Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Địa chỉ tin cậy trong ứng dụng công nghệ giám định ADN hài cốt liệt sĩ
09:40 AM 06/12/2019
(LĐXH)- Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đưa vào hoạt động Dự án "Đầu tư nâng cấp trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin".
Hiện nay, theo ước tính cả nước còn khoảng 500.000 hài cốt liệt sĩ chưa được thông tin, trong đó gần 200.000 hài cốt nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam, Lào và Campuchia và khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ nhưng còn thiếu thông tin.
Đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 150 "Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin" (gọi tắt là Đề án 150). Theo đó, Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là 1 trong 3 đơn vị chủ chốt được giao nhiệm vụ phân tích AND để định danh cho các mẫu hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin, bên cạnh Viện Pháp y Quân đội (Bộ Quốc phòng) và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).
Phân tích mẫu gen tại Viện công nghệ sinh học
Trước đó, từ năm 2000, Viện Công nghệ sinh học đã bắt đầu sử dụng ADN trong phân tích giám định hài cốt liệt sĩ ở quy mô thử nghiệm với khoảng 30 mẫu/năm. Từ bước đi tiên phong này, Viện Công nghệ sinh học trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công công nghệ phân tích ADN các mẫu hài cốt và đã truyền đạt lại công nghệ này cho các đơn vị giám định khác như Viện Pháp y Quân đội và Viện Khoa học hình sự.
Tính từ năm 2000 đến 2011, Viện Công nghệ sinh học đã giám định gần 1.000 hồ sơ liệt sĩ và định danh được hơn 800 liệt sĩ; còn từ năm 2011 đến 2015 - thời điểm Trung tâm Giám định ADN bắt đầu thực hiện dự án nâng cấp, trung bình mỗi năm có 400 mẫu hài cốt liệt sĩ được định danh. Kinh phí giám định hoàn toàn được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước và các tổ chức xã hội, tuyệt đối không thu phí của các gia đình thân nhân liệt sĩ.
Mặc dù có những thành công bước đầu, công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ vẫn gặp nhiều thách thức khi các mẫu hài cốt hiện tại đều có tuổi từ 40 - 100 năm khiến chất lượng mẫu không ngừng giảm sút. Thời gian, công sức, kinh phí phân tích mẫu tăng nhiều lần so với thời điểm những năm đầu thực hiện. Bên cạnh đó, trên thị trường không có bộ quy trình phù hợp với các mẫu hài cốt liệt sĩ của Việt Nam, buộc Viện Công nghệ sinh học phải tối ưu, phát triển các bộ quy trình khác nhau, tham khảo, tiếp cận các nghiên cứu mới nhất của thế giới trong lĩnh vực này cũng như sử dụng các trang thiết bị hiện đại.
Dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã khánh thánh Dự án "Đầu tư nâng cấp trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin" đánh dấu sự phát triển vượt bậc về mở rộng quy mô ứng dụng công nghệ giám định ADN hài cốt liệt sĩ tại Việt Nam.
(Ảnh minh họa)
Theo GS. Châu Văn Minh, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, việc khánh thành và đưa vào vận hành Trung tâm giám định ADN sẽ góp phần giám định hài cốt liệt sĩ hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và sự kỳ vọng của Chính phủ.
Trung tâm sẽ đảm bảo năng lực phân tích 4.000 mẫu hài cốt liệt sĩ/năm, hoàn thành Đề án 150, trở thành đơn vị hạt nhân về công nghệ tách chiết và phân tích ADN, di truyền từ các mẫu xương lâu năm, các mẫu xương cổ. Mục tiêu của Trung tâm là trở thành nơi đào tạo nhân lực quốc tế trong giám định di truyền hình sự và di truyền cá thể.
Là đơn vị có thế mạnh về nghiên cứu và phát triển công nghệ, trong những năm tới, ngoài việc thực hiện công tác giám định ADN thường xuyên, Trung tâm hướng tới các nghiên cứu hoàn thiện công nghệ giám định ADN hài cốt liệt sĩ dựa trên thành tựu nghiên cứu mới nhất trên thế giới, sử dụng trang thiết bị hiện đại tại thời điểm đầu tư nhằm bắt kịp trình độ giám định ADN tại các nước tiên tiến.
Quy trình giám định ADN để định danh các bộ hài cốt của liệt sĩ chưa biết tên tại Trung tâm Giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học:
- Thu nhận mẫu của hài cốt cần xác định danh tính;
- Thu nhận thông tin có thể có về liệt sĩ;
- Xây dựng cây phả hệ giả định theo lý thuyết;
- Thu nhận mẫu máu của nhân thân giả định;
- Tách chiết ADN của các mẫu hài cốt và mẫu máu;
- Nhân dòng ADN ty thể;
- Đọc trình tự nucleotide các đoạn ADN nhân bản được;
- Lưu giữ thông tin về trình tự nucleotide và so sánh bằng phần mềm chuyên dụng để xác định cây phả hệ;
- Kết luận về mối liên quan phả hệ. Trong trường hợp kết quả chưa thỏa đáng thì tiến hành phân tích thêm ADN nhân để có kết luận chính xác./.
PV
TAG: giám định ADN
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024