Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Hàn Quốc trợ giúp Quảng Bình khắc phục hậu quả bom mìn
10:34 AM 02/07/2019
(LĐXH)- Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua KOICA cho hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định với kinh phí khoảng 20 triệu USD, nhằm mục tiêu khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Việt Nam là một trong những quốc gia phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau các cuộc chiến tranh. Theo kết quả nghiên cứu tổng hợp về hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, diện tích đất đai Việt Nam hiện bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ là 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích đất cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ sót lại sau chiến tranh hiện nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung nhất ở các tỉnh miền Trung.
Trong đó, tỉnh Quảng Bình có 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều bị ô nhiễm bom mìn. Theo số liệu điều tra của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, toàn tỉnh có 159/159 xã, phường bị ô nhiễm bom mìn với tổng diện tích bị ô nhiễm lên tới 224.000 ha, trung bình mỗi mét đất ở gánh chịu 29kg bom đạn.
100% xã, phường, thị trấn của Quảng Bình đều bị ô nhiễm bom mìn
Trong vòng 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh xảy ra 164 vụ tai nạn do bom mìn, làm chết 49 người và bị thương 115 người, phần lớn nạn nhân của bom mìn đều là lao động chính trong gia đình, hoặc là lứa tuổi tương lai của gia đình, đất nước, nhiều nạn nhân tuy sống sót nhưng trở thành gánh nặng suốt đời cho gia đình và xã hội. Một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng trên là do người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên không nhận dạng, phân biệt được bom mìn và các vật liệu nổ khác để phòng tránh.
Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” được khởi động vào tháng 3/2018 nhằm tăng cường năng lực quản trị hành động bom mìn ở phạm vi quốc gia cũng như đảm bảo an toàn và hỗ trợ phát triển tại các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.   
Cụ thể, thông qua Dự án, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và UNDP hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Chương trình hành động bom mìn Quốc gia giai đoạn 2010 - 2025 (còn được biết đến với tên gọi Chương trình 504) đảm bảo đạt được kết quả.
Trong tháng 3/2019 đã diễn ra lễ bàn giao giữa KOICA, tỉnh Quảng Bình và Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAG) 200 máy dò bom, mìn có tính năng kỹ thuật hiện đại, giúp lực lượng khảo sát và rà phá phát hiện chính xác vị trí bom mìn, vật nổ nằm trong lòng đất, vừa được phía Hàn Quốc bàn giao tại tỉnh Quảng Bình.
Dự án sẽ rà tìm và xử lý an toàn các loại bom, mìn và vật liệu nổ trên diện tích đất đai khoảng 8.000ha còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ (trong đó Quảng Bình còn gần 28% tổng diện tích đất đai toàn tỉnh).  Đây là những thiết bị có tính năng kỹ thuật hiện đại, giúp cho lực lượng khảo sát, rà phá phát hiện chính xác vị trí bom mìn, vật nổ còn nằm trong lòng đất để thu gom và xử lý theo quy trình kỹ thuật, đồng thời sẽ giúp VNMAC thiết lập được cơ sở dữ liệu về khu vực ô nhiễm và rà phá; là một trong những dữ liệu quan trọng về quản lý đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyon và Quyền đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen bàn giao thiết bị của Dự án

Được biết, trong dự án hợp tác này, Hàn Quốc sẽ viện trợ (không hoàn lại) cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam 20 triệu USD để thực thi các hợp phần như khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn, quản lý thông tin khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho 4.500 người dân… tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định. Dự án thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020.
Theo đánh giá, dự án đã hỗ trợ xác định khu vực ô nhiễm và loại bỏ bom mìn vật liệu nổ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi tiếp cận các công trình xã hội cơ bản như trạm y tế, trường học và đất sản xuất. VNMAC, KOICA và UNDP sẽ nỗ lực chung nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh mục tiêu.
Mặt khác, dự án cũng góp phần tăng cường năng lực quốc gia về quản lý và thực hiện các dự án hành động bom mìn, đảm bảo cung cấp hỗ trợ kịp thời, có chất lượng cho các nạn nhân bom mìn, giảm số ca tai nạn bom mìn bằng cách nâng cao nhận thức của người dân địa phương về nguy cơ tai nạn từ bom mìn, vật liệu nổ./.
PV
TAG: Khắc phục hậu quả bom mìn
Tin khác
Thừa Thiên Huế triển khai Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2024 – 2030
Chi hội LHTN Việt Nam Cơ sở CNMT Phước Bình: Quan tâm dạy văn hóa và đào tạo nghề cho học viên
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh tập huấn công tác kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ
Tuyên dương “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” toàn quốc lần thứ V - năm 2024
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng thăm, tặng quà chiến sĩ Điện Biên
TP Hồ Chí Minh: Tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT
Hà Nam: thực hiện đầy đủ chính sách với người cao tuổi
Điện Biên: Chi trả trợ cấp hằng tháng cho 1.055 lượt đối tượng chính sách người có công
Nghệ An: Bảo đảm 100% người có công được chăm lo toàn diện