Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Kinh nghiệm triển khai các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam và các nước khu vực ASEAN
03:37 PM 05/12/2023
(LĐXH) - Ngày 5/12/2023, hơn 100 đại biểu đại diện Ban Thư ký ASEAN, Ủy ban bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em các nước ASEAN, đại sứ quán một số nước tại Việt Nam, đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương, cơ quan của Liên hợp quốc, tổ chức phi Chính phủ quốc tế, tổ chức xã hội, một số sở, ban, ngành và đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực ở địa phương đã tham gia thảo luận tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam và các nước khu vực ASEAN.
Hội thảo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đồng tổ chức nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về Chấm dứt bạo lực với phụ nữ, Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025, hướng đến đẩy mạnh việc hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình chung Xóa bỏ Bạo lực với Phụ nữ và Trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 do UN Women, UNFPA và UNICEF phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của Chính phủ Úc. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 (diễn ra từ ngày 15/11-15/12) và Chiến dịch Đoàn kết toàn cầu (UniTE)16 ngày hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới của Liên hợp quốc (25/11-10/12).
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Tham dự và chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam khẳng định: “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam và các nước khu vực ASEAN được tổ chức hôm nay sẽ là một diễn đàn ý nghĩa để các cơ quan của Việt Nam và các nước ASEAN cùng nhau trao đổi, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về những thực hành tốt, những kinh nghiệm hay trong xây dựng và triển khai các mô hình phù hợp, hiệu quả để từ đó cùng nhân rộng và đóng góp thiết thực vào việc xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Chúng ta hãy cùng nhau hành động để tạo ra một nền văn hóa không khoan nhượng với bạo lực trên cơ sở giới; cùng hành động để xóa bỏ bạo lực từ trong gia đình đến trường học, nơi công cộng, nơi làm việc và trên không gian mạng.”
Bà Caroline Nyamayemombe - Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam phát biểu chào mừng
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Caroline Nyamayemombe - Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: “Đại dịch COVID-19, các thảm họa  do biến đổi khí hậu và xung đột vũ trang gần đây càng làm gia tăng tỷ lệ bạo lực trên cơ sở giới trên toàn cầu, phủ bóng đen lên cuộc sống của vô số cá nhân trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Vấn đề này không chỉ đòi hỏi sự quan tâm của các chính phủ mà còn cần tới những nỗ lực, hành động tập thể và các phương pháp tiếp cận sáng tạo, bền vững để thúc đẩy sự thay đổi. Sự hiện diện của lãnh đạo các cơ quan hữu quan tại Việt Nam cũng như đại diện của các nước khu vực ASEAN cho thấy một cam kết chung và quyết tâm giải quyết những thách thức sâu xa do bạo lực trên cơ sở giới đặt ra một cách tổng thể và có hệ thống, hướng đến một xã hội không có bất kỳ hình thức bạo lực nào đối với mọi người”.
Ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) trình bày tổng quan công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam
Năm nay, chiến dịch ĐOÀN KẾT toàn cầu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư tài chính cho phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Trên toàn cầu, ước tính việc thực hiện các chương trình phòng ngừa và ứng phó nhằm chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới ở 132 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào năm 2030 sẽ cần tới 42 tỷ USD.
Bà Jacel Paguio, Cán bộ cấp cao, Phòng Giảm nghèo và Giới, Ban Thư ký ASEAN giới thiệu tổng quan về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở khu vực ASEAN theo hình thức trực tuyến
Theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, thiệt hại kinh tế do bạo lực đối với phụ nữ ước khoảng 1,8% GDP của nền kinh tế quốc gia, tương đương 100.000 tỷ đồng, bao gồm những thiệt hại hữu hình như phải chi trả trực tiếp cho chăm sóc y tế, đi lại, chỗ ở, đồ đạc bị hư hỏng, bỏ lỡ công việc, cũng như chi phí vô hình (tổn thất năng suất lao động). Như vậy, việc đầu tư cho các hoạt động phòng ngừa bạo lực từ sớm không chỉ tốt hơn cho phụ nữ, trẻ em và hộ gia đình mà còn mang lại những lợi ích bền vững cho nền kinh tế.
Các diễn giả chia sẻ về các mô hình hiệu quả trong xóa bỏ bạo lực
Trước thực trạng đó, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN đã nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và đạt được những bước tiến tích cực, trong đó có việc triển khai hiệu quả các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới dựa trên bằng chứng.
Hội thảo là cơ hội để Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN chia sẻ, học hỏi chính sách, chiến lược, kinh nghiệm về các mô hình thành công và bài học rút ra từ thực tế cho việc triển khai công tác này một cách hiệu quả hơn.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe chia sẻ về Tổng quan công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam và các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nổi bật, đầy hứa hẹn tại Việt Nam theo khung lý thuyết và thực hành toàn cầu về phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới “RESPECT Women” (Tôn trọng phụ nữ) và Khung ứng phó  bạo lực giới toàn cầu có tên Gói dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực (ESP). Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham dự và chia sẻ của Ban thư ký ASEAN về tổng quan công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong khu vực. Các quốc gia Thái Lan, Cam-pu-chia, Phi-lip-pin, Ma-lay-sia cũng đã mang đến hội thảo các mô hình điển hình của mình trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Đức Dương
TAG: bình đẳng giới mô hình phòng ngừa đối phó bạo lực giới bao
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách