Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Quảng Ninh: Tạo chuyển biến trong công tác giáo dục nghề nghiệp
12:32 PM 01/12/2023
(LĐXH) - Trong năm 2023 toàn tỉnh Quảng Ninh ước tuyển sinh, đào tạo nghề cho 39.500 người, đạt 100,8% kế hoạch; trong đó đào tạo trình cao đẳng và trung cấp 6.900 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 32.600 người. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, liên kết với doanh nghiệp đã góp phần đáp ứng thị trường lao động, thay đổi năng lực tư duy sản xuất của người lao động.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 42 cơ sở GDNN (có 31 cơ sở công lập và 11 cơ sở thuộc doanh nghiệp với các cơ quan chủ quản khác nhau) đã hình thành một mạng lưới cơ sở GDNN đa dạng gồm nhiều thành phần, mang tính xã hội hoá cao, được phân bố trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố.

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, trong thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Công tác tuyền truyền cũng được tăng cường nhằm thay đổi nhận thức về công tác đào tạo nghề nông nghiệp, hướng vào đào tạo có trọng tâm, trọng điểm như: đào tạo nghề gắn với quy hoạch sản xuất và xây dựng nông thôn mới; đào tạo chuyên sâu cung cấp các kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đào tạo nghề gắn với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, hội nhập kinh tế; đào tạo nghề công nghiệp, dịch vụ…

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

Bằng nhiều giải pháp hiệu quả, hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng lên về chất lượng, đáp ứng tính cạnh tranh cao trong thị trường lao động hiện nay. Các cơ sở GDNN tập trung đào tạo linh hoạt theo nhóm nghề có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Việc tổ chức các lớp học được thực hiện linh hoạt về thời gian, các lớp đào tạo nghề chủ yếu dạy thực hành để rèn kỹ năng nghề cho người lao động, phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp và cung ứng lao động sau đào tạo cho doanh nghiệp.

Người lao động sau học nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ, một số lao động có tay nghề đã được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Các nghề được đào tạo cơ bản phù hợp với tình hình sản xuất tại địa phương.

Bên cạnh đó, việc liên kết, hợp tác đào tạo với doanh nghiệp cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp các cơ sở GDNN từng bước đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu hội nhập của tỉnh. Khi liên kết với doanh nghiệp, người học vừa được trả thù lao trong thời gian thực tập, vừa được tiếp cận thiết bị mới, được doanh nghiệp trực tiếp hướng dẫn để bổ sung kiến thức đã học trong trường.

Công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đã được triển khai hiệu quả

Theo thống kê, hằng năm các cơ sở đào tạo nghề tuyển sinh, đào tạo nghề mới cho gần 34.000 người với trên 100 nghề đào tạo được phân theo 7 nhóm nghề, chủ yếu học trình độ cao đẳng và nhóm nghề du lịch - dịch vụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội. công tác đào tạo nghề cho lao động đã được các địa phương, đơn vị đào tạo chú trọng thực hiện, nhiều mô hình đào tạo đã phát huy được hiệu quả rõ rệt.

Điển hình như tại huyện Tiên Yên, nhờ được đào tạo nghề cơ bản, nguồn lao động có tay nghề trên địa bàn huyện đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đạt khoảng 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong năm 2022 của huyện đạt 83,4%, với trên 27.300 lao động qua đào tạo. Trong 3 năm (2020-2022), Tiên Yên đã hỗ trợ tạo việc làm mới 5.121 lao động. Nhiều lao động nông thôn thuộc hộ nghèo đã có việc làm, thoát nghèo thành công, có thu nhập khá, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo ở địa phương.

Thời gian tới, để hoạt động đào tạo nghề tiếp tục phát huy được hiệu quả, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan khảo sát nhu cầu thực tế lao động nông thôn học nghề; bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nghề, cơ sở vật chất dạy nghề; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề; định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ vốn vay sản xuất và giải quyết việc làm khi kết thúc khóa học; đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào lĩnh vực dạy nghề...

Tỉnh cũng sẽ tập trung tăng cường đổi mới phương pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, không đào tạo tràn lan mà đào tạo sát thực tế, nguyện vọng và phù hợp với nhu cầu lao động của từng địa phương./.

Trần Huyền

 

TAG: GDNN dạy nghề LĐNT quảng Ninh
Tin khác
Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) trao nhiều suất học bổng 100% cho những học sinh tài năng
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức tọa đàm “AI - Công cụ sáng tạo cho trường Đại học & Doanh nghiệp
Nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp ở Trà Vinh
Những hạn chế trong định hướng nghề nghiệp tại nhà trường
Học viện Kỹ thuật quân sự tuyên truyền tuyển sinh trên 800 học sinh tại Đồng Nai
Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp
467 học viên trung cấp chính quy hoàn thành huấn luyện đầu khóa
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo IoT – NTTU 2024
Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ, người khuyết tật và hoà nhập cộng đồng trong GDNN lĩnh vực Logistic