Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Quảng Trị kiên quyết xử cán bộ có hành vi bao che, dung túng, tham gia hoạt động mại dâm
05:50 PM 26/06/2023
(LĐXH)- Coi hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm là một trong những chỉ tiêu thi đua, đánh giá hàng năm đối với tổ chức, cá nhân; tăng cường công tác giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kiên quyết những cán bộ, đảng viên có hành vi thiếu trách nhiệm bao che, dung túng, tham gia hoạt động mại dâm.
Đây là một trong những giải pháp tăng cường công tác phòng, chống mại dâm 6 tháng cuối năm 2023 mà UBND tỉnh Quảng Trị đề ra tại báo cáo số 123/BC-UBND ngày 23/6 về kết quả công tác phòng, chống mại dâm 6 tháng đầu năm 2023.
Chưa phát hiện các vụ mại dâm
Đánh giá tình hình tệ nạn mại dâm tại địa phương, báo cáo nêu rõ: Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình tệ nạn xã hội về mại dâm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cơ bản đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, vẫn có sự biến động theo từng địa bàn, từng thời điểm và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Theo thống kê của các đơn vị, địa phương, đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có tổng cộng 280 cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, massage... trong đó có 25 cơ sở nghi vấn liên quan đến hoạt động mại dâm và 20 đối tượng nghi vấn hoạt động chứa chấp, dẫn dắt, môi giới mại dâm.
Số đối tượng này tập trung chủ yếu ở địa bàn các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng và thành phố Đông Hà. Tuy nhiên, số thực tế có thể cao hơn, do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, biến động, tinh vi và trá hình; hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn đều không trực tiếp chứa đối tượng bán dâm mà chủ yếu phân tán tại các nhà trọ, nhà cho thuê... Khi khách có nhu cầu, chúng móc nối, liên lạc với các đối tượng chứa chấp hoặc liên lạc trực tiếp với gái bán dâm (gái bán dâm tự phát) qua số điện thoại để thống nhất giá cả cũng như địa điểm để thực hiện hành vi mua, bán dâm.
Phương thức hoạt động mại dâm ở Quảng Trị chủ yếu là lợi dụng, núp bóng các loại hình kinh doanh dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, massage để hoạt động mại dâm; lợi dụng sự phát triển của không gian mạng để hoạt động môi giới, tự môi giới, điều hành hoạt động mại dâm. Đối tượng bán dâm đến từ nhiều địa bàn khác nhau, hoạt động theo thời vụ, núp bóng danh nghĩa là nhân viên phục vụ trong các cơ sở kinh doanh, một số đối tượng hoạt động theo hình thức “gái gọi”; số đối tượng là chủ chứa, đối tượng dẫn dắt, môi giới mại dâm thường không trực tiếp giao dịch, không gặp khách lạ, chỉ liên lạc với khách mua dâm qua các đối tượng môi giới là bảo vệ, lễ tân, phục vụ phòng buồng trong các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, chúng tạo thành một “ê kíp” khép kín và hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. Vì vậy, công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Trước thực trạng trên, căn cứ theo Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 11/02/2022 của UBND tỉnh Quảng Trị về thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, các cơ quan chức năng đã ban hành Kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2023; xây dựng và triển khai các Chương trình, Kế hoạch phòng, chống TNXH về mại dâm trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Công an tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 277/KH-CAT-PC02, ngày 15/3/2023 về Kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2023; xây dựng và triển khai các Chương trình, Kế hoạch phòng, chống tệ nạn xã hội về mại dâm, đồng thời chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch của Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị; đánh giá đúng thực trạng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về mại dâm tại địa phương nhằm phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác phòng, chống mại dâm; kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và vi phạm pháp luật về mại dâm; chủ động trong công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý không để phát sinh các tụ điểm nóng, phức tạp trên địa bàn.
Sở Lao động – TBXH Quảng Trị ban hành Công văn số 340/SLĐTBXH-BTXH, ngày 21/02/2023 về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2023 hướng dẫn các Sở, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2023 cũng như lồng ghép hoạt động phòng, ngừa mại dâm với các chương trình, kế hoạch có liên quan tại địa bàn cơ sở (lồng ghép đối tượng thụ hưởng; lồng ghép hoạt động (can thiệp) của các chương trình, dự án, đề án thực hiện trên cùng địa bàn; lồng ghép trong bố trí, phân bổ nguồn lực).
Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương cấp huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và ban hành các Chương trình, Kế hoạch để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực thiện hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn...
Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Trị thực hiện tốt việc triển khai các chương trình, kế hoạch công tác một cách có hiệu quả, kết hợp với công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm về mại dâm để nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh về phòng, chống mại dâm nên trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện các vụ việc hoạt động vi phạm pháp luật về mại dâm…
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa
Trong phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức được ít nhất là một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên. Thông tin về công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh được đăng tải thường xuyên trên các cơ quan báo chí, truyền thông.
Tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống mại dâm cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, người lao động trong các khu công nghiệp, học sinh tại các Trường THPT, sinh viên tại các Trường Cao đẳng và học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Về hoạt động phòng ngừa, 100% huyện, thị xã, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm. 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai phòng, chống mại dâm cấp xã.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, truy tố, 100% tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời. Phát hiện, khám phá, xử lý hình sự các vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm; xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm.
Bên cạnh đó, tiếp tục triệt xóa các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm và không phát sinh điểm mới. Duy trì không để tái hoạt động trở lại điểm phức tạp về hoạt động mại dâm đã triệt xóa. Tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh mại dâm; các cơ sở có biểu hiện phức tạp về mại dâm phải kiểm tra ít nhất một lần.
Về hoạt động can thiệp giảm tác hại, thực hiện các hoạt động phòng, ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh mại dâm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, tiếp cận, tư vấn cho 50 lượt người bán dâm; ít nhất 60% người bán dâm có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, tư vấn tâm lý, pháp lý, sức khỏe, dạy nghề, tạo việc làm... giúp họ hòa nhập cộng đồng…
Đối với giải pháp thực hiện, tỉnh Quảng Trị tiếp tục tăng cường chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, các đơn vị trong việc triển khai công tác phòng, chống mại dâm theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; tập trung chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, rà soát tại các khu vực phức tạp về tình hình mại dâm, nhất là khu vực giáp ranh; UBND các cấp đưa công tác phòng, chống mại dâm là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn, xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan liên quan khi để phát sinh mại dâm trên địa bàn quản lý. Coi hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm là một trong những chỉ tiêu thi đua, đánh giá hàng năm đối với tổ chức, cá nhân, tăng cường công tác giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kiên quyết những cán bộ, đảng viên có hành vi thiếu trách nhiệm bao che, dung túng, tham gia hoạt động mại dâm.
Thành lập, kiện toàn và phát huy vai trò của Đội kiểm tra liên ngành các cấp trong việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh hoạt động mại dâm. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ điều kiện thành lập và hoạt động kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh mại dâm theo quy định của pháp luật nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức hoạt động mại dâm…

Chí Tâm

TAG: quảng Trị đẩy Mạnh công tác phòng Chống Mại dâm bao
Tin khác
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng thăm, tặng quà chiến sĩ Điện Biên
TP Hồ Chí Minh: Tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT
Hà Nam: thực hiện đầy đủ chính sách với người cao tuổi
Điện Biên: Chi trả trợ cấp hằng tháng cho 1.055 lượt đối tượng chính sách người có công
Nghệ An: Bảo đảm 100% người có công được chăm lo toàn diện
Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều giải pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững