An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Câu lạc bộ trẻ em khuyết tật (Trung tâm CTXH thành phố Hải Phòng): Giúp trẻ tự tin vươn lên trong cuộc sống
09:58 AM 17/07/2018
(LĐXH) - Định kỳ hàng tháng, tại UBND xã, các em trong Câu lạc bộ trẻ em khuyết tật xã Đại Bản, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng lại tập trung cùng nhau tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ. Đây là hoạt động thường xuyên trong chuỗi hoạt động cam kết giữa Tổ chức Empowerment for All-Japan (gọi tắt là Tổ chức EFA-Nhật Bản) và Trung tâm Công tác xã hội thành phố Hải Phòng thực hiện chương trình viện trợ phi dự án “Hỗ trợ tổ chức và duy trì hoạt động mô hình Câu lạc bộ trẻ em khuyết tật”.
CLB trẻ em khuyết tật xã Đại Bản với sự tham gia của 37 trẻ, các em có độ tuổi và các dạng khuyết tật khác nhau nhưng các em đều có chung một ước muốn, một khát khao được hòa nhập cộng đồng. Đó không chỉ là ước muốn chính đáng của các em mà còn là sự mong mỏi, hi vọng của những người làm cha mẹ, giúp các em có thể rời xa sự hỗ trợ của gia đình, tự tin trong cuộc sống.
Với vai trò là người giám sát, hỗ trợ mô hình, tôi có cơ hội được tham gia trực tiếp cùng các em trong buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ. Chị Quỳnh, chị Yến - cán bộ phụ trách mô hình đã nhìn nhận các em như những trẻ em phát triển bình thường khác, chị hướng dẫn các em không chỉ tham gia các trò chơi vận động tinh, vận động thô để phát triển thể lực mà còn rèn luyện tính kiên trì, tỉ mỉ, nâng cao khả năng khéo léo, sáng tạo của các em thông qua cách làm sản phẩm handmade như làm khung tranh bằng bìa cứng, sử dụng chất liệu gạo và hạt làm tranh theo chủ đề “tự do”… Em M là trẻ chậm phát triển, so với các bạn trong nhóm có phần chậm hơn. Thấy M gặp khó khăn khi làm khung tranh, T liền chủ động giúp bạn cùng hoàn thiện. Hành động bình dị mà ý nghĩa ấy là dư âm giữ mãi trong tôi.
Em T cùng bức tranh handmade sử dụng chất liệu gạo và hạt
Ngắm nhìn sự hào hứng, vui vẻ của các em và sự quan tâm, chăm chú của các bậc phụ huynh khi cùng tham gia hoàn thành bức tranh với các con, tôi mới càng nhận ra ý nghĩa quan trọng của những buổi sinh hoạt như thế này. Hoạt động không chỉ giúp các em hình thành ý thức chia sẻ, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, mà còn giúp cho các em và cha mẹ có thêm thời gian gần gũi bên nhau, chia sẻ với nhau, cảm nhận được sự yêu thương ngọt ngào dành cho nhau. Đây là động lực tiếp thêm sự tự tin cho những đứa trẻ kém may mắn, là ngọn lửa tiếp thêm ý chí, nỗ lực của các bậc sinh thành nuôi dạy các con không lớn.
Phụ huynh tham gia hoàn thành bức tranh cùng các con.
Cử chỉ nhỏ, hành động đơn giản nhưng cảm xúc dâng trào, tôi cảm nhận sâu sắc được niềm vui trong công việc, nghề nghiệp công tác xã hội mà tôi đã lựa chọn. Tham gia buổi sinh hoạt của CLB trẻ em khuyết tật xã Đại Bản đã giúp tôi có một cái nhìn cuộc sống sâu sắc, đa chiều và ý nghĩa hơn.
CLB trẻ em khuyết tật là cầu nối tiếp thêm nghị lực để trẻ khuyết tật vượt lên khiếm khuyết của bản thân, lạc quan, tự tin vươn lên trong cuộc sống, đưa các em đến với những ước mơ bình dị, đời thường. Việc thành lập và duy trì CLB là hoạt động thiết thực, nhân văn, đáp ứng nhu cầu được hòa nhập cộng đồng của trẻ em khuyết tật xã Đại Bản.
Tâm Đan
TAG: Trung tâm CTXH Hải Phòng CLB trẻ khuyết tật nghề CTXH Trẻ Em
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách