Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Quảng Ninh: Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện
06:06 PM 13/11/2023
(LĐXH ) - Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 775 lượt người cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy (tiếp nhận mới 308 người); trong đó cai nghiện bắt buộc 519 lượt người, cai nghiện tự nguyện 256 lượt người. Các địa phương trong tỉnh đang áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện đối với 440 lượt người; trong đó 280 lượt người quản lý sau cai nghiện bắt buộc, 160 lượt người quản lý sau cai nghiện tự nguyện.
Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 với chủ đề“Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”và ngày thế giới phòng chống AIDS (01/12), Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền tới đông đảo quần chúng nhân dân cũng như viên chức, người lao động về phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy và mại dâm. Các hoạt động tuyên truyền phong phú và đa dạng về nội dung và hình thức như: Tuyên truyền qua băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi; tuyên truyền trên hệ thống phát thanh nội bộ của Cơ sở; tổ chức chiếu phim tài liệu, phóng sự về phòng, chống HIV/AIDS, và các tệ nạn xã hội; sinh hoạt nhóm, sinh hoạt chuyên đề… 
Tuyên truyền hưởng ứng tháng hành động quốc gia về phòng chống HIV/AIDS năm 2023 tại cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Quảng Ninh
Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, tăng cường sự tiếp cận của người lầm lỗi, người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND (ngày 27/5/2021) về việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lầm lỗi, chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện, người bán dâm, nạn nhân bị mua, bán, người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương, giai đoạn 2021-2025... Trong năm 2021, toàn tỉnh đã đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 789 người nghiện, người lầm lỗi. 6 tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức 6 buổi tập huấn đối với 568 cán bộ cấp xã, phường, thị trấn làm công tác phòng chống ma túy về trình tự, thủ tục, hồ sơ cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (Kế hoạch số 1175/KH-LĐTBXH ngày 22/4/2022). Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 134 người, có 8 người được vay vốn với số tiền trên 500 triệu đồng.
Điển hình như tại thành phố Hạ Long, vào cuối tháng 7/2023, địa phương này đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn thành phố. Hội nghị thu hút sự tham gia của gần 250 người, tiến hành tuyên truyền kết hợp đối thoại dân chủ về nhiều nhóm vấn đề đang được quan tâm hoặc còn nhiều vướng mắc cần được giải đáp thấu đáo. Cụ thể như: Những nội dung chính được nêu tại Nghị định 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng; một số quyền lợi của người chấp hành xong án phạt tù; các vấn đề về định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm, trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ thủ tục pháp lý cần thiết...
Đặc biệt, hội nghị đã dành phần lớn thời gian để tư vấn về những ngành nghề phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình và nhu cầu của thị trường lao động; cung cấp thông tin doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn. Cùng với đó, những người đến dự hội nghị có nhu cầu đều được tư vấn kỹ lưỡng về các chính sách vay vốn, tạo việc làm tại chỗ hoặc các thủ tục đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm cho những người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng... góp phần tạo thêm động lực để người lầm lỡ lấy lại ý chí quyết tâm, xóa bỏ tâm lý tự ti để bước đầu làm lại cuộc đời. Tại Hội nghị, các đơn vị như Phòng LĐ-TB&XH, Hội Doanh nghiệp TX Quảng Yên... đã tham gia ký biên bản ghi nhớ về công tác phối hợp giúp đỡ người lầm lỡ. Bao gồm các nội dung như: Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, kết nối với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm theo nhu cầu; bảo đảm thực hiện công bằng về cơ hội trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, cho vay vốn; huy động và tạo điều kiện để toàn cộng đồng xã hội cùng quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập...
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, công tác quản lý người nghiện và sau cai nghiện tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác nắm, quản lý địa bàn, đối tượng, còn chưa chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh vụ việc phức tạp; việc tham mưu triển khai công tác cai nghiện ma túy tại một số địa phương còn chậm, chưa đồng bộ; công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, còn mang tính hình thức, sự quan tâm chỉ đạo thực hiện việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng của chính quyền và một số địa phương còn hạn chế; lực lượng tham gia công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy thường xuyên thay đổi. Đặc biệt là các hoạt động tư vấn, sinh hoạt nhóm, hỗ trợ học nghề vẫn còn nhiều hạn chế; thiếu cơ sở tạo việc làm ổn định cho người nghiện hoàn thành chương trình cai nghiện...
Theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý người nghiện và người sau cai nghiện tại cộng đồng, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh. Đồng thời phối hợp giữa các sở, ngành liên quan, các địa phương rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, an ninh, an toàn về cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; nâng cao chất lượng hoạt động của đội công tác xã hội, các mô hình hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng tại cơ sở; đẩy mạnh hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tái nghiện.
Khánh Quyên
 
TIN LIÊN QUAN
TAG: quảng Ninh Cai nghiện ma tuý quản lý sau cai
Tin khác
Điện Biên: Chi trả trợ cấp hằng tháng cho 1.055 lượt đối tượng chính sách người có công
Nghệ An: Bảo đảm 100% người có công được chăm lo toàn diện
Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều giải pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang