Sức khỏe - Đời sống
Trang chủ / Sức khỏe - Đời sống / Sức khỏe - Đời sống
Một số khuyến nghị về dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia
11:25 AM 20/04/2018
(LĐXH) Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm về dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Dự luật do Bộ Y tế xây dựng, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kì họp thứ 6 khai mạc vào cuối tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, đến nay dự án luật vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, chưa nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp (DN) tham dự cho rằng dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có một số quy định chưa khả thi, chưa đánh giá đầy đủ tác động của luật.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Tiến Vỵ cho rằng, nếu thực hiện việc hạn chế giờ bán rượu, bia như trong dự thảo đưa ra thì chỉ khiến người dân mua hàng bất hợp pháp trong khung giờ cấm nhiều hơn. Cũng theo ông Vỵ, hiện tại, ở Việt Nam đang không kiểm soát được 200 triệu lít rượu nấu thủ công, rượu lậu và 28% sản lượng bia, rượu trên thị trường là bất hợp pháp. Đáng nói, tổng giá trị của thị trường bia, rượu bất hợp pháp này lên tới 910 triệu USD và khiến 441 triệu USD ngân sách Nhà nước bị thất thoát.

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, việc xây dựng luật hiện nay cần tập trung vào các vấn đề quản lý rượu do người dân tự nấu; tăng cường việc thực thi các chính sách pháp luật liên quan đến việc sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu, bia; đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm thay đổi hành vi và xây dựng văn hóa uống rượu, bia...

Mức sử dụng tới 6,6 lít cồn nguyên chất/người/năm gây ra những tác hại lâu dài chưa thể tính ngay được (Ảnh minh họa)

Theo kết quả điều tra của Viện Dân số và Các vấn đề xã hội - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, hiện, ở nước ta, 75% lượng rượu tiêu thụ không kiểm soát được, trong khi lượng rượu này là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

PGS, TS. Lưu Bích Ngọc - Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân kiến nghị, trong quá trình xây dựng luật cần quan tâm đặc biệt tới quản lý rượu tự nấu chứ không chỉ tập trung chính sách quản lý vào 25% rượu có nhãn mác.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan điểm việc đề xuất thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe trong đó kết hợp quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và quỹ phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn vào chung một quỹ cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia, rượu đang gặp nhiều khó khăn như giá nguyên liệu tăng, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và đang chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 65%. Chính phủ đã có chủ trương giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Do đó, theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), việc quy định doanh nghiệp phải đóng góp thêm 1 - 2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đưa vào Quỹ nâng cao sức khỏe là không phù hợp.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, việc lập Quỹ Nâng cao sức khỏe này cần nghiên cứu thêm khi quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ. “Việc thành lập quỹ cần cân nhắc, đừng để nguồn lực của người dân bị phân tán. Nhất là khi khoản thu cho quỹ này như một khoản thu đặc biệt mà không có tên trên thế giới trong khi sự kiểm soát là rất kém” - ông Kiên nói.

Dự án luật vẫn còn nhiều tranh luận, chưa nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập, đã và đang tham gia các hiệp ước song phương, đa phương như CPTPP với sự đầu tư trong nước và nước ngoài ngày một tăng. Vì vậy, khi xây dựng chính sách, pháp luật đối với ngành rượu, bia trong quá trình hội nhập cần phải đánh giá đúng thực trạng để chính sách, pháp luật vừa tăng cường chức năng quản lý, kiểm soát vừa thu hút đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA quan ngại về tính hiệu quả của việc thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe tại Điều 19 trong Dự thảo Luật. Theo ông Việt, Quỹ chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đầy đủ (Điều 19.8 quy định Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động của quỹ chỉ hai năm một lần). Dự thảo đề xuất kết hợp quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và quỹ phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn vào chung một Quỹ sẽ dẫn tới việc sử dụng ngân quỹ do ngành rượu, bia đóng góp để hỗ trợ những vấn đề khác, không liên quan tới ngành.

"Việc đánh đồng rượu, bia với thuốc lá là không phù hợp khi chính sách, chủ trương cho 2 ngành hàng này là hoàn toàn khác nhau. Đối với thuốc lá là chủ trương giảm tiêu thụ - do không có bất kỳ phương thức nào để sử dụng thuốc lá an toàn. Còn đối với rượu, bia, chủ trương là phát triển ngành một cách có trách nhiệm song hành với mục tiêu giảm tình trạng lạm dụng và nghiện đồ uống có cồn", ông Việt cho hay.

Các đại biểu Quốc hội cùng chung quan điểm về việc lập Quỹ này. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật này), việc hợp nhất với quỹ phòng chống tác hại thuốc lá là không thuyết phục. Đồng thời, bà Thúy đặt câu hỏi: "Liệu có đánh giá được kết quả thực hiện mục tiêu về sức khỏe khi thực hiện quỹ này hay không?".

Ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao Heineken Viêt Nam cho rằng ngăn cản và cấm hoạt động quảng cáo thì người dân sẽ khó phân biệt sản phẩm chính hãng với các sản phẩm bất hợp pháp

Còn theo ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, dự thảo luật dành hơn 3 trang nói về Quỹ Nâng cao sức khỏe cần phải tính toán thêm.

VBA kiến nghị bỏ đề xuất thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe vì các công ty kinh doanh/sản xuất đồ uống có cồn đang dành một khoản tiền lớn cho các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về uống có trách nhiệm, nên được ghi nhận để tạo động lực giúp các công ty này tiếp tục thực hiện các chiến dịch khác.

Về vấn đề cấm quảng cáo và tài trợ đồ uống có cồn như dự thảo, theo VBA sẽ không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam mà sẽ dẫn tới những thiệt hại đáng kể cho phát triển du lịch, kinh tế và xã hội. Các hoạt động văn hóa và thể thao xã hội hóa (do các doanh nghiệp tài trợ) đem đến cho công chúng Việt Nam các chương trình giải trí hấp dẫn, đẳng cấp quốc tế. Những hoạt động này đang góp phần giúp hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ du lịch, đóng góp cho nền kinh tế ở các địa phương.

Kinh nghiệm tại các quốc gia trên thế giới cho thấy, việc cấm quảng cáo sẽ không có hiệu quả đối với nhóm thiểu số những cá nhân có hành vi lạm dụng đồ uống có cồn. Số liệu thống kê và kinh nghiệm ở các nước khác cho thấy việc cấm quảng cáo đồ uống có cồn/bia thực tế không có tác động đến lượng tiêu thụ các sản phẩm này.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, dự luật khó đi vào cuộc sống do có thể không phù hợp cam kết quốc tế. "Luật Quảng cáo không cấm quảng cáo bia. Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt đã thông qua, chúng tôi thẩm tra thấy chi phí quảng cáo không bị giới hạn 15% nữa mà được tính trong thu nhập chịu thuế dù là doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Vậy việc cấm quảng cáo có đúng không?"

Đại diện hãng bia Heineken cho rằng, quy mô của thị trường đồ uống trái phép ở Việt Nam rất lớn. Theo một khảo sát năm 2015 của Euromonitor cho thấy, 28% sản lượng bia rượu trên thị trường là bất hợp pháp bao gồm rượu gạo, rượu lậu... gây thất thoát hơn 400 triệu USD ngân sách. Nếu ngăn cản và cấm hoạt động quảng cáo thì người dân sẽ khó phân biệt sản phẩm bia rượu chính hãng, an toàn với các sản phẩm bất hợp pháp.

Ông Trần Hùng, đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng dự luật không nêu được mặt tích cực của rượu, bia đóng góp cho xã hội. Doanh nghiệp quảng cáo thu được hàng nghìn tỷ đồng từ quảng cáo của các hãng bia, nếu cấm quảng cáo sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh doanh. Cũng theo ông Hùng, Hiệp hội quảng cáo ủng hộ việc cần chống tác hại của việc lạm dụng bia rượu, chống rượu thủ công gây chết người nhưng không thể đánh đồng bia với rượu mà cần có khoản riêng cho rượu/bia

Trần Huyền

 

 

TAG: Dự thảo luật phòng chống tác hại bia rượu bao
Tin khác
Herbalife Việt Nam đồng hành tổ chức Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh
Việt Nam tìm ra 24 đột biến gene làm tăng nguy cơ tự kỷ ở trẻ, giúp phát hiện bệnh sớm để can thiệp trúng đích
Gala Nhân ái 2024: Hành trình 20 năm sẻ chia hy vọng, nâng bước tương lai
Việt Nam có đủ vắc xin phòng bệnh não mô cầu cho trẻ em và người lớn
Nguy cơ thừa cân, béo phì từ sử dụng đồ uống có đường
Hội Nam y Việt Nam khám và cấp thuốc miễn phí cho người dân tỉnh Gia Lai
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực tim mạch, ung thư, y tế thông minh, du lịch y tế
Khám, chữa bệnh miễn phí và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái
Hà Nội ghi nhận số người mắc thủy đậu gia tăng cả ở người lớn và trẻ nhỏ