Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Huyện Triệu Phong (Quảng Trị): Cựu chiến binh vượt khó bằng mô hình nuôi gà tự nhiên
04:11 PM 06/08/2020
Trở về sau cuộc chiến, các thương binh, bệnh binh mang theo trên mình đầy vết thương chiến tranh, do đó việc hòa nhập cuộc sống đời thường của họ chưa bao giờ là dễ dàng.
Cựu chiến binh (CCB) Trần Lạc ở thôn Đồng Tâm 2 xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là một trong những tấm gương điển hình đi lên bằng ý chí và nghị lực, đồng thời, khắc phục mọi khó khăn để trở thành tấm gương đi đầu trong lao động, sản xuất khi xây dựng thành công mô hình chăn nuôi gà theo phương pháp canh tác tự nhiên.
Là thương binh ¼, CCB Trần Lạc năm nay đã ngoài 60 tuổi. Với khát vọng vươn lên tạo lập cuộc sống, nhiều năm trước, ông Lạc mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế với nhiều loại vật nuôi như gà, lợn… Với phương thức chăn nuôi truyền thống, đàn vật nuôi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các loại dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp. Cùng với đó, tâm lý sợ ảnh hưởng đến môi trường sống trong khu dân cư nên gia đình ông không dám mở rộng quy mô.     
 Năm 2016, với sự tài trợ của dự án KOICA (Hàn Quốc) và Tổ chức tầm nhìn thế giới, nhiều hộ dân ở xã Triệu Tài và một số địa phương khác trên địa bàn huyện Triệu Phong được hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi gà theo phương thức canh tác tự nhiên. Sau khi được triển khai, nhận thấy mô hình có nhiều lợi ích, ông Lạc đã mạnh dạn tham gia. Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế, ông vẫn không ngần ngại học hỏi những kiến thức mới mẻ trong cách chăm sóc phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà, với phương châm: không thức ăn công nghiệp, không thuốc kháng sinh, không chất kích thích tăng trưởng v.v…
Mô hình nuôi gà bằng phương thức canh tác tự nhiên của CCB Trần Lạc        
Cựu chiến binh Trần Lạc chia sẻ: “Mọi người vẫn nói rằng “Thương binh tàn nhưng không phế”, mình phải cố gắng để sống có ích, làm giàu cho gia đình mình bớt đi gánh nặng cho xã hội. Thứ hai nữa là để cho con cháu noi theo. Đối với mô hình nuôi gà canh tác tự nhiên này, thực tế có rất nhiều ưu việt. Đặc biệt, là thực phẩm đảm bảo sạch, đem lại sức khỏe cho mọi người nên tôi cũng cố gắng để phát triển”.
Ông Lạc cho biết, nuôi gà theo phương pháp canh tác tự nhiên tuy đòi hỏi nhiều công nhưng chi phí lại ít, tạo ra sản phẩm sạch và có giá trị kinh tế cao hơn so với chăn nuôi thông thường. Nguồn thức ăn chủ yếu là các loại nông sản như lúa, cám, gạo, bột bắp hoặc các hỗn hợp được trộn từ phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo và các loại rau hặc chuối cây sát nhỏ, ủ lên men v.v.  Ông Lạc đặc biệt phấn khởi khi học hỏi được phương pháp phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà bằng cách ngâm tỏi với bia hoặc rượu hòa vào nước cho gà uống. Ngay cả việc vệ sinh chuồng trại, ông Lạc cũng học được cách tạo chế phẩm vi sinh để bơm phun tiêu độc, khử trùng, khử mùi hôi chuồng trại.     
Từ việc áp dụng chặt chẽ quy trình chăm sóc nên đàn gà lớn nhanh, ít rủi ro về dịch bệnh, chất lượng sạch, an toàn nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Với hình thức nuôi gối đàn, mỗi năm gia đình ông nuôi 8 lứa gà; mỗi lứa trên 200 con gà thịt và thường xuyên duy trì trên 50 con gà đẻ. Sau 4 tháng chăm sóc mỗi con gà có trọng lượng bình quân từ 1,2 – 1,4 kg, sẵn sàng cho việc xuất bán ra thị trường. Bình quân mỗi năm gia đình ông Lạc có thu nhập trên 80 triệu đồng từ mô hình này. Đặc biệt, dù số lượng đàn gà tương đối lớn, nhưng chuồng trại rất sạch sẽ, không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.       
Ông Nguyễn Mậu Hà – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Triệu Tài cho biết: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ chiến đấu ở chiến trường Capuchia trở về, với bản chất vượt khó của anh bộ đội cụ Hồ, cũng như sự động viên của Hội CCB xã, đồng chí Trần Lạc đã không cam chịu đói nghèo, học hỏi, đầu tư vốn để phát triển kinh tế, trong đó thành công nhất là mô hình chăn nuôi gà canh tác tự nhiên. Ngoài việc làm giàu cho bản thân thì đồng chí sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi gà canh tác tự nhiên cho các hội viên cựu chiến binh khác. Từ mô hình của đồng chí, hiện nay xã Triệu Tài đã có 11 cựu chiến binh là thương binh tham gia mô hình kinh tế nuôi gà sạch. Đó là một tấm gương tiêu biểu của CCB xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong.
Nỗ lực xây dựng thành công mô hình nuôi gà canh tác tự nhiên của CCB Trần Lạc trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường là điển hình rất đáng biểu dương. Không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân, những tấm gương thương binh như CCB Trần Lạc còn góp phần lan tỏa ý chí vượt khó, tinh thần học hỏi, để đem đến cho cộng đồng những sản phẩm sạch, an toàn, có chất lượng, giá trị cao./. 

Kim Thoa

TIN LIÊN QUAN
TAG: CCB Huyện Triệu Phong quảng Trị Cựu chiến binh vượt khó
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách