Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà: Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiên quyết không để trục lợi chính sách
07:52 PM 11/11/2021
(LĐXH)- Đây là một trong những đề nghị của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ tại cuộc họp trực tuyến với tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận về tình hình triển khai các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khan do đại dịch COVID-19 trên địa bàn hai tỉnh được tổ chức vào ngày 11/11/2021.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ.
Về phía lãnh đạo 2 địa phương có các ông: Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và một số sở, ban, ngành liên quan; đại diện doanh nghiệp, Ban quản lý Khu công nghiệp và một số địa phương của hai tỉnh.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến với tỉnh Ninh Thuận (ảnh chụp màn hình)
Nhiều kết quả ghi nhận
Trong buổi sáng, báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Thuận cho biết: Tính đến ngày 10/11, trong tổng số 12 chính sách, tỉnh đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động là 64.484 lượt lao động, kinh phí trên 90,221 tỷ đồng…
Thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg, lũy kế đến 10/11/2021, Ninh Thuận đã gửi mẫu số 01 đến 1.161 đơn vị/22.988 lao động; đã tiếp nhận mẫu số 02 từ 1.118 đơn vị/22.939 lao động; đã tiếp nhận mẫu số 04 từ 3.693 lao động (trong đó số không hợp lệ là 783 lao động). Đến nay, tỉnh đã thực hiện chi qua tài khoản cho 25.382 lao động/61.770,9 triệu đồng, đạt hơn 98% số lượng người lao động được thụ hưởng chính sách (có 171 lao động tự nguyện không nhận chế độ hỗ trợ/500,4 triệu đồng).
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị hai địa phương không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách
Làm rõ thêm một số kết quả với Đoàn kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, cho biết: Với sự quyết tâm vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, tỉnh Ninh Thuận đã nỗ lực, cố gắng thực hiện phê duyệt nhanh nhất có thể để chính sách hỗ trợ sớm đến được tay người dân. Trong đó, UBND tỉnh đã chủ động ủy quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí cho đối tượng lao động tự do, nên đã giảm bớt thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian phê duyệt sớm 02 ngày so với quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương có liên quan sớm thẩm định trình phê duyệt các đối tượng thụ hưởng và trong mỗi quy trình từ cấp cơ sở lên đến cấp tỉnh đều rút ngắn so với Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nhưng vẫn đảm bảo thời gian niêm yết công khai tại địa phương.
Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, do thực hiện giãn cách xã hội, các dịch vụ trên địa bàn các địa phương đã ngưng hoạt động, gây khó khăn cho người lao động khi photo giấy tờ, chứng thực…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền phát biểu tại buổi làm việc
“Ninh Thuận cơ bản nhất trí và tiếp thu những ý kiến của Đoàn kiểm tra đánh giá đối với một số hạn chế trong quá trình thực hiện, đồng thời giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc cho tỉnh... Trong đó có việc chủ động liên hệ với người lao động ở các tỉnh phía Nam; khảo sát nhu cầu tìm việc để có giải pháp tạo việc làm, tập trung tiêm vắc xin cho những lao động trở về địa phương; rà soát lại toàn bộ số trẻ em trên địa bàn tỉnh rơi vào diện mồ côi cha hoặc mẹ hoặc cả cha mẹ...” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Huyền, bày tỏ.
Linh hoạt và đồng bộ chính sách hỗ trợ
Tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn. Đặc biệt, công tác an sinh xã hội cho người dân cơ bản đã được đảm bảo, đạt được những kết quả quan trọng.
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Huỳnh Văn Thuận trao đổi tại cuộc họp trực tuyên
“Về cơ bản, tỉnh Ninh Thuận đã kịp thời triển khai các chính sách một cách linh hoạt và đồng bộ. Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, nhất là vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức đoàn thể, của cả hệ thống chính trị được tăng cường; các chính sách hỗ trợ được thực hiện công khai, minh bạch. Đến nay, chưa phát hiện có sự lợi dụng, trục lợi chính sách. Tỉnh thực hiện tốt công tác hỗ trợ cho công dân về từ vùng dịch; chính sách đối với phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi đạt kết quả cao. Đặc biệt, tỉnh đã kịp thời hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bằng các nguồn vận động khác nhau, đạt hiệu quả…”  – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đánh giá.
Hiện tại, tỉnh đã thực hiện 11/12 chính sách (01 chính sách chưa có số liệu phát sinh là chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động); các chính sách đã được triển khai một cách đồng bộ. Tuy nhiên, nhìn chung kết quả đạt thấp, nhất là đối với các chính sách trọng tâm của Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Để phát huy những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị tỉnh Ninh Thuận tiếp tục rà roát đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của các Nghị quyết, trong đó bao gồm cả các đối tượng đặc thù của địa phương để đảm bảo không ai “bị thiếu ăn, đứt bữa”, không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong khu vực chính thức và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ cho các nhóm đối tượng còn lại đã được phê duyệt để đảm bảo công bằng trong thụ hưởng chính sách, tránh những ý kiến trái chiều trong nhân dân.
Phó Chánh văn phòng Bộ Bùi Sỹ Tuấn chia sẻ với các địa phương về tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ
Bên cạnh đó, cần phân loại, thống kê ngành nghề, trình độ đào tạo để có hướng giải quyết việc làm, quan tâm kết nối với các địa phương để phối hợp đưa người lao động quay trở lại làm viêc. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cho số đối tượng là lao động có quan hệ lao động, đủ điều kiện làm thủ tục thụ hưởng chính sách tại địa phương theo Nghị quyết số 116/NQ-CP…
“Đặc biệt, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là phối hợp với MTTQ các cấp để giám sát việc triển khai thực hiện, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đề nghị.
Đảm bảo công bằng trong thụ hưởng
Chiều cùng ngày, sau khi báo cáo với Đoàn kiểm tra về kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Thuận đã trao đổi về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của tỉnh. Cụ thể như số lượng tiếp nhận hồ sơ của người lao động đề nghị hỗ trợ đạt tỷ lệ thấp so với số dự kiến hỗ trợ. Tiến độ thẩm định, trình phê duyệt, thực hiện chi trả hỗ trợ sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh ở một số địa phương còn chậm.
Đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại làm việc
Đến nay, hầu hết các địa phương báo cáo số dự kiến hỗ trợ cao hơn so với số thực tế đủ điều kiện hỗ trợ nên tỷ lệ đạt thấp; hồ sơ đề nghị hưởng của người lao động chưa đảm bảo phải hướng dẫn, điều chỉnh bổ sung. Đặc biệt, do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp tại một số địa phương, trong khi đó nguồn nhân lực ở cấp cơ sở ít, công việc quá tải đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai thực hiện.
Về tình hình thiều hụt lao động, luỹ kế 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh có 514 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động; có 175 doanh nghiệp giải thể và hàng ngàn hộ kinh doanh phải tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là khoảng 30.000 người, lĩnh vực chịu tác động là dịch vụ, du lịch, ngành sản xuất may mặc, giày da, chế biến thủy hải sản...
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Thuận báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, giải trình và làm rõ thêm các kết quả, tiến độ thực hiện chính sách với Đoàn kiểm tra, đồng thời tiếp thu những ý kiến trao đổi, hướng dẫn cụ thể để Bình Thuận thực hiện đồng đều các chính sách hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ để giúp người dân, người lao động và người sử dụng lao động thụ hưởng kịp thời chính sách của các thành viên Đoàn kiểm tra.
Phó Chủ tịch Nguyễn Minh cam kết: Thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng dịch, trong đó ưu tiên cho lao động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung, các doanh nghiệp có nhiều lao động, cơ sở du lịch, ngư dân, các cơ sở sản xuất nông nghiệp, dịch vụ vận tải, các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các ngành liên quan tập trung điều tra khảo sát, cập nhật nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho doanh nghiệp.
Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Tào Bằng Huy đề xuất một số giải pháp với tỉnh Bình Thuận
Kết luận buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền các cấp đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả khả quan, từng bước đẩy lùi, kiểm soát được dịch bệnh, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong đó, việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 118.000 người lao động và 3.207 doanh nghiệp, tổng kinh phí các chính sách là 93,6 tỷ đồng, đồng thời thực hiện tốt công tác hỗ trợ cho công dân từ vùng dịch trở về địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị: Bình Thuận cần đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách, hiện nay tỷ lệ thực hiện/số đã phê duyệt còn thấp như: chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh (29% theo kế hoạch phê duyệt); hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (43% theo kế hoạch phê duyệt); hỗ trợ lao động tự do; đảm bảo hỗ trợ kịp thời và công bằng trong thụ hưởng chính sách. Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đối với các chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp với MTTQ các cấp để giám sát việc triển khai thực hiện, kiên quyết không để xảy ra tình trạng chi không đúng đối tượng và không đúng mức hỗ trợ./.

Chí Tâm

 

TAG: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Thứ Trưởng Nguyễn Thị Hà Đoàn kiểm tra thực hiện Chính Sách Hỗ Trợ trực tuyến NGhị quyết 68/NQ-CP Quyết định 23/2021/QĐ-TTg Ninh THuận Bình thuận bao
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần tới thân nhân người bị tai nạn lao động tại Yên Bái
Hơn 6.000 việc làm tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Lạng Sơn: 3.500 lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động