đồng thời với số lượng nhiều.
“Để duy trì thường xuyên đàn gà của mình, tôi chủ động đầu tư một máy ấp trứng để trực tiếp cung cấp gà giống cho trang trại mình, đồng thời bán gà giống cho những hộ gia đình tại các địa phương lân cận. Mỗi năm tôi xuất ra thị trường khoảng 5.000 con gà thịt, trừ đi chi phí ông còn lãi từ 40-50 triệu đồng”- ông Chương cho biết thêm.
Bên cạnh đó, ông Chương còn tiến hành đào ao thả cá cạnh chuồng lợn và mấy chuồng ga. Hồ cá của ông chủ yếu nuôi các loại cá như rô phi, cá trắm cỏ, cá chim… Mỗi năm, từ việc thu hoạch cá ông Chương có thu nhập từ 10-15 triệu đồng.
Ông Dương Thành Hùng - Chủ tịch Hội CCB huyện Phú Vang cho biết, không chỉ năng nổ trong công tác hội mà CCB Phạm Huy Chương còn làm kinh tế giỏi với mô hình trang trại của mình. Nhờ làm giàu trên mảnh đất khô cằn nên gia đình của ông Chương có điều kiện nuôi con cái ăn học, nhà cửa được đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ phương tiện. Bên cạnh đó CCB Phạm Huy Chương là một trong những điển hình của Câu lạc bộ doanh nhân - chủ trang trại CCB tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đến nghị lực vượt khó của nữ cựu chiến binh
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất nổi tiếng quanh năm “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, nhưng với nghị lực của một người lính, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thị Minh Tâm (sinh năm 1963, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông) đã chinh phục núi đồi,
Năm 1985, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cựu chiến binh Nguyễn Thị Minh Tâm xuất ngũ về địa phương. Cuộc sống của chị và gia đình đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi cả hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định. Sau thời gian đi làm thuê nhưng không đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con cái ăn học, chị quyết chí tìm hiểu hướng phát triển kinh tế gia đình với mong muốn thoát nghèo.
Nhận thấy quỹ đất gia đình khá rộng, sau bao nhiêu đêm trằn trọc, chị Tâm chọn cây đặc sản thanh trà để phát triển kinh tế gia đình. Kinh nghiệm không có, kiến thức, vốn liếng cũng chẳng đáng là bao, nhưng nữ CCB đã vượt qua nỗi sợ hãi để “liều” một phen. Chị đã mò mẫm đến các địa phương trồng thanh trà lâu năm của tỉnh để học hỏi kinh nghiệm về cách trồng và chăm sóc cây. Cần mẫn cày xới, chăm bón, 100 gốc thanh trà của CCB Minh Tâm cũng không phụ lòng người khi phát triển tốt và ra hoa kết trái đúng thời vụ. “Nhìn những gốc thanh trà ngày một tươi tốt, trĩu quả mà tôi không cầm được nước mắt. Lứa đầu tiên tôi bán được 50 triệu, số tiền mà đến trong mơ tôi cũng không dám nghĩ đến”, chị bộc bạch.
Vườn gà của chị Tâm, Hội Cựu chiến binh huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế
Dẫn chúng tôi thăm vườn thanh trà và vườn tre lấy măng xanh mướt, chị Tâm nhớ lại: “Hồi mới bắt đầu làm, tiền mua cây giống, phân bón cũng phải vay mượn nên gia đình cũng chẳng có tiền mua máy bơm nước tưới cây. Ấy vậy mà, 100 gốc thanh trà của tôi chưa bao giờ thiếu nước, mùa hè chiều nào tôi cũng gánh hàng chục xô nước để tưới cho cây, có lúc gánh mệt quá, ngồi bệt xuống đất, nước mắt hòa cùng với mồ hôi... bao nỗi lo toan vất vả, vợ chồng tôi đều phải chia sẻ để gánh vác. Chồng thì đi làm thuê, vợ thì ở nhà tự tay chăm sóc vườn thanh trà mỗi ngày…
Sau khi có nguồn thu ổn định từ thanh trà, chị Tâm quyết định đầu tư thêm chăn nuôi gà, vịt và trồng them 2 héc ta tre để lấy măng. Từ những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, với sự cố gắng và một nghị lực phi thường, nữ CCB Minh Tâm đã thành công trên chính mảnh đất sỏi đá của gia đình. Sau nhiều năm kiên trì bám đất, trồng cây, đến nay, mô hình phát triển kinh tế của nữ cựu chiến binh Nguyễn Thị Minh Tâm đã cho lãi gần 150 triệu đồng/năm.
Ông Hồ Văn Võ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cựu chiến binh Nguyễn Thị Minh Tâm không chỉ là người làm kinh tế giỏi, đồng chí còn là hội viên gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của Hội, luôn phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, là tấm gương sáng trong hành trình vượt khó để vươn lên phát triển kinh tế giúp cho gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Thục Quyên

 

 

TIN LIÊN QUAN
TAG: Cựu chiến binh; Thừa Thiên Huế Nam Đông Phú Vang bao
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách