Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Những thương binh giàu nghị lực ở Bắc Giang
11:09 AM 28/11/2023
(LĐXH) - Vượt qua những khó khăn, nỗi đau thương tật do chiến tranh để lại, nhiều thương binh, bệnh binh đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tích cực lao động sản xuất và tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương. Chúng ta cùng gặp gỡ những thương binh như vậy ở tỉnh Bắc Giang.
Người thương binh hết lòng vì cộng đồng
Ở thôn An Long, xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang, người dân nơi đây ai cũng yêu quý và kính trọng thương binh Nguyễn Xuân Dậu vì những đóng góp của ông cho cộng đồng xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Dậu nhập ngũ tháng 9/1965 khi đang là cán bộ địa chất. Sau huấn luyện, ông được biên chế vào binh chủng đặc công sang giúp nước bạn Lào giải phóng đất nước. Ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh khốc liệt và trong một trận đánh ác liệt, đồng đội của ông hy sinh rất nhiều còn ông bị mất cánh tay trái. Khi điều trị vết thương ở Lào, đồng chí Dậu được Hoàng thân Xu pha-nu-vông và Chủ tịch Cay-xỏn-phôm-vi-hản đến thăm và tặng thưởng Huân chương Ít-xa-la, là phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Lào. Năm 1971, thương binh Nguyễn Xuân Dậu về trại an dưỡng Thanh Hà, sau đó về công tác ở Ty Thương binh - Xã hội, rồi được cử làm Bí thư Đảng uỷ trại Thương binh số 1 - Hà Bắc. Sau khi đi học xong ở trường Đảng, ông về công tác tại quê hương Lạng Giang. Từ năm 1976 đến 1992, ông trải qua các cương vị từ cán bộ cho đến Thư ký Công đoàn (nay là Chủ tịch công đoàn) đến lúc nghỉ hưu. Ở cương vị nào, ông cũng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thương binh Nguyễn Xuân Dậu (thứ 2 bên trái) đang giao lưu với đoàn viên, thanh niên tại
Chương trình "Tiếp lửa truyền thống, định hướng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời đại mới"
Tháng 2/1992, ông nghỉ chế độ. Với suy nghĩ còn sức khỏe còn cống hiến cho xã hội, ông lại tiếp tục tham gia vào các hoạt động ở địa phương. Ông được bầu làm Bí thư chi bộ thôn An Long - 13 năm làm Bí thư chi bộ, ông cùng tập thể đưa chi bộ từ trung bình trở thành cơ sở vững mạnh và thôn liên tục được công nhận là "Làng văn hoá" các cấp. Bên cạnh đó, ông còn lamf Chủ tịch Hội Thương binh nặng và người có công huyện Lạng Giang; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang; Chủ tịch hội sinh Vật cảnh huyện…
Về phát triển kinh tế gia đình, năm 1997, ông đứng lên thành lập Công ty cơ khí Thống nhất và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông chèo lái đưa Công ty gia đình vượt qua mọi khó khăn để phát triển. Với các sản phẩm cơ khí, trong đó cửa cuốn lõi thép là sản phẩm chủ lực vươn ra chiếm lĩnh thị trường ở miền Bắc và có điều kiện xây dựng nhà máy sản xuất thứ 2 ở thành phố Vinh (Nghệ An) phục vụ khu vực bắc miền Trung. Một số sản phẩm của Công ty được Bộ Công thương vinh danh. Công ty hoạt động góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó có con em thương binh, cựu chiến binh…
Với 10 năm chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, ông Nguyễn Xuân Dậu được tặng 4 Huân chương chiến công, 5 bằng dũng sỹ diệt Mỹ và 1 Huân chương của nước bạn Lào. 21 năm công tác tại quê hương, ông đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Và hơn 30 năm sau ngày nghỉ hưu, ông vẫn tâm huyết với công tác xã hội. Ông là một trong 9 thương binh nặng trong cả nước được ghi danh có hành động dũng cảm. Với ý chí và nghị lực phi thương, thương binh Nguyễn Xuân Dậu là tấm gương sáng ngời để thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Thầy giáo thương binh tâm huyết với nghề
Mang trên mình nhiều thương tật do vết thương chiến tranh để lại nhưng nhưng thương binh Nguyễn Mạnh Hiền, sinh năm 1952, ở thôn Núm, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang đã vượt lên thương tật, miệt mài truyền lửa cho bao thế hệ học trò. 
Năm 1970, khi đang là sinh viên khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Mạnh Hiền đã xung phong lên đường nhập ngũ, trở thành lính pháo binh trên chiến trường Quảng Trị với nhiều trận đánh ác liệt. Vào một ngày tháng 5/1871, trong một trận đánh, chiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiền bị nhiều mảnh đạn găm vào nửa đầu bên phải và cánh tay trái rồi ngất lịm, khi tỉnh dậy, khuôn mặt hoàn toàn biến dạng, cánh tay không thể cử động như bình thường. Đau đớn lắm nhưng ông nghĩ mình còn sống đã là may mắn hơn nhiều đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường.
Trở thành thương binh khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời song ước mơ dạy học vẫn cháy bỏng, ông được điều trở lại trường đại học tiếp tục học tập. Mảnh đạn ở đầu tạo nên những cơn đau dữ dội nhưng ông đã nỗ lực vừa rèn luyện sức khỏe, vừa vươn lên để hoàn thành khóa học. Điều hạnh phúc với ông là dù thương tật mất 41% sức khỏe nhưng người bạn gái ở cùng thôn Núm hẹn ước từ trước ngày nhập ngũ vẫn một mực yêu thương và hai người nên duyên vào năm 1974. Chiến tranh vẫn diễn ra ác liệt ở các tỉnh miền Nam, gần kết thúc năm học thứ 4, ông một lần nữa nhận nhiệm vụ lên đường làm phiên dịch cho quân đội ta tại Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) trong thời điểm cận kề ngày miền Nam được giải phóng (4/1975).
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Hiền trở về dạy học tại Trường THPT Quế Võ (khi đó thuộc tỉnh Hà Bắc). Hồi đó, đời sống giáo viên thiếu thốn, sách ngoại ngữ hiếm nhưng thầy giáo Hiền vẫn luôn trích một phần lương mua sách vở, giấy bút tặng các em hoàn cảnh khó khăn, con em gia đình thương binh, liệt sĩ. Không có sách tham khảo, thầy miệt mài tự soạn những bài tập tiếng Anh để bồi dưỡng kiến thức cho học sinh.
Sau 4 năm gắn bó với học sinh miền quê ven sông Cầu, thầy giáo Hiền được điều về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự Bắc Giang. Niềm vui lớn của bao thế hệ sinh viên nhà trường là được nghe thầy giảng bài. Giờ học không đơn thuần là học ngôn ngữ mới mà mỗi học trò còn được thầy truyền dạy kiến thức mở rộng về văn hóa, lịch sử và hơn hết là học để làm người có ích cho xã hội.
Năm 2007, ông bị liệt nửa người do vết thương tái phát phải chia tay giảng đường. Sức khỏe tiến triển dần nhờ bền bỉ luyện tập nhưng thầy Hiền vẫn không tự di chuyển được mà phải nhờ vào nạng gỗ, xe lăn. Vừa để luyện tay vừa không ngừng tìm hiểu kiến thức, thầy Hiền vẫn mang những cuốn sách ngoại văn ra đọc và tổng hợp, ghi chép lại như soạn giáo án cho mỗi bài giảng ngày nào. Lúc rảnh rỗi, thầy còn làm thơ, bồi đắp tâm hồn thêm phong phú. Dù cuộc sống còn khó khăn, vết thương vẫn nhức nhối hằng ngày nhưng thầy Hiền đã chọn cho mình hành trình sống lạc quan, nghị lực phi thường ấy đã góp phần lan tỏa hình ảnh cao đẹp của người lính giữa đời thường.
Có thể nói, vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ… các thương binh, bệnh binh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã và đang tiếp tục phát huy phẩm chất, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, tiếp tục truyền lửa cho thế hệ trẻ viết tiếp những trang sử hào hùng của quê hương, đất nước./.

Hưng Minh

TAG: Người có công Đền ơn đáp nghĩa Bắc giang bao
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách