Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Những nỗ lực phòng, chống mại dâm ở một tỉnh miền núi phía Bắc
03:22 PM 08/11/2023
(LĐXH)-Thái Nguyên là một tỉnh miền núi phía Đông Bắc của Tổ quốc. Cùng sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ - thông tin, tình hình tội phạm hình sự có xu hướng nảy sinh với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Việc hình thành các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp cũng kéo theo việc xuất hiện của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm và vi phạm pháp luật về mại dâm.
Kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 699 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Trong đó: Cơ sở lưu trú 508; nhà hàng karaoke và cơ sở massage 188; vũ trường 03, với gần 800 nhân viên làm việc trong các cơ sở này. Qua công tác rà soát nắm tình hình, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay ước tính có khoảng 70 gái bán dâm đang hoạt động trên địa bàn.
Thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, trong 20 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm đảm bảo kịp thời, đồng bộ, đầy đủ và khả thi. Trên cơ sở đó, các Sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, Chỉ thị số 25/2003/CT-TTg ngày 21/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm; tổ chức phát động Cuộc thi tìm hiểu Pháp lệnh phòng, chống mại dâm đến mọi tầng lớp nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trong từng giai đoạn, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các Quyết định phê duyệt kế hoạch phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh; Ban hành các Quyết định kiện toàn và cấp thẻ kiểm tra cho thành viên Đội kiểm tra liên ngành 178 về phòng, chống tệ nạn mại dâm. Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện các nội dung hoạt động của Chương trình, Kế hoạch phòng, chống mại dâm đến các sở, ngành, đoàn thể liên quan của tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã; xây dựng Kế hoạch kiểm tra liên ngành 178 về phòng, chống mại dâm trên địa bàn.
Tỉnh cũng thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công cụ thể cho các thành viên theo dõi phụ trách các địa phương triển khai thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên .
Các Sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đã ban hành các văn bản triển khai các nội dung hoạt động của Chương trình, Kế hoạch phòng, chống mại dâm theo từng giai đoạn và Kế hoạch phòng, chống mại dâm hằng năm.
Cùng với đó, công tác phòng, chống mại dâm cũng được tỉnh Thái Nguyên lồng ghép thực hiện  với các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở, đó là các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình an sinh xã hội, Chương trình phòng, chống ma túy, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Chương trình về dạy nghề, tìm việc làm, hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo.
Nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng trong công tác phòng, chống ma túy và mại dâm, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tại Thái Nguyên đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về pháp luật phòng, chống mại dâm, tuyên truyền về những tấm gương, những mô hình hiệu quả trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và hỗ trợ người bán dâm ổn định cuộc sống.
Trong giai đoạn từ 2003 đến tháng 6/2023, tại Thái Nguyên, đã có 20.853 cuộc truyền thông, tuyên truyền về công tác phòng chống mại dâm tại cộng đồng bới trên 17,6 người tham gia; 1.124.745 panô, áp phích, tờ rơi thực hiện truyền thông, tuyên truyền về công tác phòng chống mại dâm tại cộng đồng; 10.884 lượt thông tin về phòng, chống mại dâm được đăng tải trên cơ quan báo chí cấp tỉnh; 210.653 người có nguy cơ cao tham gia tệ nạn mại dâm được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống mại dâm, trong đó có 10.785 người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm,  83.400 người lao động trong các khu công nghiệp, 116.468 học sinh, sinh viên các trường THPT, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tệ nạn mại dâm, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng công tác kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm, trong 20 năm qua, Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh và các địa phương đã kiểm tra trên 4.609 lượt cơ sở, xử lý và phạt tiền 142 cơ sở vi phạm với số tiền 1.049.000.000 đồng. Trong đó, Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra 572  cơ sở. Qua công tác kiểm tra, các Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, đề nghị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, nhắc nhở, chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thực hiện đúng  quy định pháp luật.
Đồng thời công tác đấu tranh triệt phá các ổ nhóm, tụ điểm hoạt động tệ nạn mại dâm được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2003 - 6/2023, tỉnh đã thực hiện 5 cuộc truy quét tại các địa điểm công cộng,  227 cuộc triệt phá tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ với tổng số người vi phạm là 1.066 người, trong đó có 391 người mua dâm, 400 người bán dâm, 2 người bán dâm dưới 18 tuổi, 273 chủ chứa, môi giới. Số tội phạm liên quan đến tệ nạn mại dâm bị xử lý vi phạm hành chính là 791 người.
Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm và tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm, Thái Nguyên cũng chú trọng đến hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới  trong phòng, chống mại dâm và hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2014 đến 30/6/2023, đã có 30 người bán dâm trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng và đủ kiện được hỗ trợ, trong đó có 30 lượt dối tượng được tư vấn, trợ giúp pháp lý, 20 lượt đối tượng được học nghề, tạo việc làm, 28 lượt đối tượng được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, 15 lượt đối tượng được cung cấp các dịch vụ về phòng, chống  lây nhiễm HIV. Cùng với đó, trong giai đoạn này, tỉnh đã xây dựng, duy trì được 1 mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và có 10 đối tượng bán dâm được tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ đồng đẳng, các nhóm tự lực,...
Theo đánh giá, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đã được tăng cường trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên. Nhờ đó, tội phạm về mại dâm ở tỉnh cơ bản được kiềm chế, hoạt động mại dâm không còn công khai như trước, góp phần giữ vững địa bàn trong sạch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội./.
Mỹ Anh
 
TAG: tệ nạn mại dâm phòng chống mại dâm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên
Tin khác
Điện Biên: Chi trả trợ cấp hằng tháng cho 1.055 lượt đối tượng chính sách người có công
Nghệ An: Bảo đảm 100% người có công được chăm lo toàn diện
Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều giải pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang