Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Lào Cai: Chú trọng chăm sóc cảnh quan môi trường tại Cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện
04:28 PM 03/11/2023
Là tỉnh vùng cao biên giới vơi tình hình tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan ban ngành trên địa bàn. Những năm qua, Cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện tỉnh Lào Cai luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, điều trị nghiện; nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, điều trị nghiện ma túy tại các cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy.
Nâng cao chất lượng điều trị
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2013 theo Quyết định 806/QĐ-UBND ngày 05/4/2013 của UBND tỉnh Lào Cai, Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện tỉnh Lào Cai là cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện việc điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone theo hình thức xã hội hóa đầu tiên ở Lào Cai. Cơ sở có chức năng khám, xét nghiệm, điều trị nội trú, ngoại trú cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone; Buprenorphine; tư vấn dự phòng tái nghiện; quản lý hoạt động tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về tại Nhà Nhân ái; hợp tác với các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí cho hoạt động tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện tỉnh Lào Cai nhận bằng khen của Bộ LĐ - TBXH nhân 10 năm thành lập

Ông Nguyễn Tường Long, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện tỉnh Lào Cai cho biết: Giai đoạn 2013 - 2023, cơ sở đã tiếp nhận, quản lý 4.437 người vào cai nghiện ma túy; thực hiện khám cho 161.847 lượt bệnh nhân, xét nghiệm cho 43.926 lượt bệnh nhân, cấp thuốc cho 1.416.600 lượt bệnh nhân tại cơ sở và 163 lượt bệnh nhân ngoài cơ sở, góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS, giảm tình hình tội phạm liên quan đến ma túy, ổn định an ninh xã hội trên địa bàn. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Cơ sở đã tập trung triển khai quyết liệt, sâu rộng các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về tác hại của ma túy đến người nghiện và gia đình người nghiện, người dân và chính quyền các cấp xã, phường trên địa bàn Lào Cai bằng các hình thức đa dạng, thiết thực thông qua việc phối hợp với các cơ quan báo, đài của tỉnh, hệ thống loa phát thanh của xã, phường, phát tờ rơi, áp phích, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cộng đồng các khu dân cư, trường học nhằm thu hút đông đảo sự tham gia ủng hộ của người dân trong cộng đồng, sự đồng thuận của các cấp các ngành.

Năm 2015, HĐND và UBND tỉnh đã quyết định cho nhân rộng thêm 16 Điểm điều trị và cấp phát thuốc Methadone tại 5 huyện, thành phố, thường xuyên điều trị cho 1.500 người, chiếm 41% số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn toàn tỉnh; giảm tình hình tội phạm, giảm chi ngân sách gần 10 tỷ đồng/năm. Sức khỏe của người được điều trị tăng lên rõ rệt, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình; khoảng 70% số người điều trị bằng thuốc methadone đã từ bỏ ma túy. Hàng năm, Cơ sở luôn hoàn thành vượt mức trung bình 140% kế hoạch cai nghiện do UBND tỉnh giao.

Trong 10 năm qua, cơ sở đã tổ chức điều trị cho 4.437 lượt người. Trong đó có 3.021 bệnh nhân điều trị duy trì (chiếm 68,08%), có 3.469 bệnh nhân điều trị liên tục từ 6 tháng trở lên (chiếm 78,18%), 2.937 bệnh nhân điều trị liên tục từ 01 năm trở lên (chiếm 66,19%), 1.315 bệnh nhân điều trị từ 3 năm trở lên (chiếm 29,63%), 922 bệnh nhân điều trị từ 5 năm trở lên (chiếm 20,77%) góp phần giảm tỉ lệ tái nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS, giảm tình hình tội phạm liên quan đến ma túy, ổn định an ninh xã hội trên địa bàn.

Riêng giai đoạn 2021-2021, Cơ sở đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) triển khai 3 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng, gồm: phường Kim Tân, phường Lào Cai, xã Cam Đường. Qua đó, trực tiếp tiếp cận 73 khách hàng (95% là người nghiện, 5% là gia đình), tư vấn cá nhân toàn diện cho 43 khách hàng về dự phòng tái nghiện, phòng tránh nguy cơ cao; tư vấn tác hại của ma túy, các chính sách pháp luật và các phương pháp điều trị nghiện hiện nay; tổ chức 35 buổi sinh hoạt nhóm với sự tham gia của 202 lượt người, hỗ trợ phí xét nghiệm ban đầu và phí uống thuốc tháng đầu tiên cho 33 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được tham gia điều trị nghiện bằng thuốc Methadone... Ngoài ra, Cơ sở đã tiến hành tư vấn cá nhân cho hơn 25.000 lượt bệnh nhân, tư vấn nhóm 487 buổi với 19.361 lượt bệnh nhân và người nhà tham gia, vận động được trên 4.000 người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký tham gia điều trị.

Theo Giám đốc Nguyễn Tường Long, có được kết quả trên là do sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ về kỹ thuật của các tổ chức quốc tế như PEPFAR, USAID, IOM, Pacific link…, và đặc biệt là cán bộ, nhân viên của Cơ sở đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục, quy trình tiếp nhận, phác đồ điều trị theo hướng dẫn về điều trị methadone của Bộ Y tế, Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế (FHI).

Trong 10 năm qua, đội ngũ viên chức, người lao động của Cơ sở luôn tăng cường hoạt động truyền thông sâu rộng, tư vấn, vận động người nghiện các chất dạng ma túy tham gia điều trị  bằng thuốc Methadone. Tăng cường các buổi gặp mặt, tư vấn cho bệnh nhân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc gặp phải trong quá trình điều trị để bệnh nhân yên tâm uống thuốc. Đặc biệt, Cơ sở đã có sự phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tạo công ăn việc làm cho người cai nghiện để họ có cuộc sống ổn định, rời xa ma túy.

Với "kim chỉ nam" mang đến cho người cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trong suốt 10 năm qua là"Kiên trì điều trị, bạn sẽ thành công - Điều trị thành công, gia đình hạnh phúc", Cơ sở luôn phấn đấu không chỉ dừng lại ở những con số bệnh nhân được điều trị, mà hướng tới người nghiện giảm dần việc sử dụng ma túy, nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Việc triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã mang lại hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế và xã hội, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình có người nghiện, ổn định trật tự xã hội của thành phố nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.

Lao động sản xuất tại đơn vị

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tường Long cho biết, cần tạo môi trường điều trị, cai nghiện thân thiện, gần gũi, yêu thương chia sẻ, đồng hành, gắn kết giữa 4 nhân tố mang tính quyết định sự thành công, gồm: bản thân người nghiện tuân thủ điều trị; gia đình luôn yêu thương hỗ trợ; cán bộ, nhân viên Cơ sở luôn tận tâm; chính quyền, đoàn thể tạo điều kiện. Đồng thời, nâng cao chất lượng điều trị cho người nghiện thông qua việc thăm khám thường xuyên, tư vấn trị liệu, tư vấn tâm lý, tư vấn học nghề. Truyền thông hiệu quả về tác hại của ma túy và tổ chức chương trình điều trị, cai nghiện ma túy tự nguyện tại các xã phường, khu dân cư thông qua Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã.

Ngoài ra, đơn vị còn thành lập Câu lạc bộ thu hút, gắn kết giữa những người cai nghiện thông qua các sân chơi lành mạnh, tươi vui như phong trào văn nghệ, thể dục thể thao; hỗ trợ phương án, dự án được vay vốn ưu đãi trong học nghề, tiếp cận với nguồn vốn vay theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuyển đổi việc làm và thu nhập ổn định để nâng cao đời sống.

Chú trọng chăm sóc cảnh quan môi trường

Bên cạnh công tác chuyên môn, cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện tỉnh Lào Cai luôn quan tâm đến hoạt động bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan cho cơ sở. Như trồng thêm nhiều cây xanh, bố trí chậu hoa, cây cảnh tại các khu vực đường đi, hành lang, cầu thang. Vườn hoa, cây cảnh được chăm sóc, cắt tỉa gọn gàng, khuôn viên được quét dọn, lau chùi, sơn, sửa sạch, đẹp. Đồ dùng, quần áo người bệnh, giường tủ trong các phòng ở của học viên được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp… Cùng với đó, đơn vị còn ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường với nhiều nội dung phong phú như: Nạo vét, khơi thông cống rãnh; thu gom và phân loại rác thải; trồng mới và thay thế cây xanh yếu, bảo vệ hệ thống cây xanh, cảnh quan môi trường; phun thuốc khử trùng, diệt muỗi, bọ gậy tại những nơi dễ phát sinh ổ dịch; hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông, đảm bảo an toàn trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…

Quang cảnh Trung tâm cai nghiện ma tuý tự nguyện tỉnh Lào Cai

Đặc biệt Cơ sở cai nghiện luôn chú trọng tới công tác tuyên truyền, chiếu phim tài liệu về môi trường nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ và học viên tại Cơ sở. Các chủ đề như “Vì một thế giới sạch hơn”; “Tác hại của ô nhiễm môi trường với sự sống con người”; “Từ chối nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy”… thường xuyên được tuyên truyền trên hệ thống phát thanh nội bộ và trong các buổi sinh hoạt tập thể của cán bộ, học viên. Có thể nói, việc quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường, tạo môi trường sống an toàn, sạch sẽ, gần gũi với thiên nhiên cũng chính là góp phần tạo cảnh quan đơn vị và đảm bảo sức khỏe cho học viên. Khuôn viên cơ sở luôn được chăm sóc sạch đẹp, tạo cảm giác thư giãn để học viên yên tâm điều trị, sinh hoạt.

Duy Hưng

TIN LIÊN QUAN
TAG: lào Cai Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện điều trị methadone
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách