Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Bình đẳng giới ở Việt Nam giống như cốc nước “Nửa đầy, nửa vơi”
04:19 PM 13/09/2018
(LĐXH) – Đó là phát biểu của bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc Hội tại Hội thảo chuyên đề “Nữ lãnh đạo và quản lý trong tình hình mới” vào sáng ngày 13/9 do Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trịnh Minh Chí, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ LĐ-TBXH nhấn mạnh: Trong những năm qua, công tác cán bộ nữ, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá- xã hội, khoa học – công nghệ, xây dựng Đảng, Chính quyền và hợp tác quốc tế. Phụ nữ các dân tộc, các tôn giáo, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, trên cương vị của người lãnh đạo, quản lý hay người lao động... đã đoàn kết, thi đua phát huy sức mạnh nội lực, tham gia thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế – xã hội của đất nước.
Ông Trịnh Minh Chí, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phát biểu khai mạc Hội thảo
Địa vị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của phụ nữ Việt Nam ngày được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện về nhiều mặt, sức khoẻ phụ nữ, trẻ em được nâng cao. Trong bối cảnh xã hội có nhiều cơ hội tốt đẹp cho lao động và học tập, không ít phụ nữ Việt Nam đã phấn đấu vươn lên không ngừng về mọi mặt, tạo cho mình những hành trang mới để sánh bước cùng cộng đồng khu vực và thế giới. Phụ nữ ngày càng chủ động, tự tin hơn trong lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, năng động, sáng tạo trong kinh tế thị trường.
Để chăm lo công tác cán bộ nữ, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách  như: Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mớ”; Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16-5-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”; Nghị quyết 11 - NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”… Những quan điểm đó đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai, quán triệt và lấy làm kim chỉ nam trong việc thực hiện công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng. Đó là những cơ sở pháp lý và lý luận vững chắc, tạo nền tảng cho việc thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực chính trị và đạt được những kết quả trong thực tiễn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Bà Vũ Phương Ly, cán bộ cấp cao của UN Women chia sẻ: Bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, cơ hội để phụ nữ có tiếng nói và tham gia tiếng nói ở mọi cấp ra quyết định đã được thừa nhận ở cấp toàn cầu, coi đó là yếu tố sống còn góp phần làm cho xã hội được tươi sáng và bền vững hơn. Với sự tham gia của họ ngày càng nhiều trong khu vực công, họ có thể thể hiện tốt hơn những vấn đề liên quan đến vấn đề sinh sản, chăm sóc con cái, trả lương công bằng, cha nghỉ sinh con và các chế độ hưu trí, cao hơn là các vấn đề về xóa đói giảm nghèo và cung cấp dịch vụ...
Tuy nhiên trên thực tế, tại Việt Nam, phụ nữ tham gia vào bộ máy lãnh đạo từ TW đến địa phương, còn quá khiêm tốn. Những người phụ nữ làm chính trị luôn bị “soi xét” ở nhiều khía cạnh, khiến cho con đường thăng tiến của họ luôn “gập ghềnh, chông gai”. Theo đánh giá của Tạp chí Forbes Việt Nam năm 2017, trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất ở Việt Nam, chỉ có 8 phụ nữ hoạt động trên lĩnh vực chính trị. Tại 63 tỉnh, thành, người đứng đầu cấp ủy (Bí thư tỉnh ủy) cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tính đến hết tháng 8/2017, có 12/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt, gồm: 10/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 02/08 cơ quan thuộc Chính phủ, đạt tỷ lệ 40% (giảm 7% so với năm 2015); 16/63 địa phương có lãnh đạo chủ chốt (25,39%). Riêng những địa phương cấp huyện có tỷ lệ cán bộ nữ đạt 20% trở lên có các tỉnh Bình Dương (24,24%), TPHCM (22,45%), Ninh Bình (20,69%)… 
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, công cuộc bình đẳng giới trên thế giới hiện đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới lại như cốc nước “nửa đầy, nửa vơi”. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được đã được phản ánh qua những con số thống kê, tuy nhiên, trên thực tế thì họ vẫn còn quá nhiều rào cản cần phải được gỡ bỏ. Không chỉ gặp rào cản vô hình là tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, không thích lãnh đạo là nữ, kèm theo tư tưởng tự ti, khiêm nhường… của chị em, trên con đường thăng tiến, phụ nữ còn gặp các rào cản hữu hình như quy định về độ tuổi nghỉ hưu, tuổi đề bạt, tiêu chuẩn “kép” để phụ nữ ứng cử như dân tộc thiểu số, người trẻ… Tất cả những rào cản đó đã “kéo’ lùi sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam trên con đường tham chính.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh phát biểu tại Hội thảo
“Truyền thông là công cụ đóng vai trò quan trọng trong việc đề cập đến trách nhiệm và vị thế của phụ nữ. Truyền thông chỉ hiệu quả khi nó tạo được sự tác động tích cực đến hình ảnh phụ nữ trong tham chính; giúp họ xóa bỏ được hình ảnh có định kiến giới, giúp cho nam nữ bình đẳng hơn trong các lĩnh vực; làm thay đổi các chính sách, từ đó tác động đến tỷ lệ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị. Đặc biệt, hình ảnh người phụ nữ trong các thước phim quảng cáo ở nước ta hiện nay hầu như chưa được các cơ quan báo chí truyền hình chú trọng phát huy đến. Hầu hết vai trò của họ trong các quảng cáo còn khá mờ nhạt, chưa tạo được tính đột phá. Điều này ngày càng làm tăng định kiến giới cho rằng, phụ nữ cũng chỉ đến thế mà thôi...”. Bà Ninh nhấn mạnh.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
Đề cập về ảnh hưởng của truyền thông đối với hình ảnh phụ nữ trong tham chính, lãnh đạo, Bà Đặng Thị Hoa Rây, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang cho rằng, công tác truyền thông ở lĩnh vực chính trị đòi hỏi tác động của truyền thông cần mang lại sự cân bằng về giới, bảo vệ và thúc đẩy quyền binh đẳng của phụ nữ tham gia vào các hoạt động này. Tuy nhiên, hình ảnh người phụ nữ trong tham chính, lãnh đạo hiện nay vẫn còn một số rào cản như thiếu sự mạnh mẽ, kiên quyết, chưa dứt điểm trong việc ra quyết định, quan niệm “nam trưởng, nữ phó” khiến phụ nữ ít được ủng hộ vào các vị trí lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn.
Bà Đặng Thị Hoa Rây, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh An Giang chia sẻ về ảnh hưởng của truyền thông đối với phụ nữ trong tham chính
Có thể khẳng định, bình đẳng giới trong tham chính đối với phụ nữ rất cần sự ủng hộ quyết liệt, từ những quan điểm, chính sách cụ thể mang tính “cởi trói” cả trong tư duy lẫn thực tế. Đồng thơi, việc tăng cường sự tham gia của họ trong lĩnh vực chính trị phụ thuộc rất nhiều vào sự thay đổi thái độ, hành vi, chuẩn mực và những cải cách về mặt thể chế...
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG: bình đẳng giới phụ nữ tham chính nữ lãnh đạo
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách