An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động: Thực sự đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả
07:21 PM 13/10/2023
(LĐXH) – Ngày 13/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023; thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024.
Tham dự Hội nghị có: Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – TBXH); Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cùng đại diện các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo: Bộ Y tế, Bộ Công an, Quốc Phòng, Công Thương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam...
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 diễn ra từ ngày 01/5 đến ngày 31/5/2023. Lễ phát động Tháng hành động tổ chức phối hợp cùng Tháng Công nhân vào ngày 27/4/2023 tại Hà Nội với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc” đã nhận được sự quan tâm tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, bộ, ngành, doanh nghiệp và tầng lớp người lao động.
Hoạt động hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Lao động – TBXH đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tham mưu, đề xuất xây dựng chủ đề, kế hoạch, tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023; làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp khảo sát về tình hình chuẩn bị tổ chức Tháng hành động. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Lao động – TBXH đã tổ chức thanh tra, kiểm tra trọng điểm về công tác thi hành pháp luật ATVSLĐ đối với 33 đơn vị, trong đó xử lý vi phạm hành chính 4 đơn vị với số tiền trên 500 triệu đồng; tổ chức các đoàn phóng viên đi thực tế để nắm bắt thực tế triển khai công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở; Tổ chức đối thoại thường niên của Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), địa phương, doanh nghiệp nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động về công tác ATVSLĐ.
Các cấp công đoàn đã tổ chức phát động các phong trào thi đua về ATVSLĐ với 1.348.950 người tham gia. Kết quả có 89.755 sáng kiến cải thiện điều kiện lao động giảm thiểu TNLĐ, BNN (trong Chương trình 1 triệu sáng kiến do Tổng Liên đoàn Lao động Việt  Nam tổ chức). Công đoàn cấp trên cơ sở đã tổ chức giám sát, tham gia, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra công tác ATVSLĐ tại 3.660 doanh nghiệp với 2.452 vi phạm được phát hiện. Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tự kiểm tra ATVSLĐ với 20.105 cuộc. Qua công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ đã phát hiện, yêu cầu khắc phục 9.379 vi phạm và nguy cơ mất ATVSLĐ, trên 9.881 nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn được rà soát, bổ sung.
Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
phát biểu tại Hội nghị
Các đơn vị y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 779.000 người lao động; khám phát hiện BNN tại 3.665 đơn vị; Tiến hành đo kiểm môi trường lao động cho 2.421 đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh. Các đơn vị quốc phòng tổ chức hơn 400 lượt thanh tra, kiểm tra, 236 lần kiểm tra môi trường làm việc, đo đạc, kiểm tra được 9.324 mẫu môi trường lao động; Tổ chức 1.204 lớp huấn luyện cho 118.827 người; Tổ chức thăm và tặng quà cho gần 500 gia đình nạn nhân bị TNLĐ. Bộ Công an tổ chức tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ, phòng chống BNN, phòng chống cháy, nổ cho cán bộ, chiến sĩ, học viên, công nhân công an, lao động hợp đồng; tổ chức 211 cuộc tọa đàm, hội thảo về ATVSLĐ cho hơn 3.700 cán bộ chiến sĩ; tổ chức 02 cuộc thi tìm hiểu về ATVLSĐ cho 460 cán bộ chiến sĩ tham gia; đăng 976 phóng sự, tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về ATVSLĐ. Tổ chức 401 lớp tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ, phòng chống đuối nước với gần 110.000 người tham dự, khám sức khỏe định kỳ cho hơn 55.000 cán bộ, chiến sỹ; thực hiện 72 mẫu quan trắc môi trường lao động, 100% các mẫu đạt yêu cầu.
Các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã đồng loạt hưởng ứng, đổi mới các hoạt động đảm bảo thiết thực, có hiệu quả phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất kinh doanh. Các cơ quan báo, đài phát thanh và truyền hình ở trung ương và địa phương đã liên tục phát gần 24.500 tin, bài, toạ đàm, phỏng vấn, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là tuyên truyền trên các đài quận, huyện, xã, phường; gần 820.000 tờ rơi, tranh áp phích và các ấn phẩm thông tin tuyên truyền về ATVSLĐ được in, phát miễn phí tới doanh nghiệp, người lao động. Trong Quý II năm 2023, cả nước có gần 27.000 cuộc thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra. Trong đó có gần 5.000 doanh nghiệp được cơ quan chức năng thanh, kiểm tra (tăng 20% số đơn vị được thanh tra, kiểm tra so với cùng kỳ năm 2022). Hoạt động tự kiểm tra về ATVSLĐ cũng đã được các địa phương, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, đã có gần 23.000 cuộc tự kiểm tra trong đó có hơn 65.000 nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ được phát hiện và có gần 16.500 nội quy, quy trình làm việc an toàn đã được các doanh nghiệp xây dựng, ban hành và niêm yết tại nơi làm việc. Công tác huấn luyện ATVSLĐ cũng được chú trọng, cả nước đã có gần 700.000 lượt người được huấn luyện ATVSLĐ, trong đó huấn luyện cho đối tượng người lao động trong khu vực không có hợp đồng lao động là gần 15.000 lượt người.
Một số tập đoàn, tổng công ty đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực như: Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động đánh giá cao các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương cũng như các địa phương, doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hưởng ứng Tháng hành động. Việc tổ chức triển khai thực hiện Tháng hành động về ATVSLĐ đã thực sự đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả trong công tác đảm bảo ATVSLĐ, đặc biệt là chăm lo người lao động bị TNLĐ, BNN và cả người lao động ở khu vực phi kết cấu. Nhiều hoạt động thiết thực nhẳm giảm căng thẳng tại nơi làm việc đã được bộ, ngành, doanh nghiệp thực hiện, hưởng ứng tích cực.
Đại diện Cục An toàn lao động báo cáo kết quả của Tháng hành động về ATVSLĐ
Tuy nhiên, việc triển khai Tháng hành động cũng còn một số hạn chế như:  Các nội dung hoạt động hưởng ứng Tháng hành động trong các làng nghề, khu vực không có quan hệ lao động đã được quan tâm hơn, song còn nhiều hạn chế, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Nhận thức về công tác ATVSLĐ của người lao động ở một số nơi như vùng sâu, vùng xa, biển đảo... chưa cao nên việc tổ chức các hoạt động còn mang tính hình thức, thụ động; các hoạt động hưởng ứng mới chỉ tập trung ở doanh nghiệp lớn, chưa thu hút được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ tham gia. Một số chủ đầu tư chưa chú trọng công tác quản lý, giám sát ATVSLĐ; nhiều đơn vị, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xây dựng chưa chủ động tiếp cận, cập nhật các quy định của pháp luật về quản lý công tác ATVSLĐ trong thi công xây dựng.
Trên cơ sở các kết quả đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế cần khắc phục của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023, ông Hà Tất Thắng đề nghị các đại biểu đại diện các Bộ, ngành thảo luận, đóng góp ý kiến đề ra phương hướng và xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 sao cho hiệu quả, tạo được sức lan tỏa sâu rộng từ các cơ quan trung ương, các địa phương đến các doanh nghiệp, làng nghề và cả cộng đồng xã hội trong việc đảm bảo ATVSLĐ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến để xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024, như: Chủ đề Tháng hành động, qui mô, hình thức tổ chức Lễ phát động, địa điểm, các nội dung, hoạt động chính trong Tháng hành động năm 2024… Các đại biểu cũng đưa ra các ý kiến như: Cân nhắc tổ chức Lễ phát động tại địa phương, nơi có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Có thể tổ chức Lễ phát động ở Hà Nội và đặt các điểm cầu truyền hình trực tiếp tại một số địa phương; Đưa nhiều hoạt động phòng chống cháy nổ, phòng cháy chữa cháy vào Tháng hành động để nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ trong các doanh nghiệp sản xuất cũng như trong khu dân cư, góp phần giảm thiểu các vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như thời gian qua…/.
Nguyễn Hiền
TAG: an toàn vệ sinh lao động
Tin khác
Hà Nội: Lan tỏa ý thức, trách nhiệm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sản xuất
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024
Cà Mau: Nhiều lao động được giải quyết việc làm trong tháng 4/2024
Bến Tre: Quan tâm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động
Xử lý nghiêm vụ tai nạn lao động tại Yên Bái
Long An: Sôi động hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngay từ những ngày đầu năm 2024
Lào Cai: Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần tới thân nhân người bị tai nạn lao động tại Yên Bái
Hơn 6.000 việc làm tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương