Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Cơ sở cai nghiện ma túy TP Cần Thơ: Chú trọng bảo vệ môi trường góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện
02:28 PM 28/10/2021
(LĐXH) - Không chỉ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ cai nghiện ma túy cho học viên, thời gian qua, Cơ sở Cai nghiện ma túy TP Cần Thơ còn nỗ lực đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid – 19 và xây dựng môi trường đơn vị xanh, sạch, đẹp.
Một buổi tuyên truyền cho học viên tại Cơ sở
Nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, TP Cần Thơ là một trong 4 thành phố trực thuộc Trung ương với 5 quận và 85 đơn vị hành chính cấp xã. Trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, tình hình tệ nạn xã hội ở Cần Thơ và các địa phương lân cận diễn biến rất phức tạp - nhất là tệ nạn ma túy. Có nơi, có lúc, người nghiện sử dụng ma túy gần như công khai và tăng dần theo từng năm, làm ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trước tình hình trên, việc tổ chức cai nghiện, chữa trị và thực hiện các biện pháp dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện là yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, năm 1989, Cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) TP Cần Thơ được thành lập trên cơ sở tiền thân là Trường Vừa học vừa làm Cồn cát thuộc tỉnh Hậu Giang cũ (khi chưa chia tách thành tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ).
Tháng 12/1996, Cơ sở đổi tên thành Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề xã hội, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thời điểm này, tỉnh Cần Thơ có 2 Trung tâm cùng có nhiệm vụ tiếp nhập, chữa trị, cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy, gồm: Trung tâm xúc tiến việc làm và Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề xã hội. Nhằm đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi trong tình hình mới, ngày 27/9/2002, hai Trung tâm trên sát nhập thành Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội theo Quyết định 3001/QĐ-CT.UB. Năm 2004, sau khi chia tách TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội vẫn đóng chân trên địa bàn xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang, nhưng TP Cần Thơ là đơn vị chủ quản. Một lần nữa, ngày 31/3/2011, Cơ sở đổi tên thành Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và Quản lý sau cai nghiện. Cơ sở không chỉ tiếp nhận và quản lý người nghiện ma túy trên địa bàn Cần Thơ mà còn tiếp nhận cả người nghiện của tỉnh Hậu Giang lập hồ sơ đưa vào.
Ngày 10/8/2018, Cơ sở chính thức đổi tên thành Cơ sở Cai nghiện ma túy TP Cần Thơ trực thuộc Sở LĐTB&XH theo Quyết định số 2026/QĐ-UBND của UBND thành phố với 4 chức năng, nhiệm vụ chính là: cai nghiện bắt buộc; cai nghiện tự nguyện; điều trị Methadone; tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý trong thời gian chờ các cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục, lập hồ sơ, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được đơn vị đặc biệt quan tâm
Tính đến thời điểm hiện tại, Cơ sở đang cai nghiện ma túy và giáo dục nghề nghiệp cho 806 học viên (trong đó có 18 học viên tự nguyện) xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Tuy nhiên, họ có một điểm chung là bị ma túy làm biến dạng tâm hồn và hủy hoại nhân cách nghiêm trọng. Khi người nghiện ma túy lên cơn thì họ không từ bất kỳ hành vi nào để được thỏa mãn cơn nghiện, kể cả những hành vi: trộm cắp, cướp của, giết người… Chính vì vậy, hơn 100 cán bộ, CCVC ngoài kiến thức chuyên ngành còn được đào tạo thêm về kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng nắm bắt diễn biến tâm lý học viên mới có thể đảm đương tốt trách nhiệm.
Nhìn những dãy nhà tầng với phòng ốc khang trang, thoáng mát của cơ sơ cai nghiện ma túy này mới cảm nhận hết được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước để tạo lối về cho những người một thời lầm lạc. Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được biết chế độ tiền ăn hàng ngày cho mỗi học viên ở đây lên đến 0,8% mức lương cơ sở (tương đương gần 40 ngàn đồng/người/ngày), vào các dịp lễ tiền ăn tăng gấp 3, ngày Tết tăng gấp 5 ngày thường. Ngoài ra, các nhu yếu phẩm trong sinh hoạt, quần áo của học viên đều được ngân sách đài thọ.
Ngoài việc chữa bệnh thì công tác dạy nghề, tổ chức cho học viên tham gia lao động sản xuất cũng được cơ sở quan tâm đúng mức nhằm tạo cho học viên ý thức trân trọng thành quả lao động, đồng thời giúp cho họ một cái nghề để thuận lợi hơn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ tính riêng trong quí 1/2021, cơ sở đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề tổ chức 02 lớp dạy nghề sửa xe Honda và cấp phát chứng chỉ cho 70 học viên đạt tiêu chuẩn; nghề đan đát ghế nhựa đã giao cho đối tác hơn 7 ngàn thành phẩm… Tổng số lượt học viên tham gia lao động trị liệu tại tất cả các khâu là 28.699 lượt. Song song với đó, Cơ sở còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện như: đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, tổ chức các sự kiện, các chương trình văn hóa, thể thao… để học viên được vui chơi giải trí, nâng cao thể lực ngoài các chương trình chính khóa; tư vấn, trị liệu tâm lý cho học viên cai nghiện, thường xuyên mời các chuyên gia đến nói chuyện nhằm giúp học viên ổn định tư tưởng, tạo ý chí vươn lên và vượt qua mặc cảm về quá khứ lỗi lầm.
Cùng với việc tập trung thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện, Cơ sở cũng đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Sở LĐ-TB&XH TP đã chỉ đạo các cơ sở cai nghiện chủ động triển khai thực hiện và duy trì áp dụng thực hiện mọi biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ cao, với tinh thần "chống dịch như chống giặc"; đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện tốt Thông điệp "5K" của Bộ Y tế. Phối hợp với Trung tâm Y tế quận, huyện nơi đơn vị trú đóng để tổ chức tiêm phòng Covid-19 tới 100% cán bộ, viên chức, người lao động và học viên đang cai nghiện tại đơn vị; thường xuyên rà soát quy trình phòng, chống dịch; đặc biệt là những nơi chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng. Trong bối cảnh cả nước phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh càng được quan tâm, chú trọng. Cơ sở đã triển khai các giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong quá trình triển khai hoạt động, hàng năm, cơ sở đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp để môi trường của đơn vị thực sự xanh- sạch - đẹp. Ban lãnh đạo đã thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở và chủ động triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, nhất là trong quy trình xây dựng, xử lý rác thải sinh hoạt; rác thải y tế; cải tạo, duy trì hoạt động của trạm xử lý nước thải...
Đối với công tác vệ sinh hàng ngày, thành viên các phòng, các Đội quản lý học viên chịu trách nhiệm từng khu vực, quét dọn vệ sinh xong trước giờ làm việc và phân công cán bộ đi kiểm tra công tác vệ sinh môi trường hàng ngày để đôn đốc việc thực hiện.
Việc dọn dẹp vệ sinh buồng ở, khu vực sinh hoạt của học viên được phân công cho từng cán bộ phụ trách để theo dõi, đôn đốc thực hiện nghiêm túc. Việc phân loại các loại rác thải trước khi đem xử lý, đặc biệt là rác thải độc hại được kiểm soát nghiêm ngặt. Đơn vị đã ký hợp đồng vận chuyển rác thải độc hại nguy hiểm (rác thải y tế) với công ty môi trường đô thị để xử lý theo đúng quy định./.

Hồng Phượng
 
 
TAG: Cai nghiện môi trường sạch đẹp
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024