Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Mái nhà yêu thương của trẻ khuyết tật Hà Nội
08:11 AM 16/05/2018
(LĐXH) - Được thành lập từ năm 1966, Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) có chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em tàn tật và trẻ bị bỏ rơi trên địa bàn Hà Nội. Tổng số cán bộ, công nhân viên của Trung tâm là 99 người, đang làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng 360 đối tượng bảo trợ xã hội, bao gồm 170 người già và người tàn tật (trong đó có 30 người tàn tật nặng không tự phục vụ được); 165 trẻ em tàn tật (trong đó có 80 trẻ bị đao, bại não); 25 trẻ sơ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đối tượng nuôi dưỡng của đơn vị là những đối trượng xã hội diện đặc biệt, chủ yếu mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo, hầu hết đã tuổi cao, già yếu, trẻ em phần lớn là bại não và trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, vì vậy công tác phục vụ của cán bộ, nhân viên trung tâm vô cùng khó khăn, vất vả, nặng nề với thời gian liên tục 24/24 giờ, đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, có sức khỏe và đặc biệt là trong mỗi người phải có chữ tâm, có tầm lòng mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ cao cả này. Đội ngũ 10 y sĩ, y tá, điều dưỡng của Trung tâm hàng ngày, hàng giờ trực và khám, điều trị cho người già, người tàn tật và trẻ em tàn tật. Những trường hợp bệnh nặng vượt quá khả năng của đơn vị đều được kịp thời chuyển lên tuyến trên. Phòng ở của đối tượng được trang cấp đầy đủ các thiết bị cần thiết để đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, khuôn viên cây xanh xung quanh luôn được vệ sinh thoáng mát, sạch sẽ.

Các cụ và trẻ em được nuôi dưỡng dưới một "mái nhà tình nghĩa"

Ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm cho biết, các cháu tàn tật được chăm sóc tại Trung tâm rất đáng thương, mỗi cháu một hoàn cảnh, mỗi căn bệnh khác nhau. Thương nhất là các em bị bại não, phần lớn các em đều mất tự chủ, từ việc ăn uống, đi lại cho tới vệ sinh cá nhân, nên các hoạt động hàng ngày của các em hoàn toàn phụ thuộc vào các cô giáo chăm sóc. Tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe, giường được thiết kế phù hợp, an toàn: Bé nào khuyết tật nặng thì nằm giường riêng; nhóm nhẹ hơn được nằm chung giường lớn, để các con có thể đua nhau ăn và vui chơi… Với mong muốn giảm bớt nổi đau, tạo điều kiện tốt nhất để các cháu hòa nhập cộng đồng, ngoài công tác phục hồi chức năng, đơn vị thường xuyên duy trì lớp học linh hoạt cho các cháu. Hằng ngày, cán bộ phục hồi chức năng của trung tâm đều theo lịch đưa trẻ đi phục hồi chức năng bằng nhiều liệu pháp, trực tiếp xoa bóp chân tay và tập các động tác, khôi phục giác quan. Mọi sự thay đổi của các bé đều được ghi chép tỉ mỉ, qua đó sàng lọc từng trường hợp để có phác đồ điều trị phù hợp cho từng bé. Ngoài ra, các cháu được học hát, vẽ, giao tiếp, học kỹ năng sống và tham gia chơi các trò chơi dân gian. Trẻ đến tuổi đi học được học hòa nhập cộng đồng tại các trường tiểu hoặc và trung học cơ sở trên địa bàn. Bên cạnh đó, đơn vị còn tích cực tăng gia sản xuất như trồng thêm rau xanh, nuôi lợn, thả cá... để bổ sung dinh dưỡng, cải thiện chất lượng bữa ăn cho các cháu cũng như những đối tượng khác tại trung tâm.

Bé Bảo An đã có thể tự làm những việc phục vụ sinh hoạt cá nhân

Mặc dù hoàn cảnh bất hạnh, thể chất non yếu nhưng các cháu ở đây đang từng ngày từng giờ cố gắng vươn lên bằng chính nghị lực của bản thân và tình yêu thương của các cán bộ, người lao động của trung tâm. Như trường hợp của bé Bảo An. Cháu đực nhận về trung tâm khi chưa tròn một tuổi, lúc đó bé mới chỉ biết ngồi, không có tay phải, tay trái không có bàn tay, chỉ có 2 ngón nhưng cũng tật nguyền co quắp. Đến nay, Bảo An đã có thể đi lại, chạy nhảy vui chơi cùng các anh chị em trong trung tâm. Điều đặc biệt là cho dù bị tật nguyền còn có một cánh tay trái chỉ với 2 ngón tàn tật cứ tưởng không thể cầm nắm được, nhưng với bản năng sinh tồn và sự khéo léo đặc biệt, Bảo An đã tự luyện biến đôi bàn chân của mình có thể làm nhiều việc khác nhau thay đôi tay như mặc quần áo, đi giầy dép, kể cả đi tất, lấy vật dụng hay xúc cơm ăn.

Trung tâm là địa chỉ tin cậy được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, hội nhóm thiện nguyện

Với tình thương, sự tận tâm, trách nhiệm, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm đã biến nơi đây thực sự trở thành tổ ấm của những trẻ đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Các anh chị đã nỗ lực vượt qua những khó khăn để tận tâm phục vụ, chăm sóc những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy vậy, trung tâm vẫn rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng để thêm nguồn lực san sẻ cho các đối tượng yếu thế, đặc biệt, giúp cho những người già cô đơn, những trẻ em tàn tật, cơ nhỡ có thêm những yêu thương, chia sẻ thực sự./.

Trần Huyền

TAG: Hà NộI Trẻ Em trẻ khuyết tật Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách