An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Yên Bái ban hành nhiều chính sách giảm nghèo đặc thù tại các huyện 30a
09:39 AM 22/09/2020
(LĐXH)- Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a, ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương để thực hiện Chương trình, trong đó bao gồm các đối tượng hưởng lợi tại các huyện 30a (Trạm Tấu và Mù Cang Chải).
Những năm qua, UBND tỉnh Yên Bái đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp xóa đói, giảm nghèo tại các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và quy định các chính sách có liên quan đến công tác giảm nghèo tại các huyện này, trong đó có nội dung chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Trong đó, với việc triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh  tế - xã hội trên địa bàn 2 huyện được tập trung đầu tư, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt…; tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện tiếp cận thị trường để từ đó phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống. 
Mô hình trồng hồng không hạt của ông Thào A Phổng, xã Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải) giúp gia đình thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng đã có tác động trực tiếp đến phát triển sản xuất, tăng thu nhập của người dân, từng bước cải thiện điều kiện và chất lượng y tế giáo dục cho nhân dân. Theo đó, đã thực hiện đầu tư làm mới và duy tu bảo dưỡng cho 219 công trình, trong đó đầu tư 139 công trình khởi công mới; duy tu bảo dưỡng 80 công trình, qua đó đã góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, điện, trường, trạm…
Các công trình giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm xã đã được đầu tư đầy đủ. Theo quy hoạch, 100 số xã thuộc 2 huyện nghèo đã có đường ô tô đến trung tâm xã, trên 85% đi lại được bốn mùa; 100% số trung tâm xã đã có điện, xe máy đã đến được 100% số bản; các công trình thủy lợi cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm; mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, thông tin, truyền thông... được nâng lên.
Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập đã nhận được sự tin tưởng, tham gia tích cực của người dân, góp phần chuyển đổi nhận thức của người nghèo trong phát triển sản xuất. Nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp tạo ra sản phẩm hàng hóa để có thu nhập cao hơn, vươn lên thoát nghèo và đóng góp tích cực vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các tiểu dự án về hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cơ bản đã hoàn thành kế hoạch đề ra đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đúng định mức hỗ trợ, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân trên địa bàn 2 huyện. 
Yên Bái đã hỗ trợ 76.482 lượt hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất, với tổng diện tích được hỗ trợ là 452.900 lượt ha/năm; 24/24 xã trên địa bàn 2 huyện đã triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; hai huyện đã thực hiện khai hoang 53,4 ha ruộng bậc thang; đã hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ cây, con giống, vật tư  nông nghiệp, công cụ sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo làm chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; hỗ trợ vắc xin, thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, hỗ trợ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm giai đoạn 2009 - 2020. Nội dung thực hiện tổ chức hội chợ, tổ chức các gian hàng tham gia hội chợ thương mại, phiên chợ vùng cao và hội chợ Tây Bắc; Hội chợ thương mại đưa hàng Việt về nông thôn tại 2 huyện, tổ chức gian hàng và hỗ trợ các xã, thị trấn về trưng bày, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, sản vật, trang phục và nhạc cụ dân tộc, xây dựng các biển chỉ dẫn quảng bá khu du lịch, tổ chức phiên chợ vùng cao, in tờ rơi các điểm du lịch và danh thắng quốc gia ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải.... và hỗ trợ cơ sở rèn đúc cơ khí, cơ sở chế biến chè, HTX mộc dân dụng, gạch không nung, cơ sở chế biến bún, HTX chế biến nông lâm sản tại huyện Trạm Tấu.
Vùng cao Trạm Tấu có nhiều điều kiện phát triển du lịch
Trạm Tấu và Mù Cang Chải cũng đã tổ chức các hoạt động tư vấn tuyên truyền tại các xã, thị trấn, hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động và in tờ rời tuyên truyền về các đơn hàng tuyển lao động theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Kết quả trong 12 năm, 2 huyện đã đưa được 322 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong đó, Trạm Tấu đưa được trên 238 lao động/1.573 lao động xuất cảnh sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng đạt 18% so với mục tiêu của Đề án. Huyện Mù Cang Chải đưa được 84 lao động/1.540 lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt 5,5 % so với mục tiêu Đề án. Ngoài ra, các địa phương đã hỗ trợ tư vấn tuyên truyền tại các xã, thị trấn, hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động 33 lớp với 1.165 học viên và in tờ rời tuyên truyền về các đơn hàng tuyển lao động theo Quyết định 71 trên địa bàn huyện.
Việc triển khai thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động trên địa bàn các huyện nghèo. Trong đó, đã mở được 141 lớp, đào tạo bồi dưỡng cho 6.245 lượt cán bộ cơ sở, bao gồm: cán bộ công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thủ trưởng, kế toán, trưởng ban thủy nông các xã, thị trấn...; mở 351 lớp, đào tạo nghề cho 10.200 lao động. Tỷ lệ lao động được tạo việc làm sau học nghề đạt 90%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn các huyện nghèo 53,5% vào năm 2020 (huyện Trạm Tấu) và 39,5% vào năm 2020 (huyện Mù Cang Chải).
Thực hiện chính sách tăng cường cán bộ, tri thức trẻ cho các huyện nghèo, từ năm 2009 – 2020, tại 2 huyện 30a đã thực hiện luân chuyển và tăng cường 27 cán bộ, tri thức trẻ từ tỉnh, huyện về đảm nhận các cương vị lãnh đạo tại UBND các xã để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, trong đó có nhiệm vụ về công tác giảm nghèo. Cùng với đó đã có 20 tri thức trẻ được tăng cường về làm phó chủ tịch UBND; 10 tri thức trẻ được tăng cường về làm cán bộ tại các xã trên địa bàn 2 huyện 30a.
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện các nội dung chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đã mang lại những hiệu quả tích cực về kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến rõ rệt về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải./.
Hồng Minh 
TAG: huyện 30a Mù Cang Chải Giảm nghèo bao
Tin khác
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024
Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện A Lưới
Nghệ An: Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho trẻ em
Trợ giúp pháp lý góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật
Yên Bái phấn đấu về đích sớm Đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Kạn: Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Nghệ An trách nhiệm nghĩa tình với người có công