Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Tham vấn thông điệp truyền thông về bình đẳng giới năm 2023
10:35 PM 18/09/2023
(LĐXH) - Chiều ngày 18/9/2023, tại Hà Nội, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia chủ đề, thông điệp và mẫu sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới được sử dụng trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023.

Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TBXH cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới nhấn mạnh: Truyền thông được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, là giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến giới và tiến tới bình đẳng giới thực chất.

Ông Lê Khánh Lương - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới phát biểu khai mạc hội thảo

Trong những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương, đã có nhiều nỗ lực trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình truyền thông vì bình đẳng giới đến năm 2030, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì tổ chức “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”, tạo ra hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm, tham gia, chung tay vào cuộc của các cơ quan, tổ chức và người dân, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực. Tháng hành động đã tạo thành chiến dịch truyền thông cao điểm, thu hút sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần lan tỏa rộng rãi các hình ảnh, thông điệp, kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực thực hiện bình đẳng giới, chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Thông qua chiến dịch truyền thông hằng năm, các thông điệp hướng tới kêu gọi thực hiện bình đẳng giới, chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã lan tỏa ngày một xa hơn, rộng hơn, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc đối diện với các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH đã chọn chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 là “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Chủ đề năm nay tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải ưu tiên cho công tác đảm bảo an sinh xã hội, đây  cũng là giải pháp quan trọng để bảo đảm bình đẳng giới, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới trong giai đoạn hiện nay. Do đó, việc truyền thông về chủ đề này nhằm tăng hiệu ứng truyền thông, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Bà Ngô Diệu Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới trình bày chủ đề, thông điệp truyền thông về bình đẳng giới năm 2023
Cũng tại Hội thảo, bà Ngô Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới đã trình bày 14 dự thảo thông điệp truyền thông trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023. Các thông điệp truyền thông được xây dựng bám sát chủ đề của Tháng hành động và hướng đến các nội dung, mục tiêu và và đối tượng truyền thông phong phú, phù hợp với cho các cơ quan, tổ chức áp dụng trong hoạt động truyền thông
Bên cạnh đó, Vụ Bình đẳng giới cũng giới thiệu và xin ý kiến đối với các mẫu sản phẩm truyền thông đa dạng, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức trong các sự kiện khác nhau.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến cho thông điệp truyền thông về bình đẳng giới

Nhận xét về chủ đề và các thông điệp và mẫu sản phẩn truyền thông trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, các đại biểu đồng tình cao với chủ đề của Tháng hành động năm 2023 và cho rằng đây là cách tiếp cận mới, phù hợp và tiến bộ đồng thời đảm bảo tính bao quát và thời sự đối với vấn đề bình đẳng giới. Tuy nhiên, để thông điệp truyền thông có hiệu quả hơn cần chỉnh sửa một số thông điệp để ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, bổ sung mộ số nội dung để có tính bao trùm hơn và nên sắp xếp các thông điệp cho phù hợp với từng đối tượng truyền thông cũng như thu hút được sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành, tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia tại Hội thảo, Vụ Bình đẳng giới sẽ tiếp thu, hoàn thiện và trình Bộ ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 trong thời gian tới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Đức Dương


TAG: bình đẳng giới thông điệp truyền thông truyền Thông tháng hành động bao
Tin khác
TP Hồ Chí Minh: Tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT
Hà Nam: thực hiện đầy đủ chính sách với người cao tuổi
Điện Biên: Chi trả trợ cấp hằng tháng cho 1.055 lượt đối tượng chính sách người có công
Nghệ An: Bảo đảm 100% người có công được chăm lo toàn diện
Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều giải pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp