Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
"Hãy bằng việc làm cụ thể, thiết thực để mọi thông điệp của trẻ em thực sự đi vào cuộc sống..."
10:03 AM 29/08/2019
(LĐXH) - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Diễn đàn trẻ em quốc gia 2019 với 05 nhóm vấn đề cần tập trung thảo luận đó là: Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; An toàn trên môi trường mạng; Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; Vấn đề về chăm sóc sức khỏe, phát triển toàn diện cho trẻ em.

Năm 2019, đánh dấu 30 năm Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em ra đời, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước này. Các quyền tham gia của trẻ em được pháp luật hóa trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, đồng thời tôn trọng ý kiến của các em về các vấn đề liên quan đến quyền của các em, từng bước phát huy vai trò và sự đóng góp của các em đối với xã hội với tư cách là một chủ nhân tương lai của đất nước. Quyền tham gia của trẻ em được quy định tại khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013 và Luật trẻ em năm 2016. Tại Điều 34 Luật trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng. Diễn đàn trẻ em quốc gia là hoạt động để đại diện trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của trẻ em hoặc để các cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề có liên quan đến trẻ em.

Từ tháng 6 – 7, trên cả nước đã có hàng chục ngàn trẻ em được tham gia các diễn đàn cấp tỉnh, cấp quận, huyện, xã. Các em đã trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến trẻ em của địa phương; đã được giao lưu, đối thoại với cấp ủy, HĐND, UBND, các ban, sở, ngành, tổ chức có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em ở địa phương. Từ ngày 14 - 17/8/2019,  169 trẻ em đại diện cho trẻ em của 41 tỉnh, thành phố, các Làng trẻ em SOS, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An và Hội đồng Trẻ em của 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Bình Định đại diện cho gần 26 triệu trẻ em trên toàn quốc đã tham gia Diễn đàn trẻ em quốc gia.

Các nhóm trẻ em cùng tham gia thảo luận với sự hỗ trợ của các cô chú điều phối hoạt động

Tại Diễn đàn trẻ em quốc gia, 05 nhóm vấn đề trẻ quan tâm và sẽ tập trung thảo luận thông qua làm việc nhóm, bao gồm: Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; An toàn trên môi trường mạng; Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; Vấn đề về chăm sóc sức khỏe, phát triển toàn diện cho trẻ em (sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí). Cả 5 vấn đề trên cũng là những vấn đề các cấp lãnh đạo ở trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện để trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường ngày càng an toàn, thân thiện, lành mạnh.

Với các nội dung thảo luận, các em - ở góc nhìn của trẻ em cũng đã thẳng thắn đưa ra các giải pháp xử lý. Ví dụ việc đề xuất đưa ra mô hình hồ bơi di động để mở rộng điều kiện dạy và học bơi cho các bạn khắp mọi miền. Hay như việc các bạn mong muốn bố mẹ trở thành tấm gương cho các bạn học hỏi, để các bạn không phải phân vân sao bố mẹ cấm mình dùng smartphone mà bố mẹ vẫn dùng mỗi tối ở nhà. Các bạn cũng nhận thức không được kỳ thị đối với các bạn bị xâm hại tình dục, vì đó không phải là lỗi của các bạn. Điều đặc biệt, trong hầu hết các ý kiến đưa ra, các bạn đã lồng ghép hiểu biết và nhận thức của mình đối với Tổng đài điện thoại quốc gia trẻ em 111 – nơi các bạn có thể tố giác, phản ánh, tư vấn để được giải đáp các vấn đề liên quan đến các bạn ấy.

Trong phiên đối thoại chính thức, các bạn nhỏ đã được nghe Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ rất nhiều vấn đề. "Tôi cảm thấy mình may mắn, không biết các  ngồi đây có cảm thấy mình may mắn không?", đó là câu hỏi đầu tiên Phó Thủ tướng hỏi cả khán phòng và nhiều tiếng hồi đáp "Có ạ". Phó Thủ tướng khẳng định thế hệ trẻ ngày nay đang được thụ hưởng sự may mắn vì chúng ta được sống trong hòa bình, được đi học, được chăm lo chăm đầy đủ hơn thế hệ trước cả về vật chất và tinh thần. Mặc dù các bạn ở đây vẫn còn bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng được đến trường, được như hôm nay đã là một may mắn. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng rất ân cần trước các bạn nhỏ với câu chuyện rùa và thỏ: "Ngược lại, chúng ta phải thấy vì đất nước chiến tranh lâu như vậy, nghèo như vậy, tất cả chúng ta phải nỗ lực. Từ thuở bé mình nghe câu chuyện con rùa con thỏ, mình yếu còn nghèo hơn thì mình phải nỗ lực, người ta làm một thì mình phải làm hai".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ân cần hỏi han các bạn nhỏ

Sự nỗ lực Phó Thủ tướng muốn các em nhìn nhận lại, trước hết phải làm đúng 5 điều bác Hồ dạy, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, việc gì phụ giúp cha  mẹ được thì nên làm; ở trường lớp vì sao phải kêu nhà vệ sinh bẩn, nếu không có nhà vệ sinh thì là một chuyện nhưng để bẩn thì phải xem xét lại, ngày trước học trò cùng nhau thay phiên trực nhật lớp, dọn dẹp nhà vệ sinh, hố rác của trường để giữ gìn môi trường sống, môi trường học tập của mình, vì sao bây giờ các bạn không làm được. “Nhà các cháu bẩn không thể mong người khác đến dọn hộ. Đất nước nghèo không thể hy vọng nước khác đến giúp. Chúng ta phải rất chịu khó. Ở trường, ở nhà hay ngoài xã hội cũng phải luôn ghi nhớ Năm điều Bác Hồ dạy. Bác Hồ dạy “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” thì trước hết mỗi em nhỏ phải yêu bố mẹ, người thân, bè bạn, quê hương, gia đình, trường lớp của mình. Tiếp đó, các em phải học tốt, tích cực tham gia lao động, giữ gìn vệ sinh trường, lớp”. Phó Thủ tướng khẳng định tuổi trẻ hôm nay rất thông minh và nhanh nhẹn, việc học hỏi, tiếp thu chọn lọc các kiến thức là vì tương lai của chính các em. Phó Thủ tướng cho biết sẽ tiếp thu các khuyến nghị, thông điệp của các bạn trẻ đưa ra tại diễn đàn hôm nay và tổ chức thực hiện các khuyến nghị đó là trách nhiệm của tất cả mọi người. "Hãy bằng việc làm thật cụ thể, thiết thực, đừng để lời kêu gọi thông điệp chỉ ở hội nghị, chỉ ở trên giấy mà hãy đi vào cuộc sống", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên lề diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà chia sẻ: Thông điệp các em gửi đến chúng ta ngày hôm nay là “Lắng nghe tiếng nói của trẻ em bằng trái tim - Đáp ứng nguyện vọng của trẻ em bằng hành động”, thông qua diễn đàn, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn Luật trẻ em và các nghị định, chỉ thị, đề án của Chính phủ trong việc cụ thể hóa thực hiện Luật trẻ em. Với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến, khuyến nghị của trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia và Diễn đàn trẻ em các địa phương; cùng phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan xem xét, giải quyết trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án liên quan tới trẻ em, đặc biệt cho giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030.

Các em tham dự diễn đàn đều đang ở độ tuổi có nhiều thay đổi trong tâm sinh lý, có ý thức khẳng định bản thân và luôn muốn được lắng nghe, mối quan tâm của trẻ em trải rộng ở nhiều vấn đề từ chính cuộc sống của các em. Từ những vấn đề gần gũi và thiết thực diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, xung quanh các em, các em đã cùng nhau thảo luận để đưa ra 22 thông điệp, thể hiện tư duy và ý thức về “các vấn đề của trẻ em” ngày càng lớn. Đó có thể là “Bạo lực đối với trẻ em là hành vi hủy hoại tuổi thơ, cần phải kiên quyết loại trừ!”, “Vì tương lai tươi sáng, hãy nói không với lao động trẻ em!”, “Môi trường xanh là ước mơ của thế hệ trẻ”… nhưng cũng có nhiều thông điệp khiến người lớn phải suy ngẫm thực sự để có hướng hành động, ví như “Người lớn sống sao, trẻ em sống thế”, “Người lớn xin đừng áp đặt, hãy để chúng con là chính mình!”. “Mọi vấn đề liên quan đến trẻ em cần có sự tham gia của trẻ em”…

Một trong những thông điệp trẻ em gửi gắm

Ghi nhận tại Diễn đàn trẻ em quốc gia năm nay, các nhóm vấn đề trẻ em đưa ra cơ bản được các cô chú lãnh đạo trả lời thẳng thắn và trực diện. Song, để các diễn đàn thật sự đạt hiệu quả, đòi hỏi từ cả hai phía: trẻ em và các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, phải cùng nhau học cách "đối thoại", hơn là giải đáp tại chỗ. Trẻ em cần thêm nữa kỹ năng làm việc đội nhóm, kỹ năng gợi mở vấn đề có sự sáng tạo, chủ động và hơn hết, các em cần có phương pháp bảo vệ quan điểm của mình, ngay từ quá trình lập kế hoạch, xây dựng khung hoạt động ban đầu nhất thiết phải có sự tham gia của các em. Mặt khác, để chất lượng đối thoại tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu của các em, các nhà lãnh đạo cũng cần tránh trả lời chung chung, dẫn dắt quá xa vấn đề trẻ đang đề cập.

Thông điệp của Diễn đàn trẻ em quốc gia được trao tận tay các bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Cũng như các lẫn tổ chức trước, ngay sau Diễn đàn trẻ em quốc gia, các thông điệp, khuyến nghị của trẻ em sẽ được gửi tới các cơ quan, các tổ chức xã hội, các nhà hoạch định chính sách, những người làm việc vì trẻ em. Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đối với các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của trẻ em. Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

Nguyễn Đăng Doanh

TAG: quyền trẻ em vấn đề của trẻ em Diễn đàn trẻ em bao
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách