Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần tiệm cận với hiện thực khách quan của thị trường lao động, nguồn nhân lực Việt Nam và tăng tính khả thi
06:20 PM 18/09/2019
(LĐXH) Theo ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo về Dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) (sửa đổi), cần xem xét lại một số quy định mới trong Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) lần này cho phù hợp với thực trạng nền kinh tế Việt Nam, trình độ phát triển của quan hệ lao động và đặc biệt là phù hợp với đặc điểm của lao động Việt Nam, khuyến khích người lao động làm việc vì sự phát triển của đất nước.
Ngày 18/9/2019, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Dự thảo BLLĐ (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị” với sự tham dự của đại diện một số Bộ, Ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp, Tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, chuyên gia, luật sư...
Bộ luật Lao động có phạm vi điều chỉnh lớn và ảnh hưởng sâu rộng tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam, tính cạnh tranh của nền kinh tế cũng như quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi và lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động của Bộ luật này. Trong quá trình xây dựng Dự thảo BLLĐ (sửa đổi), rất nhiều qui định đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Điều này cho thấy nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc xây dựng một xã hội văn minh,  tiến bộ, hội nhập với xu thế phát triển quốc tế của Việt Nam, và đây là một nhu cầu xác đáng.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
Tuy nhiên, đóng góp ý kiến cho Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) lần này, nhiều đại biểu thẳng thắn cho rằng ở một phương diện khách quan cần xem xét thấu đáo vị trí kinh tế hay chính là năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang ở đâu so với khu vực và thế giới, để từ đó có những thay đổi phù hợp để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Bởi lẽ khi nền kinh tế bị tác động, thì BLLĐ có thể trở thành “rào cản” sự tăng trưởng sản xuất, giảm kinh ngạch xuất khẩu và chính đời sống người lao động sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và trước hết. Bên cạnh đó, khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam suy giảm so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề của các nước khác, khi đó “người yếu thế” lại chính là các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo nhận định, đánh giá của các Hiệp hội doanh nghiệp gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da Giày Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), một số qui định trong Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) có thể tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nước ta ở những điểm cụ thể sau: Một số qui định trong Dự thảo BLLĐ mới sẽ có thể làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; làm sụt giảm nguồn thu của ngân sách Nhà nước do hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, doanh thu sụt giảm, thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ có khả năng phải đối mặt với việc giải thể, phá sản hoặc cắt giảm công suất lao động do thiếu vốn. Khi pháp luật nước Việt Nam, cụ thể là Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) quy định quá chặt về các điều kiện mà doanh nghiệp cần tuân thủ trong lĩnh vực lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội thì vô tình đã “làm khó” cho doanh nghiệp và khiến doanh nghiệp Việt Nam càng trở nên yếu thế hơn trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp ở các quốc gia khác. Hàng Việt Nam trước khi xuất sang các thị trường nước ngoài đã bị đánh trượt về điều kiện ngay trên chính “sân nhà”.
Hội thảo góp ý kiến xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Dự thảo BLLĐ mới sẽ cũng có thể khiến cho những nỗ lực của Nhà nước hướng tới đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Một trong những lợi thế quan trọng để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là chi phí về lao động, nguồn nhân lực. Nhưng điểm mạnh này có thể trở thành điểm yếu khi môi trường pháp lý không thuận lợi, hàng loạt các chi phí cho NLĐ ngày càng tăng cao, nhà đầu tư nước ngoài có thể từ bỏ Việt Nam để đầu tư tại các quốc gia khác.
Nhiều quy định trong Dự thảo BLLĐ mới hiện nay đang “rất mờ” và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng (như các quy định về kỷ luật lao động,  sa thải lao động, về tập nghề, sử dụng lao động thuê lại…). Trong thực tiễn, khi các bên đánh giá độc lập cũng như các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thanh tra, giải quyết khiếu nại, khởi kiện, đình công gặp phải các quy định “mờ” này thường diễn giải theo hướng “có lợi hơn cho người lao động” nên càng gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên
Một số qui định trong Dự thảo BLLĐ mới sẽ có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dôi dư do năng lực tài chính hiện tại của nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam) chưa đáp ứng được các yêu cầu của Dự thảo BLLĐ (sửa đổi). Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Nếu doanh nghiệp lại tiếp tục phải đối diện với việc gia tăng nhiều yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn về việc sử dụng lao động (theo Dự thảo BLLĐ mới) thì khó khăn càng nhân lên gấp bội so với hiện nay. Thay vì tập trung nguồn lực (tài chính, trí tuệ) vào thị trường và đem lại nhiều doanh số xuất khẩu, các doanh nghiệp sẽ phải đối phó với vấn đề lao động và chắc chắn sẽ giảm đi lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu hàng hóa, giảm kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp dẫn tới bước đường cùng phải giải thể hoặc phá sản.
Nhiều qui định trong Dự thảo BLLĐ mới sẽ có thể khiến các doanh nghiệp phải gia tăng những rủi ro về chi phí lao động bên cạnh những rủi ro mà doanh nghiệp  đã và đang phải đối diện liên quan đến thị trường, hàng hóa (nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công, làm dịch vụ các hàng hóa mang tính đặc thù về thời vụ, hoặc phải xử lý ngay các nguyên liệu nông - lâm - thủy sản tươi sống…). Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng.
Ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Hà Nội
phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Vì vậy, theo đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, xuất phát từ “lợi ích quốc gia” với mục tiêu quan trọng hàng đầu là gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng GDP và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, cần xem xét lại một số các quy định trong Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) lần này liệu có phù hợp với thực trạng nền kinh tế của Việt Nam, phù hợp với trình độ phát triển của quan hệ lao động, đặc biệt là có thực sự phù hợp với đặc điểm của lao động Việt Nam hay không? Và liệu Bộ luật lao động mới có tạo điều kiện để kinh tế Việt Nam tăng trưởng.
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm và ý kiến đóng góp của các đại biểu là thời giờ làm việc bình thường, thời giờ làm thêm và cách tính tiền lương làm thêm giờ. Nhiều ý kiến cho rằng khi sửa đổi, bổ sung Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) cần chú ý đến những nhu cầu chính đáng và thực tế của nhiều người lao động.
Kết quả nghiên cứu và đánh giá của một số chuyên gia đã chỉ ra rằng trước khi tính đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe người lao động, cần tính đến nhu cầu thật của nhiều người lao động là họ “cần tiền” để lo cho bản thân, cho con cái và gia đình họ. Thực tế hiện nay, hầu hết người lao động đều sẵn sàng, thậm chí tự nguyện viết đơn xin làm thêm. Như vậy, nhu cầu mong muốn làm thêm giờ của NLĐ là điều hoàn toàn tự nguyện và chính đáng.
Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng
Nếu giảm giờ làm việc bình thường, giới hạn giờ làm thêm trong một số ngành nghề theo Dự thảo BLLĐ mới sẽ làm cản trở mong muốn chính đáng của NLĐ.
Chính vì thế, các quy định tại Dự thảo BLLĐ mới cần được xem xét sửa đổi theo hướng phù hợp với hiện thực khách quan, đặc biệt là thực trạng nguồn nhân lực và chất lượng sức lao động Việt Nam (như thái độ, ý thức và năng suất lao động của người lao động Việt Nam…).
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) cần lưu ý đến những đặc thù mang tính “thời vụ” của một số ngành nghề, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến các doanh nghiệp sản xuất và chế biến hàng nông sản, thủy sản, hải sản. Điểm chung giữa các hiệp hội tại Việt Nam như Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da - Giày- Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn là đều mang “tính mùa vụ”. Với thời giờ làm việc là 48 giờ/tuần như hiện nay các máy móc thiết bị trong nhà máy vận hành vẫn có thể đảm bảo công suất, tuy nhiên nếu giảm còn 44 giờ/tuần sẽ làm cho nhà máy chạy dưới công suất (hoạt động cầm chừng).  
Dù làm việc 48 giờ/tuần hay 44 giờ/tuần thì doanh nghiệp cũng phải mất nhiều chi phí cho việc cài đặt, vận hành, duy trì, bảo dưỡng để máy móc được hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy rằng đáng lẽ ra chi phí này là tương ứng với hoạt động sản xuất trong 48 giờ/tuần thì nay với quy định mới chi phí sẽ phải trả tương ứng 44 giờ/tuần khiến doanh nghiệp không còn lợi nhuận do phải thanh toán các các chi phí vận hành. Hơn nữa, vào mùa vụ thu hoạch/khai thác là thời điểm hầu hết hiện nay các doanh nghiệp đều thực hiện quá số giờ làm thêm quy định. Bất cập hiện hành còn chưa được khắc phục thì nay nếu quy định về thời giờ làm thêm giảm 44 giờ/tuần có hiệu lực thi hành thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ tiếp tục vi phạm.
Bên cạnh đó, bởi mang đặc thù mùa vụ nên doanh nghiệp có rất ít thời gian khai thác tối đa lợi nhuận. Vào thời điểm mùa vụ là lúc doanh nghiệp cần tận dụng tối đa thời gian làm thêm giờ để khai thác tối đa hoạt động sản xuất của mình. Đây cũng là lúc NLĐ có cơ hội để tăng thu nhập lo trang trải cuộc sống vào những thời điểm không có việc để làm. Nhưng thật đáng tiếc, theo Dự thảo lần này, quy định về giới hạn giờ làm thêm không đáp ứng được mong muốn đó, doanh nghiệp không đáp ứng được đơn hàng để xuất khẩu, từ đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia về kim ngạch xuất khẩu và cả lợi ích của NLĐ khi chính bản thân họ đều có nhu cầu được làm thêm giờ để tăng thu nhập trong thời điểm đó.
Ngoài thời gian sản xuất trọng tâm, quãng thời gian còn lại NLĐ hầu như không có hoặc rất ít việc để làm. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải trả lương đầy đủ để đảm bảo trách nhiệm an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích cho NLĐ. Với hàng loạt các áp lực trên, nếu giữ nguyên những quy định của Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) này, rất có thể nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa vì không còn đủ vốn để tiếp tục hoạt động.
“Để doanh nghiệp Việt Nam không bị “chết” trên chính “sân nhà” bởi những quy định khắt khe của BLLĐ mới, Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Dự thảo BLLĐ mới phù hợp với đặc thù “thời vụ” của một số ngành sản xuất và xuất khẩu hàng hóa quan trọng hiện nay, ông Nguyễn Xuân Dương”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh.
Thảo Lan
 

 

 

 

 

TAG: Hội thảo về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Hiệp hội doanh nghiệp VCCI
Tin khác
Xử lý nghiêm vụ tai nạn lao động tại Yên Bái
Long An: Sôi động hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngay từ những ngày đầu năm 2024
Lào Cai: Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần tới thân nhân người bị tai nạn lao động tại Yên Bái
Hơn 6.000 việc làm tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Lạng Sơn: 3.500 lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4