Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Công đoàn Y tế Việt Nam: Bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động bằng những việc làm thiết thực
03:46 PM 10/09/2019
(LĐXH) Là tổ chức đại diện cho người lao động ngành Y, Công đoàn Y tế Việt Nam đã và đang không ngừng nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên công đoàn và người lao động.
PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam
Phóng viên Tạp chí Lao động và Xã hội đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam  xung quanh các hoạt động thiết thực và ý nghĩa chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế.
* Xin bà cho biết hiện nay việc triển khai phong trào công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) và hoạt động Công đoàn ngành Y tế đứng trước những khó khăn, thách thức gì?
Ngành Y tế có 5 cái nhất: Thi đầu vào điểm cao nhất; Thi đỗ thì học lâu nhất mới tốt nghiệp, học xong ra trường đi làm việc thì lương thấp nhất, (theo một kết quả khảo sát của Bộ LĐTBXH thì tiền lương của cán bộ, nhân viên ngành Y mới ra trường đứng thứ 17/18 so với các ngành, nghề khác); Nghề Y là nghề nhạy cảm nhất; Phải học nhiều nhất, học suốt đời. Một bác sỹ học 10 năm thì cũng chỉ là trang bị những kiến thức ban đầu, phải học suốt đời mới đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Đội ngũ 500 nghìn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Y tế hiện đang đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn 96 triệu người dân của cả nước. Nghề Y là một nghề cần được đãi ngộ đặc biệt, nhưng trên thực tế chế độ đãi ngộ đối với các y, bác sỹ, người lao động của ngành hiện còn chưa tương xứng. Đây là một thách thức trong việc thu hút “chất xám” của Ngành Y tế. Bên cạnh đó, những việc làm tốt, những cống hiến, hy sinh của cán bộ ngành Y trong việc cứu chữa người bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân không được nhiều người biết đến, nhưng khi xảy ra vụ việc đáng tiếc, tai biến y khoa... thì ngành Y tế phải chịu nhiều sự lên án của dư luận xã hội.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, Tổ chức Công đoàn khó có thể định hướng cho đoàn viên của mình như trước đây. Năm 2019, việc Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang đến những cơ hội về việc làm và phát triển kinh tế, song cũng mang lại không ít thách thức, nhất là đối với tổ chức công đoàn, với xu hướng hình thành tổ chức đại diện cho người lao động khác, khiến cho tâm tư của một số ít đoàn viên công đoàn có sự dao động.
Cùng với đó là tình trạng xuống cấp về đạo đức, tình trạng bạo hành trong các cơ sở y tế đang ngày càng phức tạp, gia tăng về số vụ. Đối với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, các chi phí liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động chưa được người sử dụng lao động quan tâm đúng mức. Chính bản thân người lao động ngành Y lại rất chủ quan về sức khỏe của mình. Theo kết quả khảo sát, Ngành Y tế hiện có gần 2000 đoàn viên đang bị bệnh ung thư.
Nếu trong giai đoạn này Công đoàn không tích cực tham mưu cho lãnh đạo Ngành Y tế bảo vệ đoàn viên công đoàn thì chính đoàn viên, người lao động sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi và khó có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
* Công đoàn Y tế Việt Nam đã có những hoạt động nổi bật gì để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, thưa bà?
Công đoàn Y tế VN đã có nhiều sự thay đổi, bước chuyển mình thực hiện 3 khâu đột phá theo Nghị quyết 12 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đó là: Thay đổi phương thức hoạt động, hình thức công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới, công đoàn cấp dưới quan tâm thiết thực đến đoàn viên; Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác công đoàn các cấp; Nâng cao nguồn lực cho công đoàn, đặc biệt là công tác truyền thông.
 Luôn có mặt, hỗ trợ đoàn viên khi bị bệnh hiểm nghèo, Công đoàn Y tế Việt Nam đã trích Quỹ hỗ trợ cho mỗi đoàn viên Công đoàn trực thuộc Công đoàn Y tế Việt Nam 5 triệu đồng/người và hỗ trợ từ 1 đến 2 triệu đồng/người đối với những đoàn viên thuộc Công đoàn ngành các tỉnh, thành phố. Tính đến tháng 6/2019, Công đoàn Y tế Việt Nam đã hỗ trợ 248 trường hợp tại 35 công đoàn cơ sở với tổng số tiền hơn 1,1 tỉ đồng; hỗ trợ 464 đoàn viên tại 23 công đoàn ngành với tổng số tiền hỗ trợ là 645 triệu đồng... từ nguồn Quỹ Xã hội Công đoàn Y tế Việt Nam. Qua sự quan tâm của Công đoàn Y tế Việt Nam, Công đoàn y tế các cấp và LĐLĐ các tỉnh, thành phố cũng quan tâm hơn đến các đoàn viên của mình.
Qua đi kiểm tra, Công đoàn Y tế nhận ở thấy một số địa phương có nhiều  trường hợp cán bộ ngành Y tế bị lây nhiễm HIV qua đường máu như Sơn La, do đó Công đoàn đã đề nghị Cục Phòng chống HIV/AIDS trích Quỹ hỗ trợ cán bộ, nhân viên của Ngành bị lây nhiễm HIV khi làm việc.
Bên cạnh đó, Công đoàn Y tế Việt Nam còn có sự quan tâm thiết thực đến đoàn viên, người lao động bằng hình thức ký kết các Chương trình Phúc lợi đoàn viên, qua đó đề nghị các công ty, doanh nghiệp giảm giá 30% cho đoàn viên công đoàn Ngành. Công đoàn cũng đề nghị các đơn vị hỗ trợ, tài trợ cho Quỹ Xã hội Công đoàn Y tế Việt Nam để đoàn viên không phải đóng góp. Chúng tôi đã ký kết Chương trình phối hợp với 5 – 6 đơn vị như Deloitte Việt Nam, mỗi năm hỗ trợ cho Công đoàn ngành 200 triệu đồng trong 3 năm liên tiếp. Đối với các ngân hàng thì ký kết với Vietinbank để hỗ trợ làm thẻ ngân hàng cho đoàn viên Công đoàn, ký kết với BIDV để triển khai hỗ trợ chương trình Bệnh viện không tiền mặt theo chủ trương chung của Bộ Y tế, góp phần làm giảm các thủ tục rườm rà, tạo thuận lợi cho việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân và làm bớt đi phần nào nỗi vất vả của CNVCLĐ ngành Y tế...
Tuy nhiên, không ai muốn được bị bệnh để được chăm lo mà chúng tôi muốn tất cả những đoàn viên Công đoàn bị bệnh hiểm nghèo, đã được CĐ Y tế hỗ trợ phải trở thành những tuyên truyền viên tích cực về việc phòng bệnh, nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân từ khi chưa bị bệnh. Chúng tôi đã triển khai Chương trình 10 nghìn bước chân mỗi ngày và đã có hướng dẫn tới các CĐ cơ sở để triển khai Chương trình sức khỏe Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế phát động, bao gồm: Tăng cường hoạt động thể thực, áp dụng chế độ ăn lành mạnh, khám và phát hiện sớm bệnh.  
Công đoàn Y tế Việt Nam Nam còn tập trung triển khai các hoạt động tăng cường vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động ngành Y tế thông qua ký kế hoạch hoạt động năm 2019 với LĐLĐ các tỉnh/thành phố và các cơ quan Trung ương; tham mưu và phối hợp với Văn phòng Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn việc tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức. Chỉ đạo, đôn đốc các CĐCS phối hợp chặt chẽ với chính quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức, Hội nghị Người lao động theo quy định. Theo báo cáo của Công đoàn cơ sở, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 85/105 đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị Người lao động; 26/28 doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể (đạt 92,8%).
Công đoàn Ngành cũng đã ban hành hướng dẫn các Công đoàn cơ sở cách phòng và xử lý khi có cán bộ y tế bị bạo hành trong khi làm nhiệm vụ; ký quy chế phối hợp với 63 LĐLĐ tỉnh/thành phố và các đơn vị trung ương nhằm nắm bắt thông tin kịp thời, cũng như phối hợp nghiên cứu, cung cấp bằng chứng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong ngành; Kiện toàn tổ tư vấn pháp luật Công đoàn Y tế Việt Nam để trợ giúp pháp lý kịp thời cho người lao động khi được yêu cầu và tích cực tham gia công tác nghiên cứu, xây dựng pháp luật có liên quan đến người lao động trong ngành.
* Xin bà cho biết đặc thù của môi trường làm việc ngành Y tế có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người lao động và Công đoàn Y tế Việt Nam đã làm gì để tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm bảo vệ sức khỏe CBCCVC, người lao động Ngành Y?
Môi trường làm việc của cán bộ, nhân viên ngành Y tiềm ẩn rất nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm, đó là: Dễ bị lây nhiễm bệnh qua dịch tiết, máu mủ; lây truyền qua đường kim tiêm, người lao động có thể bị các bệnh liên quan đến vật lý, phóng xạ từ nhiều máy móc, thiết bị trong các cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân bằng những nguồn tia, các loại phóng xạ... mà bản thân các bác sỹ, nhân viên y tế bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cùng với đó là những bệnh liên quan đến stress, áp lực. Cán bộ y tế cũng có gia đình, có bố mẹ, có con cần được chăm sóc, trong khi y, bác sỹ, nhân viên y tế thường xuyên phải trực đêm, khi làm việc phải tiếp xúc với rất nhiều đối tượng nên rất căng thẳng. Những người còn đi làm thêm sau thời gian làm việc chính thức thì gần như không có thời gian để phục hồi sức khỏe. Ở những bệnh viện tự chủ về tài chính y, bác sỹ, nhân viên y tế phải làm việc từ 5h30 sáng đến 7h tối. Vậy, thời gian đâu để chăm sóc gia đình, người thân, phục hồi sức khỏe, chưa kể nhiều người còn bị bạo hành khi làm việc!
Bên cạnh vấn đề về xã hội, tâm lý, nhiều nhân viên y tế, điều dưỡng, bác sỹ bị dãn tĩnh mạch và nhiều bệnh khác liên quan đến tư thế do đi lại nhiều, đứng mổ nhiều giờ liên tục, tất cả những điều đó tạo ra sự căng thẳng và áp lực lớn đối với cán bộ, nhân viên ngành Y.
 Hiện nay có 34 bệnh nghề nghiệp được thanh toán bảo hiểm xã hội, nhưng trên thực tế ngay chính người lao động ở những bệnh viện lại chưa được thanh toán đầy đủ vì thiếu hồ sơ khám bệnh đầu vào chứng minh cán bộ không bị bệnh, qua môi trường tiếp xúc nghề nghiệp lâu ngày mới mắc bệnh. Công đoàn Y tế Việt Nam đã triển khai tập huấn, hướng dẫn các đơn vị thực hiện khám sức khỏe đầu vào cho người lao động, nhưng nhiều người lao động trước đó bị bệnh nhưng chưa khám sức khỏe đầu vào đã phải chịu thiệt thòi, không được BHXH giải quyết chế độ.
Ngoài vấn đề nêu trên, còn nhiều nội dung khác liên quan đến lĩnh vực ATVSLĐ của ngành Y tế mà người lao động chưa được hưởng do chính ý thức của sử dụng lao động, người lãnh đạo đơn vị. Chúng tôi đang tổ chức biên soạn và  phát hành tờ rơi về 12 điều lãnh đạo các đơn vị trong ngành Y tế phải làm nhằm tăng cường công tác ATVSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe của CNVCLĐ ngành Y, đó là: Yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế tổ chức bộ máy thực hiện công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế; Lập hồ sơ môi trường lao động; Xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp và tổ chức lực lượng cấp cứu; Quản lý sức khỏe và bệnh nghề nghiệp cho người lao động; Triển khai các biện pháp giảm thiểu tác hại nghề nghiệp; Bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng chống dịch bệnh; Nâng cao sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc; Kiểm định các thiết bị, máy có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; Xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa; Tăng cường công tác tự kiểm tra và báo cáo định kỳ về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
* Trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến ATVSLĐ ngành Y tế, theo bà có những qui định nào còn bất cập, chưa phù hợp, và bà có kiến nghị, đề xuất gì nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những qui định đó?
Hiện nay, ngành Y tế đang triển khai nhiều kĩ thuật mới, cơ cấu bệnh dịch thay đổi... khiến môi trường, điều kiện làm việc của cán bộ, nhân viên Y tế cũng có nhiều thay đổi, xuất hiện nhiều vị trí việc làm, công việc mới. Tuy nhiên, danh mục nghề độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong ngành Y tế đã ban hành từ năm 1996 đến nay vẫn chưa được cập nhật, sửa đổi.
 
Công đoàn Y tế Việt Nam đã chủ động phối hợp với Cục Quản lý Môi trường Y tế, Viện Chiến lược & Chính sách Y tế, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Vụ Khoa học và đào tạo (Bộ Y tế) trình lãnh đạo Bộ Y tế ban hành quyết định thành lập tổ công tác và xây dựng kế hoạch bổ sung danh mục nghề, công việc độc hại nguy hiểm, và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ngành y tế.
Với biên chế và quá tải của hầu hết các bệnh viện như hiện nay, nhiều đoàn viên công đoàn ngành y tế đã làm thêm quá 300 giờ/năm theo quy định của Luật Lao động. Một số cán bộ y tế đã làm trên 400 giờ/ năm vì hầu hết không được nghỉ trực do thiếu người.
Chính vì vậy, Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện để sớm sửa đổi, ban hành Danh mục nghề độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ngành Y tế (đã được ban hành từ năm 1996); Quan tâm, có chế độ ưu đãi cho cán bộ làm việc ở lĩnh vực lao, phong, tâm thần và tại các phòng cấp cứu; Có cơ chế để bảo vệ người thầy thuốc khỏi tình trạng bị bạo hành trong khi làm nhiệm vụ; Có chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhà công vụ cho người lao động Y tế tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; tạo điều kiện cho bác sĩ tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật cao, tăng chất lượng dịch vụ tuyến cơ sở.
Hiện nay Công đoàn Y tế Việt Nam đang phối hợp với Viện Chiến lược và chính sách y tế khảo sát nhu cầu khám chữa bệnh bằng BHYT trong ngày thứ bảy, chủ nhật để có cơ sở Chính phủ, Quốc hội không bổ sung giờ làm việc của cán bộ y tế vào thứ bảy, chủ nhật. Thay vì thế, đề nghị Tổng liên đoàn chỉ đạo các doanh nghiệp ở khu công nghiệp chủ động phối hợp với cơ sở khám bệnh trên địa bàn để ký hợp đồng khám sức khỏe vào ngày nghỉ cho người lao động, như vậy sẽ không ảnh hưởng chung đến hệ thống khám chữa bệnh của ngành y tế vốn đã quá tải, cán bộ y tế vốn đã làm việc quá 400 giờ theo qui định.
Cùng với kiến nghị bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp, tăng thêm phụ cấp trực cho cán bộ y tế, sắp tới  Công đoàn Y tế Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ tiến hành khảo sát và đề xuất chế độ đặc thù, cơ chế riêng cho các phòng, khoa cấp cứu trong các bệnh viện, cơ sở y tế, vì đây là nơi phải làm việc vất vả, căng thẳng, áp lực nhất trong các bệnh viện, cơ sở y tế.
* Xin trân trọng cảm ơn bà!
Đặng Thị Thảo Lan
(thực hiện)
 
 
TAG: Công đoàn Ngành Y tế Việt Nam bảo vệ quyền lợi ích của người lao động bằng những việc làm thiết thực PGS.TS Phạm Thanh Bình Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam bao
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần tới thân nhân người bị tai nạn lao động tại Yên Bái
Hơn 6.000 việc làm tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Lạng Sơn: 3.500 lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động