Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động
09:31 PM 27/12/2023
(LĐXH) - Sáng 27/12/2023 tại TP.HCM, Báo Người Lao Động tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước"; lễ vinh danh "Đơn vị xuất khẩu lao động tiêu biểu năm 2023"; phát động cuộc thi viết "Nâng bước người lao động".

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại hội thảo.

Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Bá Hoan; bà Trần Thị Thanh Lan, Ủy viên thường trực, Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cùng lãnh đạo Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH; lãnh đạo nhiều Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành và lãnh đạo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiêu biểu.

Phát biểu chào mừng sự kiện, TS. Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao động, Trưởng ban chỉ đạo chương trình cho biết, đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng, trước nay chúng ta quen gọi là xuất khẩu lao động (XKLĐ), là một chủ trương hết sức đúng đắn, tốt đẹp của Đảng và Nhà nước, đồng thời là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 1991, Chính phủ ban hành Nghị định 370/HĐBT về quy chế đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đồng thời cho phép các tổ chức kinh tế được thành lập và cấp giấy hoạt động XKLĐ.

Với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, của Bộ LĐ-TB&XH, 32 năm qua đã có hàng trăm doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép để đưa hàng trăm ngàn lượt NLĐ đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống gia đình, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Lực lượng lao động này mỗi năm gửi về khoảng 3,5 - 4 tỉ USD kiều hối, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục tháo gỡ để thúc đẩy phát triển; cần thêm những cơ chế chính sách kịp thời, phù hợp với tình hình mới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực XKLĐ làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Hội thảo "Nâng cao hiệu quả XKLĐ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước", sẽ tập trung thảo luận sâu về những nội dung này.

Ông Tô Đình Tuân cho biết thêm, 12 doanh nghiệp XKLĐ được vinh danh là những thương hiệu dẫn đầu về chất lượng dịch vụ, luôn đặt NLĐ làm trọng tâm trong hoạt động tuyển dụng, đào tạo và phái cử lao động. Đặc biệt, các doanh nghiệp được vinh danh lần này rất tích cực trong việc tìm kiếm những đối tác tuyển dụng nước ngoài chất lượng, việc làm tốt hơn và thu nhập cao hơn cho NLĐ Việt Nam. Đây cũng là những thương hiệu được các cơ quan quản lý Nhà nước, các đoàn thể địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp đánh giá cao trong hoạt động XKLĐ thời gian qua. Bên cạnh 12 doanh nghiệp còn có một số địa phương và đơn vị hỗ trợ XKLĐ cũng được vinh danh lần này, về thành tích phối hợp tổ chức hiệu quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

 

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan nêu rõ, đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho NLĐ và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước; góp phần tăng cường quan hệ hợp tác về nhiều mặt giữa Việt Nam với những nước sử dụng lao động theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi, tôn trọng pháp luật và truyền thống dân tộc của nhau.

Thứ trưởng Hoan khẳng định, những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, của Bộ LĐ-TB&XH, hàng trăm doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép để đưa NLĐ đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc. Từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn là hơn 1,4 triệu người.

Các doanh nghiệp hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần đưa khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc mỗi năm. Lực lượng lao động này mỗi năm gửi về khoảng 3,5 - 4 tỉ USD kiều hối, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống gia đình, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn, đem lại nhiều lợi ích thiết thực. NLĐ đã góp phần quảng bá hình ảnh, giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hoá, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế; nhiều người khi về nước tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 “Người lao động không chỉ thoát nghèo, mà còn có khả năng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người thân đầu tư sản xuất, kinh doanh; đặc biệt tại những địa phương có nhiều NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, diện mạo quê hương có nhiều thay đổi với nhà cửa khang trang, hiện đại, an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm”, Thứ trưởng Hoan nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, có được thành quả như trên ngoài nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH, thì vai trò của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó là sự đồng hành của chính quyền địa phương trong công tác phối hợp tuyển chọn, quản lý, bảo vệ NLĐ khi đang làm việc ở nước ngoài.

"Bộ LĐ-TB&XH ủng hộ, hoan nghênh Báo Người Lao Động - Cơ quan của Thành ủy TP.HCM đã tổ chức bình chọn và vinh danh "Doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiêu biểu năm 2023" cũng như tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xăn hóa, xã hội đất nước", với mục đích động viên, biểu dương doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động XKLĐ. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Chúng tôi xin lắng nghe những giải pháp, những đề xuất tại hội thảo, trên cơ sở đó chắt lọc những kiến nghị, tham mưu Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế chính sách để thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới" - " - Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, đánh giá cao hoạt động sáng tạo này của Báo Người Lao Động. Báo đã giúp cho Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH về nâng cao hiệu quả XKLĐ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh kế.

Ông Liêm cho biết, hiện nay chủ trương xây dựng Luật Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập mà còn phát huy được hiệu quả, chất lượng, những kỹ năng người Việt học được ở nước ngoài. Việc này không chỉ giúp thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mà còn thu hút du lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp tốt vẫn có những doanh nghiệp làm không hiệu quả, nhân sự chỉ vài ba người.

"Chúng tôi muốn có doanh nghiệp mạnh, có bộ máy nhân sự lớn, mạnh về vật chất, đầu tư ra nước ngoài để an toàn cho NLĐ và hiệu quả. Ít nhất, doanh nghiệp đưa được 100 người đi làm việc nước ngoài mới xứng đáng. Do vậy, việc Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Nâng bước người lao động" là rất quý. Hiện Báo đã đồng hành cùng chúng tôi khi vất vả tìm kiếm thị trường, huấn luyện các em. Chúng ta phải đào tạo, bồi dưỡng, định hướng cho các em đi không phải để kiếm tiền. Trong lĩnh vực này, nhiều giám đốc doanh nghiệp đã thất bại, định từ bỏ nhưng quay lại. Chương trình đưa người Việt sang nước ngoài làm việc đã giải quyết việc làm, thu nhập cho rất nhiều" - " - Ông Nguyễn Gia Liêm nói.

Phát biểu tại sự kiện này, ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH - Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TP.HCM cho rằng, bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thời gian qua vẫn tồn tại một số hạn chế. Đó là chưa thống nhất trong sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề. Hiện nay, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương chủ yếu do doanh nghiệp làm, trong khi đúng ra là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

TS. Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, phát động cuộc thi viết "Nâng bước người lao động" lần thứ nhất năm 2024.

Công tác liên kết đào tạo nghề chưa đạt: Theo quy định của Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì doanh nghiệp XKLĐ phải có cơ sở đào tạo hoặc liên kết đào tạo nhưng hiện nay việc ký hợp đồng liên kết đào tạo của doanh nghiệp chủ yếu đối phó nhằm chứng minh có cơ sở đào tạo chứ không thực hiện công tác đào tạo trên thực tế trong khi định hướng của chúng ta là ngày càng giảm lao động phổ thông, nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi,

Hiện vẫn có rào cản từ cơ quan quản lý, đặc biệt là ở cấp huyện, xã, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện tư vấn, triển khai chính sách đến người lao động. Các địa phương cần đổi mới và doanh nghiệp cần có phản ánh về cơ quan quản lý để khắc phục vấn đề này.

Ông Thắng cho rằng, cần có góc nhìn, tiếp cận khác về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Trước đây đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là trong bối cảnh việc làm trong nước khó khăn.

“Hiện nay hoàn cảnh đã khác, đóng góp từ XKLĐ cho nền kinh tế rất lớn. Cả nước đang có 750.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 500.000 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, bao gồm 0,05% doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài nhưng đóng góp cho nền kinh tế từ 3,5-4 tỉ USD. Trước đây NLĐ tìm đến doanh nghiệp thì nay doanh nghiệp phải tìm đến người lao động, nên phải nghiên cứu cách thu phí từ dịch vụ lao động chứ không phải thu từ người lao động”, ông Thắng nói.

Tại hội thảo, ban tổ chức nhận được nhiều tham luận từ các đại biểu tham dự nhằm tháo gỡ khó khăn, cướng mắc để nâng cao hiệu quả công tác đưa NLĐ Việt Nam đị  làm việc theo hợp đồng có thời  hạn ở nước ngoài.


Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH - Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TP.HCM phát biểu tại sự kiện

Cũng tại Hội thảo, TS. Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đã chính thức phát động cuộc thi viết "Nâng bước người lao động" lần thứ nhất năm 2024. Các bài viết dự thi tập trung vào hai phạm vi nội dung: Một là, Đối với lĩnh vực lao động - việc làm nói chung; hai là, đối với lĩnh vực xuất khẩu lao động. Cuộc thi mở rộng đối tượng tham gia gồm tất cả các thành phần, người Việt Nam đang sinh sống và làm việc trong nước và nước ngoài. Thời hạn dự thi là 1 năm, Ban tổ chức sẽ trao giải tại chương trình hội thảo và vinh danh các doanh nghiệp XKLĐ tiêu biểu vào cuối năm 2024.

12 Doanh nghiệp XKLĐ tiêu biểu năm 2023, gồm:

1. Công ty TNHH Esuhai;

2. Công ty TNHH Hợp tác Quốc tế Mai Linh;

3. Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển nguồn nhân lực (TRACIMEXCO);

4. Công ty TNHH Đào tạo chuyển giao Lao động và Chuyên gia Haio (Haio Education);

5. Công ty TNHH MTV Phát triển nhân lực Tocontap Sài Gòn;

6. Công ty CP Nhật Huy Khang International (NHHK);

7. Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Sài Gòn (Saigon Intergco);

8. Công ty CP Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (SONA);

9. Công ty CP Phát triển nhân lực và thương mại Việt Nam (Vinamex);

10. Công ty CP Xuất khẩu lao động và Dịch vụ thương mại Biển Đông (Estrala);

11. Công ty CP Đầu tư Thương mại Quốc tế Sài Gòn Thiên Vương;

12. Công ty TNHH Tổ chức Tư vấn Giáo dục Quốc tế IECS.

Tại sự kiện này, ban tổ chức còn vinh danh các địa phương về thành tích phối hợp tổ chức hiệu quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2023, gồm: Tỉnh Đồng Tháp; tỉnh Cà Mau; tỉnh Trà Vinh; tỉnh Bến Tre; tỉnh Quảng Nam.

Trương Đăng

TAG: TPHCM Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan Giải Pháp nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động
Tin khác
TP.HCM: Thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng theo hiệu quả công việc và chi thu nhập tăng thêm
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu làm rõ vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do nổ nồi hơi tại Đồng Nai
TP.HCM: Tổ chức Tháng Công nhân với chủ để “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”
Nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động tại huyện Thạch Thất, Hà Nội
Phòng LĐ-TB&XH thị xã Ngã Năm “mang” 9 phiên giao dịch việc làm, tư vấn học nghề về các xã
Đắk Lắk: Phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024
Đối thoại tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: IM Japan hỗ trợ thực tập sinh Việt Nam nhiều khoản chi phí