Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Yên Bái nâng cao công tác quản lý người nghiện sau cai
11:10 AM 12/06/2018
(LĐXH)- Người nghiện cắt cơn không khó, vấn đề quan trọng nhất là tạo nghề cho học viên để khi về nhà họ có thể tìm được việc làm ổn định, có thu nhập, tránh xa tệ nạn và tái nghiện.
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhìn chung công tác cai nghiện ma túy đã có hiệu quả nhất định, hầu hết số người nghiện ma túy đã cắt cơn, phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên công tác quản lý người nghiện và hỗ trợ giải quyết việc làm sau cai còn hạn chế, do vậy tỷ lệ tái nghiện còn cao.
Nhiều học viên không nhớ nổi số lần đi cai
Phóng viên gặp anh Hà Khánh Trung, 51 tuổi ở huyện Lục Yên ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái. Nghiện thuốc phiện từ khi còn trẻ, nay anh lại sử dụng cả ma túy tổng hợp. Anh không nhớ nổi đã đi cai nghiện bao nhiêu lần, bởi cứ ra “trại” được một thời gian anh lại tái nghiện do bị bạn bè rủ rê.
“Tôi biết là vợ con rất khổ, tiền kiếm không ra nhưng mắc nghiện thì ngày nào cũng phải có vài trăm nghìn. Vì thế gia đình viết đơn tình nguyện để tôi vào đây cai vì ở nhà không đáp ứng được” - anh Trung nói.  
Cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy Yên Bái thăm hỏi, động viên các học viên
Anh Trung là một trong những học viên đang trong giai đoạn điều trị cắt cơn tại Cơ sở. Rất nhiều trong số họ cho biết đã tái nghiện nhiều lần, mặc dù lúc nào cũng tỏ rõ ý chí quyết tâm khi đi cai để sớm trở về hòa nhập cộng đồng. Nguyên nhân một phần do bản lĩnh không vững vàng, một phần - theo người nghiện - là do hoàn cảnh xã hội. Đa số người nghiện đều mong muốn sau cai sẽ có sức khỏe tốt, có công ăn việc làm ổn định để kiếm sống, tránh xa ma túy.
Tạo cho người nghiện “cần câu” sau cai
Ông Lê Công Huấn - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Yên Bái khẳng định, đào tạo nghề cho học viên trong quá trình cai nghiện rất quan trọng, điều này giúp họ vững tin sau khi trở về, có thể kiếm việc làm, không còn mặc cảm với xã hội. Cơ sở đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho học viên, trong đó có nghề mộc, nề, nông nghiệp, chăn nuôi...   
Anh Nguyễn Tiến Tài, 48 tuổi ở xã Sơn Thịnh, Văn Chấn cho biết, anh vào Cơ sở cai nghiện đã được 2 tháng. Ở nhà làm nông nghiệp và biết chút ít nghề mộc. Vào đây, anh được một số anh em học viên hướng dẫn thêm về nghề nên bây giờ các đường bào, đôi tay đục đẽo đã thuận thục hơn.
Tổ mộc của anh hiện có trên 30 học viên, có một số rất thạo nghề, khéo tay, có thể vận hành được máy móc, nên người biết chỉ cho người chưa biết cùng làm. Nguyên vật liệu, dụng cụ, mẫu mã được Cơ sở cung cấp. Anh hy vọng hết thời gian cai nghiện, trở về có thể tự mở xưởng mộc, thu hút thêm lao động là người sau cai, cùng giúp nhau làm ăn và đặc biệt là tránh xa ma túy.
Ông Lê Công Huấn khẳng định, quản lý sau cai là vô cùng quan trọng, bởi môi trường sống trên địa bàn chưa thực sự “sạch” ma túy. Ở vùng cao, số người nghiện thuốc phiện giảm, nhưng số người nghiện heroin và ma túy tổng hợp ngày càng tăng và trẻ hóa, do đó để tránh xa tệ nạn là vô cùng khó khăn đối với người từng cai nghiện.
Học viên tại xưởng mộc của Cơ sở cai nghiện ma túy Yên Bái
Lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy Yên Bái nhấn mạnh, để tránh tính trạng tái nghiện, cần phải có sự tổng hòa các yếu tố, phải có sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương. Bản thân người cai nghiện phải rất nỗ lực, có ý chí, bản lãnh, gia đình và cộng đồng cũng phải quan tâm, động viên người cai nghiện duy trì nếp sống, tác phong lành mạnh.
Đặc biệt, khi học viên trở về, anh em cần được tạo công ăn việc làm ổn định, tránh để họ có thời gian nhàn rỗi cũng như có điều kiện giao tiếp với bạn bè cũ. Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn cũng không nên kỳ thị đối với quá khứ của người nghiện mà từ chối họ vào làm việc. Các cấp, các ngành nên truyên truyền, vận động để người dân thay đổi cách nhìn về người nghiện ma túy, không nên xa lánh họ. Nếu bản thân người nghiện quyết tâm, cùng với sự chung tay của gia đình, cộng đồng, thì công tác cai nghiện mới thành công.
Được biết, năm 2018 Yên Bái giao chỉ tiêu cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh là 200 học viên, mở rộng hình thức cai nghiện tự nguyện và điều trị thay thế; thực hiện các nội dung của Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái đến năm 2020”; duy trì điều trị Methadone cho 170 bệnh nhân tại cơ sở điều trị thuộc Chi cục và 50 bệnh nhân điều trị Methadone tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh./.
Dương Thìn
TAG: nghiện ma túy Cai nghiện
Tin khác
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công
Gần 500 nghìn hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được tiếp nhận qua cổng dịch vụ công quốc gia
TP.HCM: Vẫn còn một số đơn vị gặp khó trong việc kê khai hồ sơ thu BHXH, BHYT, BHTN..
Quân khu 7 tổng kết thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy tập hài cốt liệt sĩ
Bàn giao nhiều di vật, kỷ vật cho các gia đình liệt sĩ ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
Dự án “Thả lưới ước mơ” – thêm điều kiện biến những ước mơ của trẻ em thành hiện thực
Quận Hoàn Kiếm khám bệnh miễn phí cho hơn 500 người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo
Hội đồng hương huyện Diễn Châu tại TPHCM trao tặng 250 triệu đồng hỗ an sinh xã hội cho quê nhà