An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện Ia H’Drai: Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững
04:16 PM 07/05/2020
(LĐXH) – La H’Drai là huyện biên giới nghèo thuộc tỉnh Kontum, giáp biên với các huyện Đun Mia và Tà Veng tỉnh Rattanakiri (Campuchia), bao gồm các xã Ia Dom, Ia Đal và Ia Tơi. Xác định công tác giảm nghèo góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm và các tuyến đường liên thôn, xã, đường vào khu sản xuất… được ưu tiên đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo địa phương.
Từ khi mới thành lập, đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào tiền lương nhận khoán chăm sóc và thu hoạch mủ cao su theo thời vụ do đây là nông trường cao su, người dân chủ yếu là công nhân của các công trường, đồn biên phòng…. Ngày 24/12/2018, UBND tỉnh Kontum đã ban hành Quyết định số 1438/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững huyện Ia H’Drai giai đoạn 2018-2020 với tổng kinh phí thực hiện là 97 tỷ 859 triệu đồng. Sau hơn 1 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, huyện đã đạt được những kết quả khởi sắc.
Người dân Ia H’Drai phát triển đàn bò nhờ vốn vay chính sách
Đặc biệt, xác định tín dụng chính sách xã hội là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là một kênh tạo thêm xung lực cho công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong xã hội, trong thời gian qua, huyện Ia H’Drai đã đặc biệt quan tâm tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới… nhằm tạo điều kiện để các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững; đồng thời, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đinh Văn Trung - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ia H’Drai cho biết: Nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, 5 năm qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tranh thủ các nguồn lực của toàn xã hội từ Trung ương, tỉnh và địa phương để đáp ứng nhu cầu vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Để tạo điều kiện cho đối tượng thụ hưởng được vay vốn, trả nợ kịp thời, từ năm 2015 đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã xây dựng được mạng lưới điểm giao dịch tại 3/3 xã với 39 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Trong 5 năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã triển khai cho vay 4 chương trình tín dụng, đến nay đã thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng ưu đãi. Về cơ bản, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng được nhu cầu vốn vay cho các đối tượng thụ hưởng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến với 2.945 lượt đối tượng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, doanh số cho vay với số tiền trên 137.188 triệu đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần xóa nghèo bình quân mỗi năm cho hơn 295 hộ gia đình; thu hút, tạo việc làm mới cho 144 lượt lao động; 8 học sinh sinh viên vay vốn để trang trải chi phí học tập; 454 hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn được vay vốn để phát triển sản xuất, chuyển đối ngành nghề; xây dựng 248 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg; 1.664 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Điển hình các hộ gia đình vay vốn phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo có hộ ông Nguyễn Viết Cường, thôn 2, xã Ia Đal vay vốn hộ nghèo, với số tiền 50 triệu đồng mua 5 con bò giống đến nay đàn bò đã sinh sản được 23 con. Hộ bà Lữ Hải Niên, thôn 2, xã Ia Đal vay vốn hộ nghèo, với số tiền 40 triệu đồng mua 3 con bò giống đến nay đàn bò đã sinh sản được 10 con. Hộ bà Triệu Thị Hoa, thôn 2, xã Ia Đal, vay vốn hộ nghèo với số tiền 40 triệu đồng để trồng 1 ha cam đến nay đã cho thu hoạch. Hộ bà Trần Thị Sen, thôn 2, xã Ia Đal vay vốn hộ nghèo với số tiền 50 triệu đồng trồng 1,5 ha cà phê đến nay đã cho thu hoạch, thu nhập hằng năm trừ chi phí thu về 100 triệu đồng. Hộ ông Phạm Văn Tân, thôn 1, xã Ia Dom, vay vốn hộ nghèo, với số tiền 40 triệu đồng mua 3 con bò giống, đến đầu năm 2019 đàn bò đã sinh sản được 6 con, thấy đàn bò phát triển tốt ông quyết định bán bớt 3 con và vay thêm vốn tại NHCSXH huyện để đầu tư trồng 1 ha cây ăn quả các loại, đến nay diện tích trồng cây ăn quả của gia đình ông phát triển rất tốt.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, thôn 4, xã Ia Dom, là một trong những hộ vay vốn chính sách làm ăn hiệu quả nhất. Ông Tiến chia sẻ: Năm  2016, gia đình tôi được vay vốn hộ nghèo với số tiền 40 triệu đồng, mua 4 con bò giống. Sau đó tôi tiếp tục vay vốn tăng thêm số tiền 50 triệu đồng để đầu tư mua 2 con hươu giống. Đến nay, gia đình tôi đã có một đàn bò 10 con và đàn hươu 7 con, hàng năm trừ chi phí còn thu nhập được 100 triệu đồng.
Xác định nhờ phát triển chăn nuôi có hiệu quả, đây là cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, ông Nguyễn Xuân Tiến đã vận động bà con tiếp tục vay vốn NHCSXH để đầu tư phát triển chăn nuôi bò sinh sản và chăn nuôi hươu lấy nhung.  Nhờ đó, đã giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong xã đầu tư phát triển kinh tế, làm ăn đạt hiệu quả, hàng năm cho thu nhập từ 80 triệu - 150 triệu đồng/hộ. Hiện các mô hình chăn nuôi, sản xuất như nói trên đang được nhân rộng ra toàn huyện.
Theo thống kê của ngành chức năng, trong thời gian qua, huyện Ia H’Drai đã có 252 hộ thoát nghèo bền vững nhờ vay vốn chính sách. Đến cuối năm 2019, toàn huyện Ia H’Drai còn 1.577 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 56,44% trên tổng số hộ toàn huyện. Trong tương lai gần, số hộ nghèo trên địa bàn sẽ tiếp tục giảm mạnh, khi NHCSXH tiếp tục đẩy mạnh cho các hộ dân vay vốn tín dụng chính sách xã hội, giúp họ chủ động đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình.

Khánh Nam

 

TIN LIÊN QUAN
TAG: Huyện Ia H’Drai Vốn tín dụng chính sách Kontum Giảm nghèo
Tin khác
Điện Biên: Chi trả trợ cấp hằng tháng cho 1.055 lượt đối tượng chính sách người có công
Nghệ An: Bảo đảm 100% người có công được chăm lo toàn diện
Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều giải pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang