Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Công tác thanh tra góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật của ngành
09:12 PM 28/07/2022
(LĐXH) - Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động thanh tra, kiểm tra. Mặc dù vậy, Thanh tra Bộ và các cơ quan thanh tra chuyên ngành đã chủ động, linh hoạt tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra theo kế hoạch, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật của ngành.
227 cuộc thanh tra, kiểm tra trong 6 tháng đầu năm
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã tiến hành 227 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó có 71 cuộc đang dự thảo Kết luận thanh tra), ban hành 833 kiến nghị, 64 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng, 02 quyết định thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 539 triệu đồng, kiến nghị thu hồi số tiền trên 104 tỷ đồng.
Về thanh tra hành chính, đã triển khai 16 cuộc (tăng 8 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 7 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 9 cuộc thanh tra đột xuất; đã ban hành kết luận thanh tra 13 cuộc. Qua thanh tra cho thấy những vi phạm chủ yếu như: chưa ký hợp đồng làm việc đối với viên chức; ký hợp đồng lao động không đúng quy định; thực hiện chưa đúng các quy định của Bộ luật Lao động: chưa xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, nội quy lao động, chi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; trình tự bổ nhiệm lại viên chức giữ chức vụ quản lý chưa đảm bảo; thực hiện chưa đúng một số quy định về công tác tài chính: không công khai kế hoạch đấu thầu, đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu; hạch toán không đúng tài khoản trên bảng cân đối kế toán; không theo dõi, đối chiếu công nợ cuối năm. Số tiền phát hiện vi phạm hơn 7 tỷ đồng. Thanh tra Bộ đã ban hành 110 kiến nghị yêu cầu 13 đơn vị khắc phục thiếu sót, thực hiện tốt các nhiệm vụ, lĩnh vực được Bộ giao; 02 quyết định thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 539 triệu đồng, kiến nghị thu hồi số tiền trên 6,5 tỷ đồng. Đến nay, các đơn vị đã thực hiện 45 kiến nghị theo Kết luận thanh tra.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2022
Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực: lao động, an toàn, vệ sinh lao động, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người có công, bảo hiểm xã hội, trẻ em và xã hội: Đã thực hiện 211 cuộc thanh tra (tăng 05 cuộc so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, có 149 cuộc thanh tra đã ban hành kết luận, 62 cuộc đang dự thảo Kết luận thanh tra.
Kết quả thanh, kiểm tra cho thấy, 149 đơn vị đều có tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu sót. Thanh tra Bộ và các cơ quan thanh tra chuyên ngành đã ban hành 723 kiến nghị (giảm 22,75% so với cùng kỳ năm 2021); 64 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là hơn 7 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi số tiền 98 tỷ đồng trong lĩnh vực người có công.
Ông Nguyễn Tiến Tùng đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, các cuộc thanh, kiểm tra đều đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của ngành LĐTBXH và tình hình thực tế; 100% các cuộc thanh tra được giám sát theo quy định pháp luật. Qua thanh tra đã thực hiện việc rà soát, chỉnh sửa, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực
Bên cạnh công tác thanh tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua cũng có nhiều chuyển biến. Đây cũng là lĩnh vực được Lãnh đạo Bộ luôn luôn quan tâm sát sao; kịp thời chỉ đạo nhằm tiếp nhận và xử lý đơn thư công dân thích ứng đại dịch Covid -19 trong điều kiện tình hình mới, tuân thủ quy định trong phòng, chống dịch để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, đạt chất lượng, hiệu quả. Nhờ đó, 100% đơn thư đến “bộ phận một cửa” của Bộ đã được kịp thời xử lý, không để tình trạng tồn đọng, quá thời hạn. Các đơn vị thuộc Bộ luôn nêu cao ý thức trách nhiệm; phối hợp nhịp nhàng trong tiếp công dân, xử lý đơn thư. Việc ứng dụng phần mềm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ đem lại hiệu quả cao, rút ngắn được thời gian xử lý đơn thư công dân.  
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan và các thành viên Tổ công tác của Đoàn Giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội kiểm tra công tác quản lý, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tiếp công dân tại Bộ (ngày 5/4/2022).
Một số hạn chế và phương hướng thời gian tới
Theo Thanh tra Bộ, công tác thanh tra thời gian qua cũng còn một số hạn chế như: Việc cung cấp thông tin về đối tượng thanh tra (đặc biệt là các công trình xây dựng) của một số địa phương chưa được cập nhật kịp thời dẫn đến một số cuộc thanh tra, kiểm tra không được tiến hành theo kế hoạch (do các các công trình đã hoàn thành). Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị đã được tập trung thực hiện nhưng việc kiểm tra đối với các đối tượng chưa thực hiện kiến nghị còn chưa được triển khai nhiều; việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của đối tượng còn chưa kịp thời, đầy đủ; công tác thu hồi tiền sai phạm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực người có công. Việc thực hiện cưỡng chế đối với các đối tượng chưa thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn dẫn đến tỷ lệ thu hồi, nộp phạt chưa cao. Công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra chưa thực sự đạt hiệu quả.
Về công tác tiếp công dân, một vài trường hợp trả lời công dân còn chậm thời hạn theo yêu cầu. Vẫn còn tình trạng một số công dân đã được tiếp, hướng dẫn, trả lời nhiều lần nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài; gửi đơn vượt cấp. Nguyên nhân là do, một vài đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực người có công, bảo hiểm xã hội mang tính chất lịch sử để lại, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, cần lấy ý kiến của nhiều cơ quan có liên quan nên việc giải quyết đơn thư mất nhiều thời gian. Thêm vào đó, trình độ hiểu biết pháp luật nói chung và quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn hạn chế; công dân khi khiếu nại không được giải quyết, đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng không đồng ý thì chuyển sang khiếu nại vượt cấp hoặc tố cáo kéo dài.
Để khắc phục những hạn chế này, theo ông Nguyễn Tiến Tùng trong thời gian tới cần nghiên cứu, xem xét  tăng cường thanh tra, kiểm tra các nội dung, lĩnh vực có nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn lao động, các vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc; những nội dung cấp thiết theo yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ, ngành. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đối tượng được thanh tra thực hiện nghiêm các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra để bảo đảm và nâng cao hiệu quả của công tác này. Đặc biệt, cần tổng hợp, rà soát các quy định của pháp luật còn bất cập, vướng mắc liên quan đến công tác thanh tra và các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tham mưu với Quốc hội, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định, chính sách về lao động, người có công và xã hội thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên và tiếp công dân định kỳ; xử lý đơn kịp thời, chính xác, không để tồn đọng; giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ đúng quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là với Thanh tra Chính phủ và Sở LĐTBXH ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm hạn chế tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp và giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành LĐTBXH.
Đức Dương
TAG: công tác thanh tra Bộ LĐTBXH thực hiện chính sách pháp Luật Khiếu nại tố Cáo tiếp công dân
Tin khác
Hơn 6.000 việc làm tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Lạng Sơn: 3.500 lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm