An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Giang chung tay khắc phục hậu quả bom mìn
09:00 AM 13/07/2018
(LĐXH)- Trải qua cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới những năm 1979 - 1989 đầy khốc liệt, tỉnh Hà Giang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của hệ thống bom mìn, vật cản trên một số khu vực, nhất là khu vực gần các điểm cao chiến lược ở đây có mật độ lớn và dày.
Qua điều tra và khảo sát kỹ thuật, có 95% số xã trong tỉnh bị nhiễm các chủng loại bom mìn, vật nổ nguy hiểm ở các mức độ khác nhau. Bom mìn, vật nổ còn tồn tại sau chiến tranh ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, rừng và nước, tác động nhiều mặt đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế xã hội của hầu hết các địa phương ở Hà Giang. Các vụ tai nạn nổ bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh xảy ra ở nhiều nơi, gây thương vong và ảnh hưởng đến lao động sản xuất của người dân, phá hỏng nhiều cơ sở vật chất, tài sản, phương tiện của nhà nước và nhân dân, gây đình trệ nhiều công trình xây dựng cơ bản…
Giám đốc Sở Lao động - TBXH trao đổi với phóng viên về việc hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn
Sau dự án điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ đã xác định được diện tích ô nhiễm của Hà Giang là 85.944,26ha. Từ năm 2012 đến nay, lực lượng công binh chuyên trách mới tiến hành giải phóng được 1.412,56ha với tổng số vốn đã thanh toán hơn 31 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có gần 400 nạn nhân bị ảnh hưởng do bom mìn, 230 nạn nhân bị chết do bom mìn, trong đó có 72 hộ gia đình nạn nhân thuộc diện nghèo, 15 hộ thuộc diện cận nghèo. Theo ghi nhận thì phần lớn các vụ tai nạn bom mìn, vật liệu nổ trên địa bàn đều có liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên, trong đó gần 75% ở độ tuổi dưới 30 hoặc trẻ hơn. Tai nạn bom mìn, vật liệu nổ chủ yếu xảy ra khi người dân đang làm ruộng nương, rà tìm sắt phế liệu hoặc do giẫm đạp, chơi nghịch các vật liệu nổ, nhất là với các em nhỏ thì đa phần là do không hiểu biết nên đã gây hậu quả đáng tiếc.
Đại diện Bộ CHQS tỉnh Hà Giang tuyên truyền về tác hại của bom mìn sau chiến tranh
Còn nhớ năm 2010, người dân ở xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên) không khỏi bàng hoàng trước cái chết của hai anh Nguyễn Văn Viết và Nguyễn Văn Thọ, đều sinh năm 1993 trú ở thôn Thanh Sơn (xã Thanh Thủy). Trong quá trình đi tìm kiếm bom mìn, vật nổ để bán phế liệu, 2 anh đã bị mìn nổ và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Trước đó, ông Nông Văn Dũng (sinh năm 1963) và anh Mua Sính Thào (sinh năm 1983) ở thôn Giang Nam (xã Thanh Thủy) thì may hơn, chỉ bị mìn K83 nổ làm cụt chân trong quá trình chăn thả gia súc và làm đường giao thông vào thôn xóm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động - TBXH tỉnh Hà Giang, cho biết: Những năm qua, Hà Giang đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về tác hại và ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ, nhất là đồng bào ở vùng ô nhiễm nặng. Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức phòng, tránh, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, góp phần giảm thiểu nguy cơ về tác hại của bom mìn, vật nổ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vùng biên giới có đất canh tác. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích ô nhiễm bom mìn chưa được đầu tư rà phá còn khoảng 84.751 ha, tập chung chủ yếu trên tuyến biên giới của tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, Hà Giang có khoảng 2.500 hài cốt liệt sỹ chưa quy tập được do đang nằm tại các vị trí có bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh công tác rà phá, khắc phục bom mìn sau chiến tranh có ý nghĩa lớn trong ổn định tâm lý người dân, giúp bà con thực sự yên tâm phát triển sản xuất, đồng thời quy tập hài cốt liệt sỹ về an nghỉ tại các nghĩa trang liệt sỹ.
Ông Thiều Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động - TBXH huyện Vị Xuyên thăm hỏi nạn nhân bom mìn
Bà Phạm Thị Tân, Chủ tịch Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Hà Giang, trao đổi: Qua 3 năm hoạt động, Chi hội Hà Giang đã phối hợp tổ chức, vận động sự chung tay ủng hộ, lắp chân tay giả cho 35 nạn nhân tại Bệnh viện phục hồi chức năng huyện Vị Xuyên, trị giá gần 100 triệu đồng; tặng 220 xuất quà cho nạn nhân là hộ nghèo trên địa bàn tỉnh với trị giá 100 triệu đồng (trong đó, riêng dịp tết nguyên đán 120 lượt nạn nhân, trị giá 70 triệu đồng). Đặc biệt, từ tháng 5/2017, Chi hội nhận hỗ trợ 440 triệu đồng từ Trung ương Hội và ngân sách địa phương hỗ trợ 80 triệu đồng để mua 33 con bò hỗ trợ hộ gia đình nạn nhân nghèo thuộc các huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Vị Xuyên thực hiện nuôi luân chuyển theo mô hình "ngân hàng bò". Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, Chi hội đã nhận được sự quan tâm của Trung ương Hội tặng 100 xuất quà cho nạn nhân là hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, trị giá 50 triệu đồng; hỗ trợ 240 triệu đồng mua 20 con bò cho hộ gia đình nạn nhân nghèo bị ảnh hưởng bởi bom mìn thuộc huyện Vị Xuyên. Ngoài ra, Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – TBXH) vận động tặng vật dụng thiết yếu (quần áo, nước mắm) cho học sinh xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc) trị giá 130 triệu đồng.
Kiểm tra sức khỏe và thương tật cho nạn nhân bom mìn tại xã Thanh Đức (huyện Vị Xuyên)
Trung tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng ban Công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Giang), chia sẻ: Trong quá trình rà phá bom mìn, lực lượng chức năng đều phối hợp với các cơ quan, đơn vị đến các xã biên giới tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không chăn thả trâu, bò, dê, và đi vào vùng có mìn còn sót lại đã được xã, huyện thông báo; khi nhìn thấy vật lạ bằng sắt, không tự ý cưa, đục mà mang nộp cho cán bộ xã hoặc trạm biên phòng để kiểm tra, xem xét… Tuy nhiên, do là tỉnh miền núi, nguồn ngân sách bảo đảm của Trung ương còn hạn chế nên Hà Giang gặp phải không ít khó khăn và thách thức trong triển khai thực hiện công tác rà phá bom mìn, khắc phục vật nổ sau chiến tranh. Hiện nay, bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn Hà Giang có số lượng nhiều và đều rất nguy hiểm, có thể gây nổ bất cứ lúc nào khi tác động phải trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, hoặc có thể tự nổ do nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học. Chỉ tính riêng dọc tuyến biên giới của 34 xã, nhất là ở các xã: Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải, Minh Tân (huyện Vị Xuyên) và xã Phú Lũng (huyện Yên Minh) được xác định là nơi có nhiều bộ đội chiến đấu hy sinh, hiện nay vẫn còn hơn 9.000ha bị ô nhiễm bom mìn, vật cản nổ chưa được rà phá.
Ông Nông Văn Dũng ở thôn Nam Giang, xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên) bị tai nạn bom mìn khi chăn thả gia súc
Thiết nghĩ, để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh trên địa bàn, Hà Giang cần tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động các nguồn lực trong tỉnh và Trung ương, nguồn xã hội hóa nhằm từng bước giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chí Tâm

TAG: Hà Giang khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách