Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Vĩnh Phúc đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động
02:56 PM 24/07/2019
Xác định công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hướng giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn nỗ lực đẩy mạnh công tác XKLĐ và đạt được những kết quả tích cực. Nhờ vào XKLĐ, hàng ngàn người dân nơi đây không chỉ thoát được nghèo, mà còn vươn lên làm giàu…
Để đẩy mạnh công tác XKLĐ, thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện các chính sách của Nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các chính sách hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi giúp người lao động yên tâm khi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể như: Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết 37/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2012-2015, trong đó, đối tượng tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài ngoài việc cho vay vốn, người lao động còn được hỗ trợ một phần kinh phí 8 triệu đồng/người. Tiếp đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020. Với Nghị quyết này, tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho người lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động từ 50 - 200 triệu đồng và nâng mức mức hỗ trợ đối với lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài chia theo đối tượng và theo thị trường, trong đó, đối với các đối tượng ưu tiên có con em đi thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản được hỗ trợ 15 triệu đồng; đi lao động tại các nước khác được hỗ trợ 8 triệu đồng/người...
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ người lao động trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) có văn bản đề nghị các cấp công đoàn trong tỉnh tăng cường phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội chuẩn bị đủ vốn vay cho số lao động khi có hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài, thông báo rộng rãi, phổ biến rõ các thủ tục cho người lao động vay vốn được thuận tiện. Khi người lao động trở về nước, công đoàn cần quan tâm phối hợp doanh nghiệp trên địa bàn, giới thiệu việc làm, nhằm tiếp tục bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Quan tâm đẩy mạnh công tác XKLĐ, ngay từ đầu năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động ban hành kế hoạch điều tra, rà soát, cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động; tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng và chủ động tư vấn XKLĐ cho lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, vùng núi khó khăn, lao động thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc.
(Ảnh minh họa)
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, thời gian qua, Sở LĐTBXH và các địa phương, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ XKLĐ đã tăng cường công tác tuyên truyền về chương trình XKLĐ bằng nhiều hình thức, như: Phát tờ rơi, treo băng rôn, đăng tải thông tin trên các trang thông tin điện tử; niêm yết thông tin; tổ chức hội nghị, hội thảo tư vấn XKLĐ ở các xã, thôn xóm và các trường THPT; Phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc mở các chuyên mục “Lao động và việc làm”, “Chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo”… Hàng năm đăng tải hàng trăm tin, bài về chính sách hỗ trợ XKLĐ, thông tin thị trường lao động, giới thiệu gương điển hình về cá nhân, địa phương có người đi XKLĐ vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, quê hương.
Các xã, phường, thị trấn cũng đã chủ động bố trí cán bộ trực tiếp tư vấn, tuyên truyền, giải thích cho người lao động, đồng thời, hướng dẫn người lao động làm hồ sơ, các thủ tục cần thiết khi có nhu cầu tham gia XKLĐ, giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh và chính xác nhất về thị trường lao động, những doanh nghiệp tham gia tuyển lao động uy tín, thông tin về ngành nghề; chi phí xuất cảnh...
Các cơ sở dịch vụ việc làm của tỉnh thường xuyên phối hợp cùng các cấp chính quyền, hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn chủ trương, chính sách hỗ trợ XKLĐ của tỉnh; thông báo về kế hoạch, chỉ tiêu tuyển lao động, đồng thời, phối hợp với những doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ uy tín xuống tận thôn, xóm, khu dân cư để tư vấn, tuyển dụng lao động xuất khẩu.
Hiện toàn tỉnh có 48 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ XKLĐ, trong đó, có 2 doanh nghiệp trong tỉnh và 46 doanh nghiệp ngoài tỉnh đang tổ chức tuyển dụng, tạo nguồn lao động xuất khẩu. Các doanh nghiệp có nhiều hoạt động tích cực như: Tư vấn, dạy ngoại ngữ, hỗ trợ lao động có nhu cầu XKLĐ về chi phí, thủ tục học tập và xuất cảnh... Qua đó, giúp người lao động kịp thời nắm bắt được chủ trương của Đảng, Nhà nước, được trực tiếp giải đáp những điều còn vướng mắc khi tham gia XKLĐ, xóa bỏ tâm lý hoang mang trước những thông tin sai lệch, không chính thống về XKLĐ.
Với vai trò đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn và đào tạo người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, thời gian qua, Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu tỉnh Vĩnh Phúc đã làm tốt công tác phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo trên địa bàn tỉnh và trở thành địa chỉ tin cậy đối với người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài. Số lượng lao động được đơn vị tư vấn, tuyển chọn, đào tạo và đưa đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài ngày càng tăng. Chất lượng liên kết đào tạo nguồn, định hướng giáo dục giữa trung tâm và các đơn vị chức năng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tuyển dụng lao động tại nước ngoài. Năm 2018, Trung tâm đã tư vấn cho hơn 13.600 lao động có nhu cầu đi XKLĐ, du học vừa học vừa làm; sơ tuyển hơn 1.600 lao động có nhu cầu đi học tập và làm việc có thời hạn ở nước ngoài; cung ứng, liên kết đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho 691 lao động; đưa 251 lao động xuất cảnh sang Nhật Bản, Hàn Quốc; tiếp nhận, chi trả 1.468 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ XKLĐ với số tiền hơn 15 tỷ đồng; hướng dẫn hoàn thiện 80 hồ sơ vay vốn cho người lao động với số tiền gần 5 tỷ đồng.
Năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đào tạo, cung ứng 195 lao động cho các doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ, trong đó, đưa 78 lao động đi xuất khẩu. Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh đã mở 8 lớp ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho 129 lao động, tổ chức xuất cảnh cho 93 lao động đi học tập và lao động tại nước ngoài.
Với những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, năm 2018, công tác XKLĐ của Vĩnh Phúc đã về đích đúng mục tiêu, với 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, có 910 lao động đi XKLĐ tại Nhật Bản (chiếm 45,2% tổng số lao động xuất cảnh), 441 lao động đi làm việc ở Đài Loan (21,9%), 85 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (4,2%)... Các địa phương có nhiều lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là: Huyện Vĩnh Tường 513 người (đạt 135% kế hoạch năm); huyện Tam Dương 226 người (118%); huyện Lập Thạch 214 người (161%); thị xã Phúc Yên 100 người (75%).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn một số khó khăn do hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công ty liên doanh đáp ứng được nhu cầu việc làm của lao động nên người lao động có nhiều sự lựa chọn để tìm việc làm trong nước. Cùng với đó, người lao động còn ngại học ngoại ngữ, sợ không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp tuyển dụng ở một số nước phát triển như Nhật Bản nên chưa mạnh dạn đăng ký tham gia. Do ảnh hưởng của công tác quản lý lao động nước ngoài chưa được chặt chẽ, nhiều công ty đưa lao động ra nước ngoài để làm việc chưa thực hiện hết trách nhiệm với người lao động, thậm chí, có lao động không có tiền về nước đã gây tâm lý không tốt cho người lao động, từ đó cũng gây rất nhiều khó khăn cho việc tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mặt khác, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới việc đưa chương trình giải quyết việc làm, XKLĐ vào nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, nên công tác tuyên truyền, vận động không được thường xuyên.

Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về lợi ích thiết thực khi tham gia các chương trình xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài ở các xã, phường để kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Ngăn chặn và kịp thời xử lý những vi phạm, tiêu cực trong việc thực hiện công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Phấn đấu trong năm 2019 đưa được 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng./.

Cảnh Minh


TAG: Vĩnh Phúc đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động
Tin khác
Bến Tre: Quan tâm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động
Xử lý nghiêm vụ tai nạn lao động tại Yên Bái
Long An: Sôi động hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngay từ những ngày đầu năm 2024
Lào Cai: Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần tới thân nhân người bị tai nạn lao động tại Yên Bái
Hơn 6.000 việc làm tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Lạng Sơn: 3.500 lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024