Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Cảm phục những tấm gương thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi ở huyện Yên Thế
10:12 AM 22/04/2024
(LĐXH)- Cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập dân tộc, trở về cuộc sống đời thường với nhiều vết thương trên cơ thể, song nhiều thương binh, bệnh binh trên địa bàn huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính, vượt khó vươn lên làm kinh tế, trở thành tấm gương sáng, có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Ở thôn Sỏi, xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế ai cũng ngưỡng mộ tấm gương thương binh hạng 2/4 Nguyễn Hồng Ngọc với trên 30 năm phát triển kinh tế gia đình bằng nghề trồng cây cảnh.
Trong tâm trí của mình, ông vẫn nhớ như in những ngày được tự hào đứng trong quân ngũ. Tháng 2/1984, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai 20 tuổi Nguyễn Hồng Ngọc tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang).
Trong quá trình chiến đấu, ông bị thương vào đầu, mặt, bàn tay. Sau khi được điều trị ổn định, ông trở về quê hương năm 1988 với tỷ lệ mất sức lao động 63%.
Mang trong mình vết thương, sức khỏe không đảm bảo, luôn phải chịu đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, nhưng người lính trẻ Nguyễn Hồng Ngọc đã không nản chí mà luôn cần mẫn, chăm chỉ vươn lên làm chủ cuộc sống.
Đầu những năm 1990, kinh tế gia đình còn rất khó khăn. Ông xác định không thể bươn chải với đồng ruộng được mà tìm hướng đi mới, phù hợp với sức khỏe và môi trường ở địa phương. Do đó ông đã tự tìm tòi, học hỏi để phát triển nghề trồng cây cảnh.
Ông Nguyễn Hồng Ngọc đang tạo dáng cho cây cảnh
Ông chia sẻ: “Đây là hướng đi mới nên ban đầu khó khăn, bởi khi trở về với hai bàn tay trắng, vết thương khiến nhiều ngón tay không thể co được. Lúc đó, phong trào trồng cây cảnh còn ít, nên nhiều người không dám làm. Khi tôi làm, anh em họ hàng còn tỏ ra nghi ngờ, bảo tôi đi không đúng hướng”.
Với lòng đam mê cùng với ý chí quyết tâm của người lính, từ những cây nguyên liệu đơn giản, qua thời gian dài tạo tác, cắt tỉa, chăm sóc đã trở thành những tác phẩm giàu sức sống, đẹp mắt, phù hợp với thị hiếu của người thưởng ngoạn và được thị trường đón nhận.
Ông đã không ngừng sáng tạo, tìm tòi, học hỏi các thế hệ nghệ nhân đi trước, cũng như trên sách báo, Internet và từ kinh nghiệm thực tế để làm phong phú thêm cho sản phẩm của mình.
Đến năm 2000, ông mới thực sự thành công, từ đó kinh tế gia đình ngày một khá hơn. Đến nay, ông đã tạo dựng cho mình một cơ sở nhà vườn cho thu nhập ổn định, mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.
Thương binh Nguyễn Hồng Ngọc tâm sự: “Thú vui lớn nhất của tôi là được thả hồn cùng vườn cây cảnh, được hòa mình vào thiên nhiên. Tôi coi việc chăm sóc, tạo thế cây là cách nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo của mình. Một cái cây mình khuất phục được thành công mang sẽ lại hạnh phúc rất lớn lao cho người trồng”.
Không chỉ năng động trong lao động sản xuất, ông còn hăng hái tham gia các phong trào của địa phương. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Sỏi, ông thường xuyên giúp người dân làm kinh tế cũng như vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Trên địa bàn huyện Yên Thế hiện có trên 20 hội viên đi theo hướng kinh doanh trồng cây cảnh, có thu nhập khá như ông Ngọc.
Giống như tấm gương thương binh Nguyễn Hồng Ngọc, ông Nguyễn Thành Chung, sinh năm 1956, ở Tổ dân phố Phan – thị trấn Phồn Xương, là bệnh binh mất 61% sức khỏe, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, cũng là một tấm gương tiêu biểu vươn lên thoát khỏi đói nghèo, làm giàu cho quê hương.
Ông Nguyễn Thành Chung trong vườn cây gia đình
Xuất ngũ trở về địa phương tháng 12/1986, con còn nhỏ, điều kiện kinh tế chỉ dựa vào mấy sào ruộng, cùng với vết thương trên cơ thể thường xuyên tái phát nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống. Song bằng đôi bàn tay và ý chí và quyết tâm vươn lên, ông Chung đã khai phá trên 1,5 ha vườn đồi đưa vào trồng bạch đàn lấy gỗ, sau đó chuyển sang trồng vải thiều. 
Đến năm 2017, ông phát triển thêm 6 vạn cây dứa lai về trồng, mỗi năm dứa cho thu hoạch 2 đợt, mỗi đợt khoảng trên 10 tấn quả, mang lại thu nhập bình quân khoảng hơn 70 triệu đồng. Ngoài ra, ông trồng 150 cây mít Thái, 100 cây bưởi Diễn, 60 cây nhãn Lồng, nuôi thêm 04 lợn nái, 15 đàn ong lấy mật… mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm….
Không chỉ sản xuất, chăm nuôi giỏi, bệnh binh Nguyễn Thành Chung còn luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào tại cơ sở; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế; là một tấm gương tiêu biểu của tổ dân phố, được nhân dân kính trọng và học tập.
Ông Nguyễn Đức Quyên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Yên Thế cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao những tấm gương thương, bệnh binh, cựu chiến binh ở huyện. Họ không những làm kinh tế giỏi mà còn còn giúp đỡ rất nhiều hội viên khác vươn lên. Các hội viên luôn đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ"./.
Hồng Hà
TAG: gương người có công thương binh tiêu biểu
Tin khác
Điện Biên: Chi trả trợ cấp hằng tháng cho 1.055 lượt đối tượng chính sách người có công
Nghệ An: Bảo đảm 100% người có công được chăm lo toàn diện
Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều giải pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang