Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống dịch nCoV cho người lao động
08:17 AM 02/02/2020
(LĐXH)- Ngay sau Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) với lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các Bộ, ban, ngành về việc thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch diễn ra sáng 1/2, chiều cùng ngày, tại trụ sở Bộ Lao động - TBXH đã tổ chức cuộc họp bàn để triển khai các biện pháp chống dịch nCoV cho người lao động.
Tham dự có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ như Văn phòng Bộ, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Vụ hợp tác Quốc tế, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, Cục Bảo trợ xã hội…
Thứ trưởng Lê Văn Thanh chủ trì cuộc họp khẩn bàn các biện pháp phòng chống dịch nCoV cho người lao động
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, cho biết: Việc phòng, chống dịch bệnh nCov được Chính phủ xác định là rất khẩn cấp, nguy cơ rất cao. Do vậy, Chính phủ đã ban hành liên tiếp hai chỉ thị 05 và 06, thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch và yêu cầu các địa phương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương. “Ngành Lao động - TBXH cũng xác định đây cũng là nhiệm vụ  rất lớn và tác động đến nhiều hoạt động của ngành” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nhấn mạnh.
Theo ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, trao đổi: Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ, Cục Việc làm đã yêu cầu các  Trung tâm Dịch vụ việc làm tạm dừng tổ chức tất cả các hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm đầu năm. Trường hợp người lao động đến nộp hồ sơ, làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp hay tư vấn xin việc cũng phải thực hiện các biện pháp phòng chống dich của Bộ Y tế.
Thống kê cho thấy, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khoảng 90.000 người, trong đó số lao động Trung Quốc làm việc ở Việt Nam là 29.035 người, chiếm 31,73% tổng số lao động nước ngoài ở Việt Nam. Dịp Tết vừa qua, phần lớn số lao động Trung Quốc ở lại Việt Nam, chỉ một số địa phương có người Trung Quốc về nước ăn Tết rồi quay trở lại Việt Nam như Quảng Ninh có 750 người, các huyện của các tỉnh có đường biên giới với khoảng 1.700 lao động qua lại trong dịp Tết.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh công tác phòng chống dịch phải được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt
“Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - TBXH, các địa phương đã và đang tiến hành rà soát số lao động Trung Quốc đang làm việc trên địa bàn, giám sát số lao động quay trở lại Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết và có biện pháp phòng bệnh và theo dõi, cách ly nếu người lao động biểu hiện mắc bệnh” – ông Tào Bằng Huy, cho biết.
Với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Cục Quản lý Lao động ngoài nước thông tin, tại các nước tiếp nhận lao động Việt Nam đều đã xác nhận có các ca nhiễm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan…
Đại diện Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp cho biết, đơn vị cũng đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai các biện pháp phòng, chống  dịch như: thực hiện công tác vệ sinh, các hoạt động truyền thống của các trường trong tháng 2 như: tết trồng cây và ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp cũng tạm hoãn đến tháng 3. Hiện một số trường ở Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh đã tạm lùi thời gian nhập học.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Mạnh Cường cho biết sự di chuyển giữa các nước ASEAN không mang tính chất báo động
Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, cho biết: Các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm điều dưỡng người có công với cách mạng... là những nơi ít chịu ảnh hưởng do không có sự giao lưu từ các vùng dịch. Tuy nhiên, Cục Bảo trợ Xã hội cũng đã khuyến nghị các cơ sở bảo trợ xã hội phối hợp thực hiện công tác vệ sinh, sát khuẩn, không tập trung đông người và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế, phối hợp cùng ngành y tế theo dõi sát sức khỏe của các đối tượng…
Liên quan đến công tác phòng chống dịch cho người lao động trong thời gian tới, các đại biểu tham dự cuộc họp cho rằng, cần tăng cường giám sát chặt chẽ lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam và cả người lao động Việt Nam ở Trung Quốc về nước. Trong đó, đối với số lao động Việt Nam qua lại biên giới Trung Quốc để làm việc, ngoài các biện pháp kiểm soát vượt biên qua các đường tiểu ngạch, các địa phương cũng phải rà soát lại số lao động này và  tăng cường công tác tuyên truyền đến với người dân để họ không sang Trung Quốc vào thời điểm này.
Qua đánh giá của Chính phủ và thảo luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nhấn mạnh: Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra đang lây nhiễm rất nhanh, nghiêm trọng và đã ở mức rất cao tại Trung Quốc. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Việt Nam có nguy cơ rất cao bùng phát dịch lớn do có đường biên giới dài với Trung Quốc, lưu lượng người qua lại, giao thương lớn, khách du lịch, lao động Việt Nam làm việc tại Trung Quốc và lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam đông.
Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy thông tin về tình hình lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam
“Phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp nCoV là khẩn cấp, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Do vậy, chúng ta phải lường trước tình huống xấu nhất và phải quyết liệt trong công tác phòng chống dịch theo đúng quan điểm của Thủ tướng là sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người dân. Có những việc như doanh nghiệp ngừng tiếp nhận lao động Trung Quốc hay doanh nghiệp tạm dừng đưa lao động đi nước ngoài làm việc cũng sẽ bị thiệt hại về kinh tế, nhưng chúng ta vẫn buộc phải làm để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe, tính mạng người lao động. Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định công bố dịch, tức là đã công bố tình trạng khẩn cấp về y tế. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch phải được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt” – Thứ trưởng Lê Văn Thanh, cho biết.
Liên quan đến các công việc cụ thể, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, đối với lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam thì tạm dừng cấp phép mới cho đến khi tình hình dịch được kiểm soát. Đồng thời, cần khuyến cáo mạnh mẽ doanh nghiệp có lao động Trung Quốc về quê ăn Tết không nên quay trở lại Việt Nam, những người đã quay trở lại phải được cách ly theo dõi theo quy định, phối hợp với Sở Y tế giám sát chặt chẽ và có báo cáo thường xuyên. Yêu cầu Sở Lao động - TBXH, các địa phương và doanh nghiệp có sử dụng lao động Trung Quốc lập danh sách đầy đủ, cụ thể báo cáo tổng số lao động Trung Quốc và số người về nước ăn Tết cũng như kiểm soát chặt chẽ số người quay trở lại Việt Nam.
Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội đề xuất ý kiến tại cuộc họp
Đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cần thường xuyên theo dõi tình hình tại các nước tiếp nhận, có thể tạm lùi thời gian xuất cảnh nếu thấy cần thiết. Đồng thời, cần tuyên truyền để người lao động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để tự bảo vệ mình và tránh lây nhiễm cho cộng đồng…
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần khử trùng các lớp học; nếu phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể cho học sinh nghỉ học hoặc chủ động đề xuất các biện pháp cần thiết để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm điều dưỡng người có công với cách mạng phối hợp tiến hành phun thuốc khử trùng và có biện pháp phòng chống dịch. Các cơ quan báo chí của Bộ tăng cường công tác thông tin truyền thông về dịch bệnh từ Bộ Y tế, Chính phủ. Giao Văn phòng Bộ làm đầu mối nắm bắt thông tin, tổng hợp và có báo cáo thường xuyên về tình hình dịch bệnh.

Chí Tâm

TAG: Bộ Lao động - TBXH Thứ trưởng Lê Văn Thanh cấp bách phòng chống dịch nCoV người lao động TRung Quốc
Tin khác
Hà Nội: Lan tỏa ý thức, trách nhiệm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sản xuất
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024
Cà Mau: Nhiều lao động được giải quyết việc làm trong tháng 4/2024
Bến Tre: Quan tâm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động
Xử lý nghiêm vụ tai nạn lao động tại Yên Bái
Long An: Sôi động hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngay từ những ngày đầu năm 2024
Lào Cai: Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần tới thân nhân người bị tai nạn lao động tại Yên Bái
Hơn 6.000 việc làm tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương