Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Ninh Thuận chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn
04:23 PM 13/09/2019
(LĐXH) - Trước nhu cầu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và yêu cầu thị trường lao động, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện toàn tỉnh Ninh Thuận có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 12 cơ sở công lập và 7 cơ sở dạy nghề ngoài công lập tham gia đào tạo 13 nghề ở trình độ cao đẳng, 20 nghề trình độ trung cấp và 49 nghề trình độ sơ cấp dạy nghề dưới 3 tháng với quy mô đào tạo nguồn nhân lực trên 8.500 người/năm. Với tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, trong giai đoạn 2016 - 2018, Ninh Thuận có 547 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, chiếm 19% tổng số doanh nghiệp trong tỉnh; trong đó có 70 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp; 468 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; 9 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực lâm nghiệp. Ngoài ra còn có 53/72 hợp tác xã đang hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 73,6% tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Nhu cầu đào tạo nghề cho lao động tại chỗ của địa phương đến thời điểm này tương đối cao.

Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang được đẩy mạnh

Trong năm 2018, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 136 nghề nông nghiệp, 47 nghề phi nông nghiệp. Đối với nghề nông nghiệp, địa phương tập trung đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại cây chủ lực như lúa, nho, táo, tỏi, măng tây, nha đam; chăn nuôi dê, bò, cừu vỗ béo; chế biến các mặt hàng nông sản, hải sản. Đối với nghề phi nông nghiệp, tỉnh tập trung đào tạo các nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, các làng nghề, làm gia công theo sản phẩm; đồng thời, mở hướng đào tạo cho các lao động chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp như lái xe, may công nghiệp; hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ; thuyền trưởng, máy trưởng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chủ động huy động các nguồn kinh phí đào tạo nguồn nhân lực từ các chương trình, dự án, qua đó, đã tổ chức đào tạo được 2.902 lao động, riêng từ nguồn kinh phí Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tổ chức và đào tạo được 2.654 lao động, đạt 102,08% so với kế hoạch đề ra với tổng kinh phí thực hiện 5,389 tỷ đồng. Nhiều mô hình dạy nghề hiệu quả đã được nhân rộng trong toàn tỉnh như mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo; trồng rau an toàn, măng tây xanh tại huyện Ninh Phước; mô hình kỹ thuật trồng lúa, bắp, mì, mía tại huyện Thuận Bắc; mô hình thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4, kỹ thuật trồng nho an toàn tại huyện Ninh Hải…

Các cơ sở dạy nghề ở Ninh Thuận đã tiến hành đào tạo chung với các trường dạy nghề và cao đẳng ngoài tỉnh như Nha Trang và Đà Lạt. Cùng với đó, địa phương cũng chủ động đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... với các ngành, nghề như dệt, may mặc, điện tử, chế biến thực phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động tại các cùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các làng nghề đang đẩy mạnh cải tiến, đổi mới mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời chú trọng quảng bá thương hiệu gắn với tour du lịch làng nghề nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, Ninh Thuận cũng sẽ thực hiện các ưu đãi để thu hút lao động lành nghề đang tìm việc làm, phát triển đội ngũ giáo viên có trình độ, đầu tư đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho dạy nghề, tăng cường mối liên kết giữa các cơ quan quản lý với cơ sở dạy nghề, người sử dụng lao động, người lao động và nhà cung cấp đào tạo để đảm bảo rằng nguồn cung và nhu cầu đào tạo sẽ được đáp ứng.

Thông qua thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước được chuyển đổi theo nhu cầu của thị trường lao động, đa dạng hóa ngành nghề, gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động. Kết quả, trong năm 2018 tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 16.667 lao động/kế hoạch 15.500 lao động và đào tạo nghề cho 9.203 lao động/kế hoạch 8.500 lao động.

Nhiều hoạt động thúc đẩy công tác đào tạo nhân sự trong năng lượng tái tạo đã tỉnh Ninh Thuận tổ chức

Từ nay đến hết năm 2019, thông qua nhiều kênh, tỉnh phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là tổ chức tuyển mới và đào tạo nghề cho 8.500 người, trong đó  đào tạo nghề dài hạn 1.250 người, đào tạo nghề ngắn hạn 7.250 người (tổ chức đào tạo nghề cho 2.600 lao động nông thôn). Cùng với đó, địa phương đang từng bước thực hiện chiến lược đảm bảo đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đạt được mục tiêu phát triển sáu ngành công nghiệp trụ cột của tỉnh và phục vụ cho các doanh nghiệp nông nghiệp, các hợp tác xã, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tiến tới xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 ở Ninh Thuận.

Trần Huyền

 

TAG: Ninh THuận đào tạo nghề dạy nghề cho lao động nông thôn Nông nghiệp công nghệ cao
Tin khác
4 tháng đầu năm 2024: Đồng Nai giải quyết việc làm cho 31.624 lượt người lao động
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM gặp gỡ đối thoại trực tiếp với cán bộ, công chức, viên chức
Phú Yên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động
Việc làm bền vững kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở Ninh Sơn
TP.HCM: Thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng theo hiệu quả công việc và chi thu nhập tăng thêm
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu làm rõ vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do nổ nồi hơi tại Đồng Nai
TP.HCM: Tổ chức Tháng Công nhân với chủ để “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”
Nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động tại huyện Thạch Thất, Hà Nội
Phòng LĐ-TB&XH thị xã Ngã Năm “mang” 9 phiên giao dịch việc làm, tư vấn học nghề về các xã