Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Bình đẳng giới phải thực chất - Bài cuối: “Chìa khóa” thúc đẩy bình đẳng giới
05:04 PM 12/12/2018
Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới. Tuy nhiên, việc bảo đảm bình đẳng giới thực chất vẫn đang gặp nhiều thách thức cần giải quyết từ nhận thức đến xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý.


>> Bài 1: Những rào cản vô hình


>> Bài 2: Khoảng cách về cơ hội việc làm và lương


Bắt đầu từ nhận thức

Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) Ngô Thị Thu Hà cho rằng, vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và được đánh giá là một động lực và mục tiêu phát triển quốc gia. Như vậy, về mặt chính sách đã khá đầy đủ song việc thực hiện còn đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Để thực hiện được mục tiêu này cần phối hợp nhiều yếu tố khác nhau, trong đó bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức, đặc biệt là từ trong gia đình.
“Gia đình là nơi định hình các quan hệ giới, truyền tải những chuẩn mực về giới và quyết định những cơ hội cho các thành viên gia đình. Gia đình là nơi đưa ra các quyết định cơ bản như số con, việc nuôi dạy con, phân bố thời gian và nguồn lực sản xuất… Có thể nói, gia đình đóng vai trò quan trọng trong nhận thức và thực hiện bình đẳng giới. Do vậy, quyền trẻ em, phụ nữ cần được tôn trọng ngay trong gia đình là nền tảng để thúc đẩy bình đẳng ở ngoài xã hội” - bà Ngô Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hà, bên cạnh tăng cường giáo dục thì chìa khóa để thúc đẩy bình đẳng giới về mặt luật pháp là cần phải hình sự hoá tất cả các hành vi bạo lực với người khác dù là người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay người không quen biết. Tòa án và các cơ quan chức năng cần xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với người gây bạo lực, dù gây bạo lực với ai.
Đồng quan điểm, TS. Ngô Thị Hường, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh mà bạo lực gia đình còn diễn ra khá phổ biến mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ thì có thể thấy gia đình là nơi tập trung chủ yếu nhất của sự áp bức đối với phụ nữ. Do vậy, hướng tới gia đình không có bạo lực là một trong những mục tiêu của bình đẳng giới. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi thành viên gia đình phải tôn trọng các quyền cá nhân của các thành viên khác đã được pháp luật công nhận. Mặt khác, mỗi thành viên gia đình phải được đối xử công bằng; mọi hành vi phân biệt dựa trên cơ sở giới đều được xóa bỏ.
… đến hoàn thiện khung khổ pháp lý

Thực hiện công tác tổng kết và đánh giá 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, 10 năm thực hiện Nghị Quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Diễn đàn quốc gia về Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập nhằm trao đổi tình hình xây dựng và thực hiện, chính sách pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam và định hướng thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập.

Đồng tình với quan điểm “gia đình bình đẳng thì xã hội mới bình đẳng” nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy bình đẳng giới cần xây dựng khung pháp luật hoàn chỉnh và đầy đủ. Nhà nước và các ngành chức năng cần có những chế tài mạnh mẽ thực hiện quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp. Đưa vấn đề giới lồng ghép vào xây dựng và sửa đổi các bộ luật để vấn đề bình đẳng giới được bảo vệ và nhìn nhận toàn diện hơn.
Đơn cử như việc sửa đổi Bộ luật Lao động sắp tới là cơ hội để tăng cường khung pháp lý của Việt Nam nhằm hỗ trợ bình đẳng giới và quyền lao động của phụ nữ. Việc bảo đảm công việc phù hợp cho tất cả người lao động ở Việt Nam sẽ tạo ra những nơi làm việc công bằng và hiệu quả, hỗ trợ khả năng cạnh tranh kinh tế của Việt Nam trong thế giới công việc ngày càng thay đổi.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Lao động là cơ hội để giải quyết các khuyến nghị của Ủy ban Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) bao gồm việc áp dụng cùng tuổi nghỉ hưu bắt buộc cho phụ nữ và nam giới, xem xét và giảm danh sách các nghề cấm phụ nữ tham gia. Bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm không chỉ là vấn đề về quyền bởi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bình đẳng giới góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy nền kinh tế và phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt nhấn mạnh, trên cơ sở nghiên cứu thực tế và kinh nghiệm các nước, đã đến lúc cần nghiên cứu thay đổi cách tiếp cận xây dựng các quy định từ cách tiếp cận “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới” đối với các lao động nam và lao động nữ.    

 Thái Yến

 

TIN LIÊN QUAN
TAG: CEPEW bình đẳng giới bộ luật lao động UN Women CEDAW Nghị Quyết 11-NQ/TW bao
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách