Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Nghĩa tình của người quản trang ở Nam Định
03:18 PM 21/06/2019
(LĐXH) Quản lý, trông nom chăm sóc hơn 800 phần mộ liệt sĩ và hướng dẫn tận tình từng người đến thăm viếng, tìm mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) là công việc thầm lặng thường ngày của người quản trang Hoàng Quốc Hùng. Hơn 10 năm gắn bó với công việc này, bác luôn tâm niệm một điều rằng “Mình làm vì cái tâm với đồng đội, với những người đã khuất”.
Công việc thầm lặng thường ngày của bác Hoàng Quốc Hùng 
Trong cái nắng gay gắt của một sáng đầu hè, theo chân cán bộ phòng Lao động - TBXH thành phố Nam Định, chúng tôi tới thăm khu Nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Ấn tượng với tôi nhất là mặc dù nằm ngay cạnh khu dân cư đông đúc trong thành phố nhưng Nghĩa trang thật yên ắng và trang nghiêm. Nhiều dãy mộ xếp thành hàng nối đuôi nhau thẳng tắp. Dáng người gầy dong dỏng cao, giọng nói đầm ấm, bác Hoàng Quốc Hùng đang cặm cụi nhỏ cỏ bên cạnh các phần mộ liệt sĩ. Khi thấy chúng tôi đến đặt vấn đề viết báo, bác liền khiêm tốn nói rằng “Có gì đâu để mà viết vì đây là công việc thường ngày thôi”. Mặc dù phủ nhận như vậy nhưng bác vẫn vui vẻ trò chuyện với chúng tôi về những kỷ niệm và cả những câu chuyện đầy tính nhân văn.
Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Nam Định là công trình được đầu tư nâng cấp khang trang, thể hiện lòng thành kính tới các liệt sĩ

Hòa theo dòng cảm xúc của câu chuyện chăm non nghĩa trang, bác Hùng cho biết: Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Nam Định hiện đang quản lý chăm sóc gần 800 ngôi mộ liệt sĩ hy sinh cả trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó có hơn 200 ngôi mộ chưa biết tên. Đây là những anh hùng liệt sĩ có quê hương tại các tỉnh, thành trong cả nước đã hy sinh anh dũng trên địa bàn tỉnh Nam Định. Được sự quan tâm của Trung ương, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, Nghĩa trang liệt sĩ thành phố đã được đầu tư nâng cấp rất khang trang, sạch đẹp, có cổng hàng rào, có cây xanh, cây cảnh hài hòa, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn tới thăm viếng.
Bác Hoàng Quốc Hùng, sinh năm 1955, quê Nam Định. Năm 1973, bác tham gia quân ngũ trực tiếp giải phóng miền Nam ở Sư đoàn 316. Sau đó thực hiện nhiệm vụ chống Tàu đến năm 1980 trở về phục viên. Hiện nay, bác là công nhân Công ty công trình đô thị Nam Định, được phân cử về trông nom, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Hàng ngày, bác cùng với một công nhân nữa thay phiên nhau trực ca ngày, ca đêm. Còn vào những dịp kỷ niệm ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7, ngày thanh minh và ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, Công ty sẽ cử thêm công nhân tới phụ cùng bác tham gia công tác quét dọn, tỉa cây, đảm bảo cho việc thăm viếng của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh và thành phố.

Nơi đây là nơi yên nghỉ của hơn 800 liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc đã anh hùng hy sinh tại tỉnh Nam Định

Từng là người lính tham gia quân ngũ, bác Hoàng Quốc Hùng hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả và cả sự hy sinh xương máu của các đồng chí thương bệnh binh, anh hùng liệt sĩ. Trong Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Nam Định hiện có 5 người đồng đội của bác đang yên nghỉ. Với độ tuổi này, đáng ra người lính đó đã được nghỉ ngơi song do chưa tìm được người thay thế nên các cấp chính quyền và Công ty công trình đô thị Nam Định động viên bác tiếp tục ở lại làm công tác quản trang nghĩa trang. “Làm công việc này tôi chỉ tâm niệm một điều rằng, mình làm vì cái tâm với các đồng đội. Họ đã hy sinh xương máu, nằm xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Được làm nhiệm vụ bảo vệ phần mộ cho các liệt sĩ là niềm tự hào, vinh dự của cá nhân tôi khi đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình để bảo vệ nơi yên nghỉ cho các đồng đội”- đó là lời sẻ chia của bác quản trang Hoàng Quốc Hùng.


Hơn 10 năm làm công việc này, bác Hùng nắm rõ thông tin cụ thể từng ngôi mộ, khu vực yên nghỉ của từng liệt sĩ
 Là người gắn bó với nghĩa trang từ rất lâu nên bác coi nơi đây chẳng khác gì ngôi nhà thứ 2 của mình, bác thường xuyên quyét dọn, lau chùi, nâng niu các phần mộ bằng tình cảm chân thành, sự tôn kính như những người đồng đội giành cho nhau. Vào ngày mùng 1, 15 âm lịch hàng tháng hay Tết thanh minh bác đều hương khói, làm các nghi lễ theo phong tục tập quán với mong muốn sưởi ấm linh hồn cho các đồng đội mình, nhất là những mộ liệt sĩ chưa biết tên, đôi khi bác còn nói vui là trở thành người thầy “bất đắc dĩ” của các cháu học sinh. Hơn 10 năm làm việc ở đây, bác Hùng nắm rõ, chi tiết từng phần mộ, khu vực yên nghỉ của liệt sĩ. Mỗi khi hễ có khách tới thăm viếng, tìm kiếm, bác đều tận tình chỉ giúp ngay được.
Hướng tới kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, những người làm nhiệm vụ tuyền truyền như chúng tôi lại một lần nữa vinh dự được viết về những người con anh hùng, những công việc thầm lặng như bác Hùng ở đây. Khi chào ra về bản thân bác có nói với chúng tôi một câu: “Khi nào còn sức khỏe, còn được địa phương trọng dụng thì tôi vẫn muốn cống hiến, được gắn bó với công việc ý nghĩa này”.

 Hồng Phượng
TAG: Liệt Sĩ Nam Định Đồng đội
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách