Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Nghiêm khắc hay nuông chiều? – Dành cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ
02:32 PM 25/10/2021
LĐXH - Không ít bậc cha mẹ đang cảm thấy thật lúng túng, thậm chí là "khủng hoảng" và "bế tắc" trong việc chọn lựa phương pháp nuôi dạy con phù hợp. Nghiêm khắc và nuông chiều là 2 cách thức tương đối phổ biến được các bậc cha mẹ áp dụng, đây cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến đa chiều.

Với mỗi bậc cha mẹ, sinh con và nuôi dạy con là một niềm hạnh phúc, nhưng cũng đồng thời là thử thách. Cùng những khoảnh khắc vui vẻ khi được ngắm nhìn con trưởng thành, các bậc phụ huynh cũng gặp không ít khó khăn khi con có những cư xử không đúng mực, bướng bỉnh, nghịch ngợm, không chịu vâng lời cha mẹ. Không ít người cảm thấy thật lúng túng, thậm chí là "khủng hoảng" và "bế tắc" trong việc chọn lựa phương pháp nuôi dạy con phù hợp. Nghiêm khắc và nuông chiều là 2 cách thức tương đối phổ biến được các bậc cha mẹ áp dụng, đây cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến đa chiều. Để giúp các bậc phụ huynh tìm ra phương pháp giáo dục tích cực, đạt được hiệu quả mà không làm trẻ tổn thương, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em thực hiện Toạ đàm trực tuyến: “Nghiêm khắc hay nuông chiều? – Giáo dục tích cực dành cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Chương trình nằm trong khuôn khổ chiến dịch Lan toả yêu thương 2021: Giáo dục không bạo lực với sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children).

Các khách mời tham gia trò chuyện trực tuyến

Hiện nay, không khó để bắt gặp những gia đình duy trì việc giáo dục, uốn nắn con cái theo hình thức quát mắng và áp dụng các hình phạt thể chất với suy nghĩ “Yêu cho roi cho vọt”. Ngược lại, nhiều gia đình lại áp dụng phương pháp nuông chiều, nghe theo mọi sở thích, yêu cầu của con để đổi lại việc con sẽ lắng nghe và làm theo lời mình.

PGS.TS Lê Văn Hảo, chuyên gia tâm lý: “Nghiêm khắc không có nghĩa là phải khắc nghiệt, đòn roi và chắc chắn là phi bạo lực. Bạo lực sẽ để lại rất nhiều tổn thương cho trẻ, đôi khi một lời mắng cú sốc tâm lý đối với trẻ ngang với bỏng cấp độ 2-3. Nghiêm khắc chúng ta cần hiểu là cùng nhau thiết lập những nguyên tắc, giới hạn và cùng tuân. Khi chúng ta có bộ quy tắc như vậy thì trong gia đình sẽ không có ai phải đóng vai ác để yêu cầu trẻ phải làm theo bất cứ điều gì. Khi đứa trẻ còn nhỏ, người lớn sẽ phải can thiệp nhiều hơn để đảm bảo đứa trẻ an toàn. Nhưng khi trẻ lớn lên, quyền lực của bố mẹ nên nhỏ lại, dần dần trao cho con quyền quyết định. Chúng ta phải nhớ rằng trẻ cũng có nhu cầu, có quyền quyết định và chúng ta nên bàn giao quyền cho con bằng cách dạy cho con những kĩ năng tự chủ, tự lập.”

Cùng quan điểm trên, Chuyên gia bảo vệ trẻ em, Giảng viên quốc gia của Chương trình PDEP - "Làm cha mẹ tích cực trong cuộc sống hàng ngày" Ths. Lê Thị Khánh Vân cũng cho rằng thực chất mắng cũng là hành vi bạo lực nên tôi khuyến khích các bố mẹ không nên sử dụng đối với con. Các cha mẹ cần hết sức lưu ý khi dùng từ “phạt” hay dùng bạo lực với con mà chúng ta cần phải cho con biết con sai ở đâu, thất bại ở đâu, tại sao con thất bại chứ không phải đưa cho con hình phạt để dạy con rằng con đã sai. Chúng ta phải giúp con hiểu được cái gì nên làm, cái gì không nên và chính chúng ta cũng phải hành xử một cách tương xứng, nhất quán, để trẻ không bị nhầm lẫn về mục tiêu cuối cùng mà chúng ta muốn dạy trẻ.

Hoa hậu Hương Giang chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con

Là một người mẹ của 2 cô con gái nhỏ và luôn tìm kiếm những phương pháp giáo dục hiệu quả, Hoa hậu Hương Giang chia sẻ: “Mỗi gia đình sẽ có hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, vì vậy không có công thức chung cho tất cả mọi gia đình. Giang không phải là người mẹ quá nghiêm khắc với con, cũng không quá nuông chiều con, không phải lúc nào cũng làm theo những điều con muốn. Chúng ta có thể học tập nhiều phương pháp nuôi con, tuy nhiên, bố mẹ nên xác định những mong muốn của mình đối với con để từ đó định hướng được cách nuôi dạy con cách phù hợp. Gia đình Giang từ khi có bầu, hai vợ chồng đã cùng thống nhất về phương pháp nuôi dạy con cái và gia đình không có ai đóng vai ác cả. Nếu bố mẹ chỉ con các nguyên tắc để con phát triển đúng theo lứa tuổi, đứa trẻ sẽ có lớn lên một cách toàn diện và đúng hướng. Một em bé nhỏ tuổi khi được định hướng, giảng giải thì bé hoàn toàn có thể hiểu chuyện, nhiều em bé đã biết thể hiện nguyện vọng, mong muốn từ khi còn rất nhỏ. Quan trọng là bố mẹ có thể nắm bắt và hướng con đến cái phù hợp, dù con rất nhỏ nhưng con cũng rất phối hợp với bố mẹ rồi.”

Tiếp nối câu chuyện giữa “nghiêm khắc” và “nuông chiều”, toạ đàm cũng đặt ra vấn đề “phạt” theo những phương pháp giáo dục tích cực để trẻ nhận ra lỗi sai của mình và không làm trẻ bị tổn thương hay “thưởng” thể nào là đúng cách để trẻ tiếp tục phát huy những hành vi tốt.

Theo các chuyên gia, giáo dục con trẻ là một quá trình, nếu mang thưởng hay phạt ra đều có tác dụng ngược. Thưởng như nào để con có động lực từ bên trong chứ không phải lôi kéo từ bên ngoài. Hãy để con có những thôi thúc từ trong mình chứ không phải vì phần thưởng. Con chỉ nghĩ rằng con phải đạt được thứ này vì như vậy sẽ được thưởng. Làm như vậy hoàn toàn sẽ phản tác dụng bởi con không biết được mục đích cuối cùng là gì, động lực của con ở đâu. Cha mẹ hãy thật sự học cách hiểu được con, về mục tiêu cha mẹ muốn hướng con đến đâu, những điều con mong muốn là gì để từ đó tìm cách phù hợp dẫn dắt, hỗ trợ con.

PGS.TS Lê Văn Hảo và Th.s Lê Thị Khánh Vân tương tác với bình luận của khán giả

Từ kinh nghiệm của bản thân mình, Hoa hậu Hương Giang chia sẻ thêm: “Có nhiều cha mẹ phạt để cho con sợ, Giang nghĩ chúng ta đang mong chờ con cái chúng ta cảm thấy gia đình là an toàn, để khi con gặp khó khăn, rủi ro con tìm về, mà nếu làm cho con sợ thì đã mất ý nghĩa ấy rồi. Nên việc phạt không nên là để cho con sợ. Mục tiêu của việc phạt là để con suy nghĩ và nhận ra điều đấy là sai. Trong gia đình, Giang thường áp dụng phương pháp giữ yên lặng, tạo không gian riêng cho con trong khoảng 2 – 3 phút để con bình tĩnh và nhìn nhận lại mọi chuyện. Sau đó Giang sẽ phân tích cho con, trò chuyện và ôm con. Bản thân Giang chưa từng bị bố mẹ đánh và Giang cũng chưa nghĩ sẽ dùng đòn roi với con kể cả khi đang nóng tính. Giang cũng nghĩ rằng mình không thể nào trao phần thưởng cho con hàng ngày. Thay vào đó, Giang sẽ tạo động lực cho con. Khi đó con sẽ tự thôi thúc muốn làm hành vi tốt chứ không phải từ sự thúc ép của bố mẹ. Mỗi chặng đường của bé, mình cần luôn luôn động viên, tạo niềm vui cho bé để con tự tin, biết kiểm soát cảm xúc của mình nhiều hơn mà không cần dựa dẫm vào bố mẹ.”

PGS.TS Lê Văn Hảo đưa ra lời khuyên: “Cách chúng ta đối xử với con sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành tâm lý của trẻ, cách trẻ nhìn nhận mọi thứ xung quanh và các mối quan hệ. Quá khắc nghiệt hoặc quá tán thưởng đều sẽ không tốt trong việc xây dựng thế giới quan của trẻ. Về lâu dài, việc thiết lập nề nếp là rất cần thiết. Tuy nhiên, thiết lập thì dễ, thực hiện và duy trì mới khó. Cha mẹ hãy thật sự dành thời gian và tâm huyết để cùng con xây dựng nguyên tắc, nề nếp và thực hiện mỗi ngày một cách kiên trì. Thay vì lúc nào cũng chỉ mong chờ và đốc thúc con thay đổi, nếu thấy các phương thức của mình chưa hiệu quả, cha mẹ hãy tự thay đổi chính bản thân mình với các phương pháp kỷ luật tích cực, tôi tin rằng cha mẹ sẽ nhìn thấy con mình thay đổi theo.”

Đăng Doanh

 

TAG: chăm sóc trẻ em bạo lực trẻ em giáo dục tích cực
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024