An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
An Giang tăng cường đối thoại chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
10:39 AM 24/03/2021
(LĐXH) – Thời gian qua, tỉnh An Giang đã chú trọng đối thoại với doanh nghiệp về chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong đó có các chính sách về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
Những năm qua, tỉnh An Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATVSLĐ thông qua nhiều hình thức phong phú. Ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, truyền thanh nội bộ để thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn tỉnh. Qua đó sẽ thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cải thiện điều kiện lao động trong các cơ sở, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn về các chính sách, pháp luật về ATVSLĐ nói chung và các chính sách về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Giúp cho doanh nghiệp thực hiện ngày một tốt hơn các chính sách ATVSLĐ và người lao động hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó chấp hành tốt hơn các quy định làm việc an toàn. Trong năm 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với sự tham gia của hơn 90 doanh nghiệp trên địa bàn.
Quảng cảnh Hội nghị đối thoại chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với doanh nghiệp
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến nội dung các văn bản mới như Nghị định số 58/2020/NĐ-CP quy định mức đóng vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Qua đó, giúp cho người sử dụng lao động, các cán bộ làm công tác tổ chức lao động, ATVSLĐ trong các doanh nghiệp nắm vững và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, giải quyết tốt chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Với việc triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, đã góp phần làm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy định pháp luật về ATVSLĐ của người lao động trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc đảm bảo an toàn; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; Tiến hành rà soát, bổ sung thực hiện kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình biện pháp đảm bảo ATVSLĐ. Cải thiện điều kiện lao động và biện pháp kỹ thuật ATVSLĐ. Thực hiện tự kiểm tra máy, thiết bị phục vụ sản xuất đề phòng sự cố, nguy cơ mất an toàn trong lao động sản xuất. 
Trong đó phải kể đến công ty Công ty Cổ phần Xây dựng Bách Khoa (thành phố Long Xuyên) đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bách Khoa khẳng định: "Vấn đề ATVSLĐ đối với các công trình xây dựng do công ty thực hiện được quan tâm hàng đầu. Từ khi làm hồ sơ đấu thầu đã đưa giải pháp an toàn lao động, chất lượng và hiệu quả, thi công đảm bảo theo yêu cầu nghiêm ngặt về tiến độ, chất lượng và mỹ quan.” Hiện nay, công ty đang thi công hơn 10 công trình với hơn 600 công nhân, trong đó có công trình lớn, cao tầng như: UBND thành phố Long Xuyên và Nhà thi đấu thành phố Châu Đốc... Tất cả các công trình trước khi khởi công đã được rào chắn, lặp đặt biển báo, đèn tín hiệu cảnh báo đêm. Khi vào thi công, lực lượng công nhân bắt buộc phải được trang bị bảo hộ lao động: nón bảo hộ, găng tay, quần áo công nhân... Khi lao động trên cao phải thắt dây an toàn thực hiện đảm bảo an toàn lao động. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật xuyên suốt kiểm tra, nhắc nhở các vi phạm về ATVSLĐ và phòng, chống cháy nổ trong quá trình thi công. Đồng thời, xử lý nghiêm công nhân không thực hiện đúng quy định. Đây là tiêu chí ban tổng giám đốc luôn quan tâm, cùng với tiến độ, chất lượng và mỹ quan đối với từng công trình công ty thực hiện.
Trong thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATVSLĐ; tăng cường thanh, kiểm tra công tác ATVSLĐ và có những biên pháp xử lý kiên quyết với các đơn vị chưa thực hiện nghiêm công tác ATVSLĐ, góp phần hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo an toàn cho người lao động./.
Hưng Cảnh
TAG: ATVSLĐ An GIang tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp
Tin khác
Cà Mau: Nhiều lao động được giải quyết việc làm trong tháng 4/2024
Bến Tre: Quan tâm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động
Xử lý nghiêm vụ tai nạn lao động tại Yên Bái
Long An: Sôi động hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngay từ những ngày đầu năm 2024
Lào Cai: Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần tới thân nhân người bị tai nạn lao động tại Yên Bái
Hơn 6.000 việc làm tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động