An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Nam: Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận với chính sách giảm nghèo
02:04 PM 19/11/2018
(LĐXH) Với việc thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông và giảm nghèo về thông tin, thời gian qua, người dân, nhất là bộ phận người nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được tiếp cận với chủ trương, chính sách về giảm nghèo, qua đó giúp họ nắm bắt được thông tin, tiếp cận những thành tựu khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào cuộc sống, lao động, sản xuất, góp phần nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.
Ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam cho biết: Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin là một trong 04 dự án quan trọng của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Dự án tập trung triển khai hai hoạt động là truyền thông về giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin. Đối với hoạt động “Truyền thông về giảm nghèo”, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cho Sở LĐTBXH chủ trì thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, ngân sách Nhà nước phân bổ 2,416 tỷ đồng cho các địa phương và Sở LĐTBXH, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Trong đó, Sở LĐTBXH và các địa phương đã tổ chức nhân bản 1.200 cuốn cẩm nang về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; phát hành 75.298 tờ rơi tuyên truyền chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; chi trả nhuận bút tin, bài về giảm nghèo trên Trang tin điện tử về giảm nghèo bền vững và Tạp chí Lao động và Xã hội; tổ chức đối thoại về chính sách giảm nghèo với hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Nhờ đầy mạnh công tác tuyên truyền, nhiều hộ dân trong tỉnh đã biết ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất (Ảnh Tổ công tác liên ngành của tỉnh thăm vườn ươm cây Đẳng Sâm tại huyện Tây Giang)
Ngoài ra, Sở LĐTBXH còn xây dựng 04 phóng sự truyền hình về công tác giảm nghèo; phối hợp với Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện tuyên tuyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo trên hệ thống đài truyền thanh, truyền hình; Xây dựng chuyên mục trên Portal Quảng Nam tại địa chỉ www.quangnam.gov.vn; Tổ chức 02 lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho 98 cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở của các xã nghèo thuộc Chương trình 135 và 257 phụ trách lĩnh vực thông tin và truyền thông; cán bộ phòng văn hóa thông tin và cán bộ Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện.
Đối với hoạt động “Giảm nghèo về thông tin”, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện. Theo đó, trong năm 2017, với tổng kinh phí 340 triệu đồng,  Sở đã tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại xã, phường, thị trấn, cán bộ phòng Văn hóa thông tin và cán bộ Đài Truyền than- truyền hình cấp huyện. Xây dựng phóng sự chương trình truyền hình tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo. Ngoài ra, còn hợp đồng phát sóng trên hệ thống truyền thanh, truyền hình ở 4 Đài truyền thanh- truyền hình cấp huyện, xây dựng chuyên mục tuyên truyền giảm nghèo về thông tin trên Portal Quảng Nam tại địa chỉ www.quangnam.gov.vn nhằm tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân, tuyên truyền về tấm gương giảm nghèo, thoát nghèo, kỹ thuật canh tác và nông nghiệp...
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông,  Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã chỉ đạo cơ quan báo chí địa phương tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 do Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đẩy mạnh tuyên truyền chương trình ngày Vì người nghèo do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTBXH, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Trong năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Kế hoạch truyền thông và giảm nghèo về thông tin trên địa bàn tỉnh, trong đó có các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở của xã, phường, thị trấn, cán bộ phòng Văn hóa thông tin và cán bộ Đài truyền thanh - truyền hình của 12 huyện thuộc chương trình giảm nghèo; Xây dựng 4 phóng sự truyền hình và 01 phóng sự phát thanh, phát sóng trên hệ thống truyền thanh, truyền hình ở 3 Đài truyền thanh- truyền hình cấp huyện là Nam Giang, Nam Trà My và Thăng Bình; Chỉ đạo một số Đài phát thanh- truyền hình cấp huyện xây dựng chuyên mục phát sóng, xây dựng ấn phẩm tuyên truyền chính sách giảm nghèo về thông tin cấp phát đến 244 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và phòng Văn hóa thông tin, Đài truyền hình - truyền thanh cấp huyện.
Đánh giá về tính hiệu quả của Dự án, ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam cho rằng: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững triển khai tại các địa phương trong tỉnh đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của các cấp chính quyền, của nhân dân trong vùng dự án. Chương trình luôn được coi là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Những năm qua, tuy nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho công tác giảm nghèo. Hệ thống các văn bản chỉ đạo và các chính sách ban hành đều hướng tới người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội, tiến tới giảm nghèo bền vững.
Đối với Dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững bước đầu đã mang lại hiệu quả. Từ việc triển khai thực hiện những hoạt động trong năm 2017 và năm 2018  đã tạo điều kiện cho người dân, nhất là bộ phận dân cư nghèo được tiếp cận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, những vấn đề liên quan đến xóa đói giảm nghèo và những quyền lợi gắn bó thiết thân với cuộc sống của bà con. Đây cũng là cơ hội để người dân nghèo được cập nhật nắm bắt thông tin, tiếp cận những thành tựu khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào cuộc sống, lao động, sản xuất, góp phần làm giàu giá trị tri thức, văn hóa, kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội, từng bước thực hiện thành công Dự án, góp phần hoàn thiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.
Bên cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền, vận động về giảm nghèo, nhận thức của nhân dân nói chung và người nghèo nói riêng đã được nâng lên rõ rệt, tạo được sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở các cấp, từ đó giáo dục ý thức tự lực, tự cường, động viên các hộ nghèo vươn lên để xoá được đói, giảm được nghèo, một số trở thành hộ khá.
Nhờ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2017, tỉnh Quảng Nam còn 38.112 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,28%, giảm 3,62% so với đầu năm 2016, bình quân giảm 1,81%/năm, trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 03 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và 03 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a giảm 9,76%, bình quân giảm 4,88%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã ĐBKK thuộc Chương trình 135 và 257 giảm 11,90%, bình quân giảm 5,95%/năm, từ 45,73% đầu năm 2016 giảm còn 33,82% cuối năm 2017; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 5,39% (21.667 hộ/401.772 hộ dân toàn tỉnh) vào đầu năm 2016 xuống còn 4,61% (18.927 hộ/410.644 hộ dân toàn tỉnh) vào đầu năm 2018, tương ứng giảm được 0,78%, bình quân 0,39%/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn những hạn chế như: Công tác truyền thông đã được quan tâm triển khai song chưa thực sự sâu rộng; một bộ phận không nhỏ hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Công tác phối hợp trong chỉ đạo, điều hành của các thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo ở cấp cơ sở chưa thực sự chặt chẽ. Nguồn lực cấp cho Dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” còn hạn chế nên chưa triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện dự án.
Để việc thực hiện Dự án đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới các đơn vị thực hiện Dự án tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; động viên, khen thưởng kịp thời những hộ nghèo điển hình trong việc phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững. Công tác thông tin tuyên truyền, giải thích phải được chú trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục, đa dạng bằng nhiều hình thức để vận động, thuyết phục hộ nghèo, người nghèo ý thức tự lực vươn lên, tự nguyện, tự giác đăng ký thoát nghèo bền vững. Ngân sách nhà nước và nguồn vận động chỉ tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo có ý thức, có điều kiện và tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững, cương quyết không hỗ trợ cho hộ không đăng ký, hộ không đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định.
 Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai đồng bộ các nội dung trong Dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” như: Hỗ trợ phương tiện nghe xem cho các hộ nghèo, gia đình chính sách; đầu tư trang thiết bị tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại các huyện; xây dựng các điểm tuyên truyền cổ động. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở; chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu thiết yếu về thông tin của người dân. Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương cần trung triển khai tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, trách nhiệm tham gia của người dân, người nghèo trong các hoạt động giảm nghèo; các chế độ, chính sách về giảm nghèo, giới thiệu kinh nghiệm làm ăn, kiến thức khoa học kỹ thuật, cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng./.

Nguyễn Hữu Điệp
 
 
 
 
TAG: Quảng nam truyền Thông Giám nghèo Tiếp cận
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024