Giải đáp pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Giải đáp pháp luật
Hỏi - Đáp về Chính sách bảo hiểm thất nghiệp
03:05 PM 15/05/2019
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những nội dung cơ bản về giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – TBXH) thông tin, giải đáp những thắc mắc về lĩnh vực này.
Hỏi: Tôi được biết Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vừa thông qua Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215 và Điều 216 của Bộ luật Hình sự liên quan đến BHXH, trong đó có quy định về một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng các điều này. Xin hỏi, các thuật ngữ liên quan đến tội trốn đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ được hiểu như thế nào?
Nguyễn Trọng Hiến
(Huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La)
Trả lời: Ngày 25/6/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã thông qua Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ của Bộ luật Hình sự. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2019.
Điều 2 Nghị quyết này đã giải thích rõ một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng các Điều: 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự. Trong đó, các thuật ngữ liên quan đến tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ quy định tại Điều 216 được giải thích như sau:
- Trốn đóng bảo hiểm quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự là hành vi của người SDLĐ có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
- Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với cơ quan có thẩm quyền.
- Không đóng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người SDLĐ không gửi hồ sơ đăng ký đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với NLĐ hoặc có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho NLĐ, thu nhập DN, nhưng không đóng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho cơ quan BHXH theo quy định.
- Không đóng đầy đủ quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là việc người SDLĐ đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho NLĐ, thu nhập DN nhưng chỉ đóng một phần tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho cơ quan BHXH theo quy định.
- 06 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự được xác định là 06 tháng liên tục hoặc 06 tháng cộng dồn trở lên.
Ví dụ: Trong thời gian từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2019, DN A không đóng BHXH 04 tháng trong năm 2018 (gồm các tháng 5, 7, 9 và 11) và 02 tháng trong năm 2019 (tháng 01 và tháng 02) là không đóng BHXH 06 tháng cộng dồn trở lên.
- Thiệt hại do hành vi phạm tội gian lận BHXH, BHYT, BH thất nghiệp quy định tại Điều 214 và Điều 215 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm số tiền BHXH, BH thất nghiệp, BHYT bị chiếm đoạt.

Hỏi: Tôi muốn hỏi những lý do từ chối việc làm nào được xem là không chính đáng để bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Võ Văn Thanh
(Huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi)
Trả lời:
Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp đã nêu cụ thể các trường hợp NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp, trong đó có trường hợp sau 2 lần NLĐ từ chối việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng.
Theo Nghị định 28/2015 nêu trên, NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ chối việc làm thuộc một trong các trường hợp sau, được xác định là không có lý do chính đáng:
- Việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ của NLĐ đã được đào tạo;
- Việc làm mà NLĐ đó đã từng làm.
Tại Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, Bộ LĐ-TB&XH đã hướng dẫn cụ thể về nội dung từ chối nhận việc làm theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP. Theo đó, NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được xác định là từ chối nhận việc làm mà không có lý do chính đáng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
1. NLĐ được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ được đào tạo mà NLĐ đã ghi theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động.
2. NLĐ được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm mà NLĐ đó đã từng làm nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động.
3. NLĐ đã tham gia dự tuyển lao động theo giới thiệu của trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và có thông báo trúng tuyển của người sử dụng lao động nhưng không nhận việc làm đã trúng tuyển, trừ trường hợp việc làm đó không đúng như thông báo tuyển lao động của người sử dụng lao động./.

TAG: Hỏi đáp về chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao
Tin khác
Phát hiện nhiều thủ đoạn cất giấu ma túy tinh vi
Hải quan Hải Phòng bắt giữ số ngà voi nhập lậu lớn nhất từ trước đến nay
Kịp thời khen thưởng động viên đảng viên nhập ngũ tham gia bắt cướp
Cục Hải quan Hà Nội chủ trì triệt phá thành công chuyên án vận chuyển ma túy qua đường hàng không, thu giữ hơn 58 kg ma túy
  Cục Hải quan Quảng Trị chủ trì bắt 8 đối tượng nhập cảnh mang gần 6 kg ma túy
Góp ý về Luật Dầu khí (sửa đổi):  Đề xuất thêm quyền cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
TP.HCM: Cảnh báo thủ đoạn mới về mạo danh cơ quan BHXH  trên mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản của người dân
Bắt giữ 8 bánh heroin ngụy trang trong thùng hàng quạt gió
Truy bắt đối tượng mua bán trái phép chất ma túy