Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Trưng bày chuyên đề “Lời tri ân” tại di tích Nhà tù Hoả Lò
06:47 PM 20/07/2018
(LĐXH) Ngày 20-7- 2018 , Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) tổ chức triển lãm chuyên đề “Lời tri ân” nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018).
Câu chuyện về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam được viết nên bởi thanh xuân, hạnh phúc riêng tư, máu và nước mắt của biết bao thế hệ. Để có được khúc ca khải hoàn chiến thắng và hạnh phúc của nhân dân, những người con ưu tú của đất nước, trong đó có rất nhiều thanh niên tuổi vừa 19, đôi mươi đã sẵn sàng lên đường chiến đấu, nguyện một lòng xả thân để Tổ quốc được trường tồn.
Để thực hiện khát vọng hòa bình cho dân tộc, những chiến sỹ kiên trung đã bị kiềm tỏa trong vòng vây của quân thù, không may sa vào nơi ngục tù lạnh lẽo nhưng trọn một tấm lòng thành, họ vẫn kiên tâm, bền chí trước những trận đòn tra tấn thấu xương hay khi cận kề cái chết để bảo vệ lý tưởng cách mạng. Nhiều tấm gương anh dũng trong ngục tù như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi… đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh, giải phóng dân tộc. Những địa ngục trần gian như Hỏa Lò, Côn Đảo, Khám Lớn… cũng chính là nơi các chiến sỹ yêu nước đã để lại một phần thân thể, là nơi những trái tim thanh xuân đã ngừng đập để giữ vẹn nguyên lời thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.
Cắt băng khai mạc Trưng bày chuyên đề Lời tri ân.
Những ngày tháng Bảy chở nặng ân tình, cả dân tộc lặng mình tưởng nhớ, gửi “Lời tri ân” các anh hùng, liệt sỹ, các thương, bệnh binh đã mất đi một phần xương máu để tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc. Đây chính là dịp để những người đang sống và được sống dâng nén nhang thơm, lẵng hoa tươi thắm, thắp sáng những ngọn nến tri ân, gửi trọn nghĩa tình tới những người có công với đất nước.
Diễn ra từ ngày 20-7 đến ngày 10-9-2018,  Trưng bày được chia thành 2 nội dung chính: “Trọn một lời thề” và “Lời tri ân”. “Trọn một lời thề” là những câu chuyện của các chiến sĩ cách mạng khi bị bắt giữ tại nhà tù Hoả Lò. Tại không gian trưng bày này, lần đầu tiên khách tham quan được biết và hiểu hơn về hệ thống nhà tù dưới bộ máy cai trị của chính quyền thực dân, đế quốc, về chế độ giam cầm hà khắc mà mỗi chiến sĩ yêu nước, cách mạng đã bất khuất vượt qua.
Một phần diện tích của trưng bày đã thể hiện khát khao cháy bỏng của mỗi chiến sĩ cách mạng khi bị bắt, giam trong các “địa ngục trần gian”. Ở trưng bày này, công chúng sẽ được biết câu chuyện các tù nhân ngày đêm lao động khổ sai, bí mật đào hầm, đóng thuyền chuẩn bị vượt ngục, nhưng gió to, sóng dữ đã đánh chìm những chiếc xuồng gỗ do tù nhân tự tạo. 117 chiến sĩ bị địch bắt lại, 81 chiến sĩ hy sinh trên biển (75 người trôi dạt vào bờ, 6 người mất tích giữa biển khơi). Những chiến sĩ hy sinh được người dân Côn Đảo âm thầm chôn cất ở bãi cát Cỏ Ống và lập đền thờ. Hiện vẫn còn 73 hài cốt các chiến sĩ nằm lại ở Cỏ Ống, Côn Đảo.
Trưng bày thu hút nhiều bạn trẻ đến thăm quan.
Phần nội dung trưng bày thứ hai - “Lời tri ân”, là những câu chuyện thời hậu chiến, vẫn còn day dứt cho tới ngày hôm nay. Nhiều chiến sĩ may mắn được trở về trong vòng tay của gia đình, đồng đội, nhưng có những người đã mãi mãi ra đi.
Tại buổi khai mạc, đại biểu và khách tham quan được gặp các nhân chứng là các cựu tù chính trị từng bị giam giữ tại các nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo, Phú Quốc, được giới thiệu trên trưng bày như: Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (thành viên Ban chỉ đạo công trình “Ký ức người lính”), ông Lâm Văn Bảng (thương binh 1/4, Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày), ông Nguyễn Tài Triệu (thương binh 2/4)…; thân nhân của các nghĩa sĩ, liệt sĩ tham gia sự kiện "Hà Thành đầu độc", Tổ chức Việt Nam Quang phục Hội, Khởi nghĩa Yên Bái…
Cũng tại buổi khai mạc Trưng bày  đã diễn ra lễ tổng kết 1 năm hoạt động của “Quỹ Tri ân” các cựu tù chính trị Hỏa Lò có hoàn cảnh khó khăn do Ban Liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930 – 1954) và Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp thực hiện. Trong hơn một năm qua, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành cầu nối để vận động sự ủng hộ về vật chất, đóng góp của các tổ chức, các nhà hảo tâm tới “Quỹ tri ân”; phối hợp với Ban Liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930 – 1954) tổ chức thăm hỏi và tặng quà tới 10 cựu tù chính trị có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp Lễ, Tết như: ngày Thương binh Liệt sỹ, ngày Quốc tế người cao tuổi 10/10, Tết Nguyên đán. Trong lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Lời tri ân”, nhiều tổ chức và nhà hảo tâm lại tiếp tục gửi đến “Quỹ Tri ân” những phần quà với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình, làm vơi bớt những khó khăn của những người tù chính trị Hỏa Lò đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước.
Chiến tranh đã đi qua, nhưng những câu chuyện thời hậu chiến vẫn còn day dứt cho tới ngày hôm nay. Với 250 hiện vật, hình ảnh được giới thiệu tại chuyên đề sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về sự tàn khốc của chế độ nhà tù thực dân, đế quốc, cùng với câu chuyện kể đầy xúc động về những người con trung hiếu đã hiến dâng trọn cuộc đời để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Bằng tấm lòng và hành động, các thế hệ đang sống trong hòa bình hôm nay phải luôn nhắc nhở mình phải sống và cống hiến sao cho xứng đáng với những hi sinh cao đẹp đó.
Thảo Lan
TAG: Trưng bày chuyên đề “Lời tri ân” di tích Nhà tù Hoả Lò bao
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách