An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đắk Lắk: Nhiều kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
09:03 AM 04/04/2020
(LĐXH) - Ông Hoàng Công Vỹ – Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Phòng, chống tệ nạn và xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hiện nay tình trạng tệ nạn mại dâm, ma túy trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có xu hướng gia tăng, đặc biệt là hoạt động mua bán người cũng đang diễn biến phức tạp, tinh vi, xảy ra trên các địa bàn.
Học viên Cơ sở Điệu trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk trong giờ học nghề đan ghề nhựa 

Tội phạm mua bán người hoạt động với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội để giới thiệu tạo lòng tin với phụ nữ, trẻ em sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có nhận thức, hiểu biết xã hội hạn chế, nhẹ dạ cả tin, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định đang có nhu cầu, mong muốn tìm việc làm với mức thu nhập cao.

Tính đến tháng 12 năm 2019, toàn tỉnh Đắk Lắk có 1.814 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, 2.368 người số người nhiễm HIV (số lũy kế) và có 18 nạn nhân bị mua bán được giải cứu. Trước tình hình đó, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh đã tham mưu cho Sở LĐTB&XH  trình UBND tỉnh ban hành hàng loạt các  văn bản, Quyết định, Kế hoạch về chương trình phòng, chống mại dâm, ma túy, điều trị, cai nghiện ma túy cũng như quy định về số lượng, mức hỗ trợ cho cán bộ theo dõi, quản lý đối tượng cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư, các địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm, tệ nạn mua bán người, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ cao về sử dụng ma túy với nhiều hình thức thích hợp, phong phú để các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ mối hiểm họa từ tệ nạn xã hội nói chung, tính cấp bách của công tác phòng, chống và điều trị cai nghiện ma túy, tệ nạn mua bán người nói riêng.

Đồng thời, Xây dựng, lắp đặt mới 05 panô, sửa chữa 06 panô tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa bàn các huyện có diễn biến phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm (Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Ea Kar, Krông Pắk, Cư Kuin, Ea Súp, Lắk, M’Đrắk); In ấn, căng trên 200 băng rôn hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6 tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số huyện. Phối hợp với Trường Trung cấp mầm non Đắk Lắk tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề Phòng, chống tệ nạn xã hội cho hơn 100 em học sinh, sinh viên của trường.

Cùng với đó, còn phối hợp với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức 02 lớp tập huấn kiến thức về ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho hơn 100 cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức về tệ nạn xã hội cho đội ngũ làm công tác tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế trong xội hội (người nhiễm HIV/AIDS, người bán dâm, người nghiện ma túy, nạn nhân bị mua bán …) là các Đội trưởng, Đội phó Đội công tác xã hội tình nguyện các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh với số lượng trên 500 người tham gia.

Ngoài ra, còn  phối hợp với Tạp chí Lao động - Xã hội và Báo Đắk Lắk phát hành các tin, bài, ảnh, phóng sự…vv nhằm mục đích tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo điều hành từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương về điều trị cai nghiện, phòng chống tệ nạn mại dâm, mua bán người. Phối hợp với tỉnh Đoàn tổ chức Hội thi tuyên truyền Phòng, chống ma túy, mại dâm và chính sách pháp luật trong đoàn viên, thanh thiếu niên năm 2019 đã thu hút khoảng 500 đoàn viên, thanh thiếu niên tham gia. Thông qua đó, Hội thi đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong đoàn viên, thanh niên; lồng ghép vào nội dung của Hội thi là nhiều thông điệp cuộc sống có giá trị nhân văn cao cả. Qua đó giúp đoàn viên, thanh niên nhận thức được mình chính là tuyên truyền viên góp phần giữ gìn đời sống lành mạnh và chung tay loại trừ tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm ra khỏi cộng đồng. 

Học nghề đan ghế nhựa giúp các học viên tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk khuây khỏa và  là một trong những liệu pháp trị liệu cắt cơn nghiện có hiệu quả được nhiều cơ sở cai nghiện áp dụng

Với những nỗ lực đó, kết quả trong năm 2019, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy đã có những chuyển biến tích cực. Số tụ điểm và đối tượng hoạt động mại dâm được triệt phá 19 tụ điểm, bắt 87 đối tượng, gồm: 19 chủ chứa, 34 người mua dâm, 34 người bán dâm. Tăng 1 vụ so với năm 2018. Trong đó, khởi tố 15 vụ với 19 bị can và xử lý hành chính 4 vụ với 12 đối tượng. Ngoài ra, Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm của tỉnh đã tiến hành tổ chức 21 lượt kiểm tra đối với 105 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, chuyển cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính đối với 17 cơ sở có hành vi vi phạm. Qua kiểm tra Đội KTLN 178 đã tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan tới hoạt động đối với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, kịp thời hướng dẫn các đơn vị tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm. Đồng thời phát hiện những hành vi vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tính đến ngày 15/12/2019, toàn tỉnh Đắk Lắk có 1.323 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ điều trị, cai nghiện, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng, đạt 96% so với kế hoạch. Trong đó, Cai nghiện bắt buộc theo quyết đinh của Toà án cấp huyện: 357 người, cai nghiện tự nguyện theo hơp đồng: 483 người, điều trị thay thế bằng thuốc Methadonne: 327 người, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng (người nghiện tự chữa trị, ca nghiện tại Bệnh viện Tâm thần của tỉnh): 156 người. Các cơ sở cai nghiện hiện đang quản lý, điều trị cai nghiện cho 484 người nghiện. Trong đó, Cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Toà án 388 người; Cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở 66 người (cơ công lập 55 người, các cơ sở ngoài công lập: 11 người và  Quản lý đối tượng xã hội tại cơ sở công lập 30 người.

Trong năm 2019, các đơn vị đã hỗ trợ  người cai nghiện và người sau cai nghiện ma tuý được học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi  cho 579 người, đạt 84% so với chỉ tiêu kế hoạch (579/687). Trong đó, dạy nghề và cấp cứng chỉ cho 125 người (Nghề May công nghiệp và dân dụng 55 người,  Trồng trọt, chăm sóc cà phê 70 người); Lao động trị liệu (gia công đồ nhựa, tăng gia sản xuất rau sạch, chăm sóc cà phê…) tạo thu nhập thường xuyên cho trên 450 người với tổng thu nhập trên 135.360.000 đồng. 04 người hoàn thành cai nghiện, hoà nhập cộng đồng vay vốn tín dụng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với số tiền được vay là 120.000.000 đồng.

Theo đánh giá của ông Hoàng Công Vỹ, trong năm 2019, Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của địa phương có nhiều điểm sáng và đã đạt được nhiểu kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt là Công tác triệt phá, truy quét, ổ nhóm hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã làm giảm đáng kể, các tụ điểm hoạt động mại dâm nơi công cộng, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi các tụ điểm mại dâm gây bức xúc trong dư luận. Số người nghiện ma túy được tiếp cận các dịch vụ chữa trị, cai nghiện cao hơn so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót và không đồng bộ. Chưa quan tâm, chủ động bố trí kinh phí phòng, chống mại dâm từ ngân sách địa phương nên không đáp ứng đủ nguồn lực. Việc thực thi pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm của các cơ quan chức năng chưa nghiêm, mới chỉ tập trung xử lý chủ chứa, môi giới, người bán dâm, chưa xử lý nghiêm người mua dâm theo đúng quy định pháp luật do vậy hiệu quả trong việc răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm không cao.

Học nghề đan ghế nhựa tại Cơ sở Điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk

Công tác Cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, hạn chế về nguồn lực. Thiếu sự liên hệ, kết nối giữa nhu cầu của người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục về chính sách pháp luật, tác hại về nghiện ma túy và các biện pháp dự phòng giảm hại cho người nghiện ma túy tại cộng đồng còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa trọng tâm.  Các chương trình hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, gắn chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho người sử dụng, người sau cai nghiện ma túy còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ.  Số người nghiện ma tuý được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, cai nghiện đạt 96% so với kế hoạch và chiếm tỷ lệ 72% so với tổng số người nghiện trên địa bàn. Tuy nhiên, còn tồn tại sự mất cân đối giữa các loại hình cai nghiện, đặc biệt là công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Việc phòng chống tệ nạn mại dâm tập trung vào các hoạt động phòng ngừa, thông qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Vì vậy, để giải quyết những tồn tại và hạn chế nêu trên, trong năm 2020 Chi cục Phòng, chống tệ nạn và xã hội tỉnh kiến nghị với Sở LĐTB&XH tỉnh đề nghị các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan. Trong đó có Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; Luật phòng, chống ma túy bảo đảm tính thống nhất đồng bộ, tránh chồng chéo với Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định pháp luật gắn với nguồn lực thực thi. Đối với cấp tỉnh đề nghị bố trí kinh phí kịp thời để triến khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện đã được Thủ tướng phê duyệt, có giải pháp mở rộng triển khai cai nguyện tự nguyện tại cộng đồng, điều trị thay thế bằng methadone, áp dụng một số mô hình cai nghiện tại công đồng có hiệu quả. Đối với địa phương đề nghị bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác cai nghiện, tăng cường nhân lực, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện, tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự của cơ sở cai nghiện, cơ sở xã hội./.

Hoàn Cảnh

 

         

 

TAG: Ðắk Lắk phòng chống tệ nạn xã hội ma Túy Mại dâm
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024