Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Thừa Thiên Huế: Nhiều mô hình trợ giúp cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
10:50 AM 01/11/2016
(LĐXH) – Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có rất nhiều mô hình được triển khai hiệu quả, giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hòa nhập cộng đồng.
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 4.585 trẻ em thuộc nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chiếm tỷ lệ 2,4%. Đến nay đã có 3.253 em có hoàn cảnh đặc biệt, đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước ở Thừa Thiên Huế được trợ cấp xã hội tại cộng đồng, đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh các gia đình và cá nhân nhận nuôi trẻ mồ côi, hiện tại đã có 828 em được các cơ sở trợ giúp trẻ em nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và trợ giúp. Từ năm 2011 đến đầu năm 2016, con số các cơ sở là địa chỉ nhân đạo này ở Thừa Thiên Huế đã tăng từ 16 lên 20 cơ sở. Đó là những điểm tựa cả về vật chất và tinh thần vô cùng quý báu dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ấm áp Đông về cùng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Không dừng lại ở đó, các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn được chữa bệnh bằng sự trợ giúp của những tấm lòng vàng. Tính ra trong 5 năm từ 2011 đến 2015, toàn tỉnh đã có 531 em được phẫu thuật phục hồi chức năng, trong đó có 206 em được hỗ trợ giải phẫu do bị bệnh tim bẩm sinh. Bên cạnh sự trợ giúp từ Quỹ Bảo trợ trẻ em, Văn phòng Tư vấn di truyền và hỗ trợ trẻ em khuyết tật, đã có 63 em bị tim bẩm sinh được giải phẫu từ nguồn hảo tâm của Hội Bình an và Hy vọng Pháp.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai nhiều mô hình để trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cụ thể như: Tháng 6 /2013, Sở Lao động Thương binh Xã hội cùng thành phố Huế đã triển khai kế hoạch xây dựng và hoạt động các mô hình điểm chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng năm 2013. Mô hình “Trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng” được triển khai tại xã Hương Sơ và mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” được triển khai tại phường Phú Hậu. Hoạt động chủ yếu của các mô hình là tư vấn, tham vấn, phục hồi tâm lý cho trẻ em; trợ giúp trẻ em tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí và phúc lợi xã hội khác để hòa nhập cộng đồng; tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em; trợ giúp hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho trẻ em và gia đình; một số hoạt động đặc thù khác.
Cùng lúc với 2 mô hình trên, nhiều mô hình dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng được triển khai ở Thừa Thiên Huế. Tiêu biểu như mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em làm việc gia đình, trẻ em làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng tại xã Phú Diên (huyện Phú Vang); mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng ở xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) và mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng tại xã Hồng Tiến. Bên cạnh đó, 2 mô hình điểm về ngôi nhà an toàn để phòng tai nạn thương tích cũng được xây dựng ở xã Thủy Bằng và Thủy Phù (thị xã Hương Thủy). Thực tế cho thấy, các mô hình đã phát huy sự hữu dụng. Thông qua các hoạt động và các buổi giao lưu, sinh hoạt, các em được vui chơi, học hỏi và nâng cao nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng thời gian qua, mặt trái cơ chế thị trường làm phát sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng xấu đến trẻ em; Công tác quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hoá, vui chơi giải trí cho trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, chưa có cơ chế quản lý phù hợp; Mạng lưới cộng tác viên thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được xây dựng nhưng còn mỏng; những người làm công tác trẻ em từ tỉnh đến xã/phường/thị trấn vừa mỏng, vừa mới lại kiêm nhiệm nhiều công việc nên chưa phát huy hết khả năng cho công việc. Vì thế rất cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh./.
Cảnh Minh
TAG: trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Thừa Thiên Huế
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách