Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Điểm sáng trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
10:39 AM 31/10/2019
(LĐXH) – Xác đinh việc xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình tại cộng đồng là thế mạnh của Hội LHPN Việt Nam, trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ đã triển khai nhiều mô hình chăm lo, bảo vệ phụ nữ yếu thế và trẻ em với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, góp phần giúp đỡi nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Sau hơn 28 năm bị lừa bán ở nước ngoài, chị Nguyễn Thị B. ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang nay đã được về đoàn tụ với gia đình. Tuy đã hơn 50 tuổi, nhưng chị lại gặp khó khăn trong giao tiếp, nhận thức ngây ngô như một người chưa trưởng thành. Thay vì vui mừng do được đoàn tụ thì người thân trong gia đình chị B. lại luôn rơi vào tình trạng thương xót, lo lắng cho cuộc sống sau này của chị. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nguyễn Thị Chiện chia sẻ: “Những nạn nhân của nạn mua bán người luôn bị  ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần. Có những phụ nữ và trẻ em gái may mắn trốn thoát hoặc được giải cứu nhưng khi trở về, họ lại rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc mắc một số chứng bệnh gây ra bởi sự sợ hãi và những đau khổ mà họ trải qua. Chúng tôi đã giúp đỡ tiền mặt, một số vật dụng sinh hoạt cá nhân; kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ xây nhà mái ấm tình thương. Với trường hợp chị B, chúng tôi giới thiệu công việc để chị có thể hòa nhập vào cuộc sống đời thường và có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống”.
Tội  phạm mua bán người thường nhằm vào các đối tượng vùng miền núi
dân tộc ít người, vùng đồng bào DTTS
Nhằm giúp đỡ phụ nữ bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, Hội Phụ nữ xã Đoan Bái (huyện Hiệp Hòa), tỉnh Bắc Giang đã thành lập nhóm “Phụ nữ tự lực bình minh xanh” để hỗ trợ 10 phụ nữ yếu thế là nạn nhân của nạn buôn người đã có may mắn trở về, động viên các chị em vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hỗ trợ vay vốn tạo sinh kế, hướng dẫn, tư vấn pháp luật cho các chị làm thủ tục đăng ký khai sinh cho các con. Đồng thời, phối hợp nhóm có nguy cơ cao bị lừa bán ra nước ngoài tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền kiến thức phòng, chống tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự kỳ thị phân biệt đối xử với những nạn nhân mua bán người khiến họ khó hòa nhập lại với cộng đồng dù đã trở về quê hương. Nhiều người không có được sự hỗ trợ mà còn phải đối mặt với sự ghẻ lạnh của chính người thân trong gia đình, điều tiếng xã hội, dư luận xóm giềng đã khiến cho họ cảm thấy mặc cảm, tự ti. Hay khi tìm được cơ hội làm lại cuộc đời với hạnh phúc mới, thì gia đình chồng vẫn không chấp nhận khi biết quá khứ của người vợ. Có chị khi trở về bị chồng hiểu lầm, không cho sống chung, hoặc chồng đã có cuộc sống riêng. Chủ tịch Hội LHPN xã Đoan Bái Mẫn Thị Lương nhấn mạnh: “Các gia đình có phụ nữ và trẻ em bị mua bán được Hội phụ nữ tư vấn cách thức, kỹ năng chăm lo, ổn định tinh thần cho các nạn nhân trước khi đón họ trở về cũng như trong thời gian đầu khi mới về. Bước đầu, những người trong gia đình có cái nhìn bao dung, thấu hiểu hơn cho nạn nhân, hạn chế nhắc đến những tổn thương mà những người phụ nữ, trẻ em gái đã phải chịu đựng”.
Tại tỉnh Điện Biên, từ năm 2011 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên đã làm rõ 182 nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc. Nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS thuộc các huyện: Tủa Chùa, Mường Chà, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ. Lợi dụng sự cả tin của phụ nữ vùng cao, các đối tượng sử dụng một số thủ đoạn: rủ đi chơi, tìm việc làm có thu nhập cao hoặc giả vờ yêu đương rủ về nhà ra mắt gia đình sau đó lừa nạn nhân đi khỏi địa bàn rồi tìm cách đưa qua biên giới theo đường tiểu ngạch và bán cho các đối tượng người Trung Quốc. Tại huyện Tủa Chùa - một trong những địa bàn có nhiều phụ nữ, trẻ em gái người DTTS (chủ yếu dân tộc Thái, Mông) vắng mặt trên địa bàn hoặc là nạn nhân của tội phạm mua bán người, hằng năm, Hội LHPN huyện và Công an huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các đợt truyền thông phòng, chống mua bán người ở cơ sở. Hội LHPN huyện và chương trình phát triển vùng Tủa Chùa cũng thường xuyên hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống bằng việc thăm hỏi, hỗ trợ vật chất, hỗ trợ vật nuôi: bò, dê… Là người tham gia nhiều chương trình truyền thông về phòng, chống mua bán người ở cơ sở, đồng chí Cứ A Vảng, Phó Chủ tịch UBND xã Sính Phình, chia sẻ: “Tôi thường xuyên tuyên truyền về cách thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, để người dân chủ động phòng tránh; mạnh dạn báo cáo, tố giác tội phạm, nhất là các đối tượng lợi dụng thăm thân để lôi kéo, dụ dỗ chị em qua biên giới…”.
Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng
là nhiệm vụ trong tâm của các cấp Hội phụ nữ
Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được 474 mô hình với hơn 9.000 thành viên tham gia, cùng với đó, hệ thống tổ chức Hội phụ nữ đã phát triển rộng khắp đến tận thôn, bản, làng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi và là điểm mạnh để các cấp Hội thực hiện hiệu quả chức năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em từ cấp cơ sở. Điển hình như Hội LHPN các tỉnh thuộc Cụm thi đua khu vực Tây Nam Bộ đã xây dựng nhiều mô hình để chia sẻ, hỗ trợ các gia đình nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng, như: “Gia đình an toàn và hạnh phúc”, “Xóm, ấp an toàn, thân thiện với phụ nữ” (Đồng Tháp); “Gia đình không có trẻ em đuối nước” (Vĩnh Long); “Bốn quản”, “Liên gia tự phòng, tự quản, vừa là hội viên vừa là an ninh viên” (Long An)… các mô hình đang hoạt động hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng mua bán người và tình trạng xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết: Đối với những đối tượng như phụ nữ yếu thế, phụ nữ DTTS, trẻ em gái thì tình trạng mua bán người, tảo hôn, bạo lực trong gia đình đã đẩy họ trở nên bị tách biệt, bị thụt lùi trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi như hiện nay. Do vậy, người phụ nữ thường có tâm lý mặc cảm và buông xuôi. Vì vậy, việc duy trì các hoạt động của mô hình, câu lạc bộ, địa chỉ tin cậy, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về là điều cần thiết. Tuy nhiên, cần có sự đổi mới trong các hoạt động cụ thể, xây dựng các mô hình phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; tăng cường khuyên can đối thoại, kết hợp tuyên truyền, vận động người trong gia đình, dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động trong công tác phòng, chống mua bán người cũng như hỗ trợ họ trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng
Thanh Hương
TIN LIÊN QUAN
TAG: hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng Hội LHPN Việt Nam bao
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024