An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật
08:38 AM 25/10/2021
(LĐXH) - Giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với người khuyết tật, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng xã hội.
Thống kê hiện nay, cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2020, đã có gần 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.
Thực hiện công tác giáo dục, đào tạo cho người khuyết tật, trong năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia; thúc đẩy thành lập và hoạt động hiệu quả Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Phòng Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục tại các địa phương; xây dựng và tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Người khuyết tật được quan tâm hỗ trợ giải quyết việc làm
Xây dựng tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, cao học và tiến sĩ Giáo dục đặc biệt; xây dựng chương trình đào tạo sinh viên là người điếc và đào tạo trình độ cao đẳng cho người điếc; phát triển chương trình giáo dục học sinh khuyết tật trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông mới đáp ứng nhu cầu và khả năng học hòa nhập. Nghiên cứu thống nhất thuật ngữ và phương pháp nhận diện người khuyết tật trong giáo dục theo chuẩn quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý giáo dục người khuyết tật và luận cứ cho quy hoạch hệ thống các cơ sở chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; Hướng nghiệp, dạy nghề, phát triển kỹ năng đặc thù cho người có dạng, mức độ khuyết tật đơn lẻ; Mô hình can thiệp sớm, mô hình hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật tại gia đình và cộng đồng.
Cùng với đó, đã tổ chức tập huấn cho 600 cán bộ quản lý và 1.700 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cốt cán cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố về quản lí và kĩ năng giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật; tập huấn nâng cao năng lực về phát hiện sớm, can thiệp sớm nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và một số kĩ năng về phát hiện sớm và hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập, triển khai sử dụng bộ công cụ AQS-3 theo dõi sự phát triển của trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Phối hợp Hội người mù Việt Nam mở các lớp xóa mù chữ, phục hồi chức năng, học tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, học nghề,… giúp đỡ trẻ em mù ở lứa tuổi học đường được đến trường và tạo điểu kiện tốt nhất để các em được tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục. Tổ chức Bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ Giáo dục đặc biệt cho 500 giáo viên tại các trường đại học và các địa phương; Tổ chức tập huấn xây dựng và vận hành phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại các trường tiểu học hòa nhập; Phối hợp với các Bộ, ngành và Mạng lưới Cha mẹ trẻ tự kỉ Việt Nam tổ chức thành công Ngày hội thể thao cho trẻ tự kỉ Việt Nam.
Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều người khuyết tật đã được học nghề, tạo việc làm ổn định
Trong công tác giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm, năm 2020, Bộ Lao động – TBXH đã tập trung hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tổng kết Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, trong đó có đối tượng là người khuyết tật; thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020, trong đó người khuyết tật là đối tượng ưu tiên. Hướng dẫn, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương mở rộng tuyển sinh tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, cao đẳng, trung cấp; sơ cấp theo hình thức vừa làm vừa học; đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ từ các Bộ, ngành, địa phương, trong năm 2020, cả nước đào tạo được khoảng 1,6 triệu người học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó, khoảng 950 nghìn lao động nông thôn được học nghề, 350 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề. Số lao động nông thôn là người khuyết tật được hỗ trợ học nghề khoảng 3.000 người. Tổ chức Hội nghị giao ban nghiệp vụ với các địa phương, cơ sở, trong đó có đánh giá kết quả thực hiện trong năm 2020 cũng như đề xuất kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 về đào tạo nghề cho người khuyết tật.
Triển khai Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2017 của Chính phủ về Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, trong đó có cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật. Năm 2020 đã hỗ trợ cho 2.422 NKT vay vốn để tạo, duy trì và mở rộng việc làm khoảng 6.047 NKT. Riêng Hội người mù Việt Nam được giao hơn 51 tỷ nguồn vốn trung ương và 40 tỷ từ nguồn địa phương triển khai tại 51 tỉnh, thành phố cho gần 10.000 hộ người mù tạo việc làm ổn định cho trên 13.000 lao động là NKT. Hiện có 393 cơ sở trong đó 251 cơ sở xoa bóp, 142 cơ sở sản xuất thủ công, 178 tổ nhóm sản xuất thủ công dưới 10 người thu hút 5.031 lao động, năm 2020 Hội đã phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia về người khuyết tật tổ chức thành công Hội thi tin học cho người mù toàn quốc lần thứ II.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho NKT, trong thời gian tới, Bộ Lao động– TBXH phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT để kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập cho phù hợp với thực tế của đất nước và với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT; chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho NKT; Văn bản hướng dẫn giáo dục nghề nghiệp đối với NKT. Xây dựng chương trình, tài liệu; đào tạo và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp NKT các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, đào tạo nghề nghiệp, giáo dục hòa nhập cho NKT... Tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho NKT; mô hình khởi nghiệp; mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho NKT; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng...
Hồng Phượng
 
 


TAG: Khuyết Tật Việc Làm dạy Nghề
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách