Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái: Môi trường cai nghiện chuyên nghiệp và thân thiện
09:51 AM 21/06/2023
(LĐXH)-Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái là đơn vị trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, nằm trên 2 hòn đảo giữa lòng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình với tổng diện tích 22,6ha. Với những biện pháp cai nghiện khoa học và một môi trường gần gũi thiên nhiên xanh mát, trong sạch, không ma túy, nơi đây là không gian tốt để nhiều người lựa chọn thực hiện hành trình cai nghiện cho mình.
Cơ sở cai nghiện ma túy được chia thành 03 khu: Khu Hành chính nằm trên đất liền, Khu A và Khu B nằm ngoài đảo nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phân loại học viên cai nghiện theo 05 giai đoạn điều trị. Từ khu hành chính mất khoảng 10 phút di chuyển bằng thuyền máy để tới được khu A và B. Khu Hành chính và Khu A có chức năng chính là tiếp nhận, phân loại, cắt cơn, điều trị các bệnh phát sinh thông thường, tiếp nhận học viên từ các khu khác chuyển về điều trị, quản lý học viên tự nguyện và học viên nữ; thực hiện các nhiệm vụ về công tác tổ chức, hành chính, kế toán tổng hợp toàn Cơ sở và thực hiện nhiệm vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Khu B tổ chức các hoạt động trị liệu phục hồi như giáo dục, lao động trị liệu, hướng nghiệp dạy nghề và tư vấn hòa nhập cộng đồng cho các học viên sau khi cắt cơn ổn định ở Khu A chuyển lên.
Toàn cảnh Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái nằm trên ốc đảo giữa lòng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình
Tính đến hết ngày 13/6/2023, số người cai nghiện được Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh quản lý là 778 người cai nghiện, trong đó có 769 bắt buộc, 09 tự nguyện. Số người cai nghiện vào mới Cơ sở từ ngày 01/01/2023 đến 13/6/2023 là 206  người, đạt 80% chỉ tiêu giao kế hoạch giao năm 2023 (206/259).
Theo ông Lê Công Huấn – Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái, các học viên cai nghiện trải qua 5 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là tiếp nhận, phân loại; Giai đoạn thứ hai là điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; Giai đoạn thứ ba là giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; Giai đoạn thứ tư là lao động, trị liệu, học nghề; Giai đoạn cuối cùng là phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Bác sĩ Lê Hồng Thủy cho biết, người bệnh phải trải qua liệu trình cắt cơn 15-20 ngày. Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình cai nghiện. Do trong giai đoạn cắt cơn, người bệnh luôn phải chịu những cơn vật vã, đau đớn nên các nhân viên ở Cơ sở thường xuyên theo dõi sát sao và ở bên cạnh động viên, chăm sóc nhằm giúp đối tượng vượt qua giai đoạn này thành công. Kết thúc giai đoạn cắt cơn, đối tượng tiếp tục trải qua các quá trình điều trị khoa học kết hợp giữa dùng thuốc và chế độ ăn uống, vận động, sức khỏe người bệnh sẽ nhanh chóng hồi phục.
Mỗi ngày, cán bộ, nhân viên của Cơ sở phải chuẩn bị đầy đủ thuốc men, ăn uống, ngủ nghỉ cho từng đó người. 100% đối tượng được khám chữa bệnh khi có nhu cầu, hay trường hợp ốm, đau được đi khám và điều trị kịp thời. Học viên bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của Cơ sở được đưa đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế kịp thời.  
Bên cạnh đó, người bệnh cũng được xét nghiệm sàng lọc HIV. Định kỳ hằng tuần, Cơ sở tổ chức cho học viên sinh hoạt tập thể thông qua các buổi họp buồng, phòng, sinh hoạt Daytop, các đợt tư vấn, tuyền truyền định kỳ về điều trị HIV, tuyên truyền về phòng, chống lao, về tác hại của ma túy và HIV để tránh lây chéo từ người có HIV đến người không có cũng như giúp người bị HIV bớt đi cảm giác không bị phân biệt, kỳ thị. 
Một buổi tư vấn, giới thiệu các chính sách về hỗ trợ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho đối tượng cai nghiện ma túy chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng
Trong giai đoạn lao động, trị liệu, học nghề, Cơ sở luôn sắp xếp học viên vào các tổ đội sản xuất dựa theo  công việc từng làm và nguyện vọng học nghề của mỗi người. Hoạt động lao động, đào tạo nghề cho học viên trong quá trình cai đã giúp người cai nghiện được rèn luyện sức khỏe, học được thêm kỹ năng nghề, quý trọng những thứ mình tự làm nên và biết yêu thương cồng đồng và gia đình mình nhiều hơn. Năm 2022, trong quá trình điều trị cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, có 375 người được dạy nghề (nghề làm tóc giả 120 người; làm mi giả 130 người; đan giỏ nhựa công nghiệp 125 người), 884 lượt người được khám sức khỏe định kỳ; 60 người (chiếm tỷ lệ 8,2% tổng số học viên đang cai nghiện) bị nhiễm HIV được tư vấn,chăm sóc sức khỏe cẩn thận. Cùng với đó, còn có trên 100 học viên đang cai nghiện ma túy tại Cơ sở được tư vấn việc làm. Mới đây, ngày 18/5/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp với Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tổ chức Hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm cho gần 100 người nghiện ma túy chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Tại hội nghị, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn, giới thiệu các chính sách về hỗ trợ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; thông tin thị trường lao động, đào tạo nghề. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước; cung cấp các thông tin tuyển dụng, tuyển sinh của các doanh nghiệp, cơ sở học nghề, giúp các học viên định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm sau khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể cách làm hồ sơ, thủ tục xin việc sau khi đã hoàn thành cai nghiện tại Cơ sở; giải đáp thắc mắc của các học viên xung quanh chính sách hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm, vay vốn tự tạo việc làm sau khi cai nghiện trở về cộng đồng.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái rất chú trọng triển khai tổ chức lao động, trị liệu cho người cai nghiện thông qua các hoạt động thể thao cũng như sản xuất, học nghề, chăn nuôi và trồng trọt
Đặc biệt, một hoạt động trong giai đoạn lao động, trị liệu, Cơ sở còn vận động cán bộ và học viên chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, Cơ sở đã nuôi được 60 con bò, 200 con lợn, 30 con dê, 1.000 con gà, nuôi cá lồng, trồng rau trên diện tích 5.000m2, muối dưa, làm đậu, mùa nước cạn trồng 1 vụ ngô vài héc ta và đến giờ vẫn duy trì tốt hoạt động này. Những hoạt động ý nghĩa này cũng giúp học viên không chỉ giải tỏa được tinh thần căng thẳng, lo âu mà còn đổi được món ăn phong phú, vừa sạch sẽ, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.  
Trong các dịp lễ, Tết, Cơ sở Cai nghiện ma túy luôn tổ chức các giải thi đấu thể thao, văn nghệ, các hoạt động vui chơi, giải trí và lồng ghép các bài học giáo dục về đạo đức, nhân cách, lối sống, tình người, nghị lực sống vào trong mỗi hoạt động đó. tình cảm và diễn biến sức khỏe của họ, từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả hơn. Đón Tết Nguyên đán Xuân Quý Mão năm 2023, tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái có trên 780 học viên đang được điều trị ở lại ăn Tết. Để học viên yên tâm đón Tết, vui xuân đầm ấm và ý nghĩa, Cơ sở đã tổ chức tổng vệ sinh cảnh quan, môi trường trong khu vực, phát quang bụi rậm, quét vôi cây cối, cắt tỉa cây cảnh, trồng hoa  trang trí các khu bằng cành đào, báo tường rất ấn tượng... Đồng thời tổ chức dọn dẹp, bày trí khu vực sinh hoạt, phòng ở của học viên; tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao… Đến với Cơ sở vào dịp Tết Nguyên đán, ai ai cũng cảm nhận nơi đây mùa xuân hiện diện khắp mọi nơi, từng khuôn viên hoa hồng, hoa đào, hoa cúc đua nhau khoe sắc rực rỡ, những vườn hoa, cây cảnh  đâm chồi nảy lộc xanh mướt. Học viên ai nấy đều hứng khởi cùng nhau chuẩn bị đón Tết với đại gia đình mới, gói bánh chưng, ca hát đoàn kết, vui vẻ. Điều đó giúp họ có thêm thật nhiều động lực để vượt qua chính bản thân mình, làm lại cuộc đời.
Với quy trình cai nghiện khoa học và một môi trường luôn được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không khí thoáng mát, trong lành, tách biệt hẳn với xã hội ồn ào, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái đã trở thành địa chỉ được nhiều gia đình tin tưởng lựa chọn cho người nhà đến cai nghiện. Tại đây, học viên được cai nghiện trong môi trường thân thiện, an toàn, sạch sẽ, không có dịch bệnh truyền nhiễm, không có ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng học viên cai nghiện./.

Minh Hằng
 
 
TAG: Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái cai nghiện ma túy quản lý sau cai tái hòa nhập cộng đồng
Tin khác
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng thăm, tặng quà chiến sĩ Điện Biên
TP Hồ Chí Minh: Tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT
Hà Nam: thực hiện đầy đủ chính sách với người cao tuổi
Điện Biên: Chi trả trợ cấp hằng tháng cho 1.055 lượt đối tượng chính sách người có công
Nghệ An: Bảo đảm 100% người có công được chăm lo toàn diện
Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều giải pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững