Thị trường - Tiêu dùng
Trang chủ / Kinh tế / Thị trường - Tiêu dùng
Xu hướng thương mại điện tử làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng
03:19 PM 13/11/2019
(LĐXH) Ngày 12/11/2019, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tổ chức “Hội nghị khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam” nhằm đưa ra những giải pháp phát triển bền vững thị trường tiêu dùng trong nước, đồng thời phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp Việt.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia khẳng định, thị trường tiêu dùng Việt Nam đầy tiềm năng, hấp dẫn nhờ đặc điểm kết cấu dân số trẻ, năng động. Đặc điểm về nhân khẩu học này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tốc độ đô thị hóa cao. Mặt khác với GDP tăng trưởng cao tạo tiềm năng cho đầu tư. Thu nhập được cải thiện nên khả năng chi tiêu của người dân cũng cao hơn.
Giám đốc Khu vực miền Bắc - Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam Đặng Thúy Hà cho rằng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP cao thuộc top đầu trong khối ASEAN. Mặt khác, kết cấu dân số nước ta đang ở mức trẻ, có khả năng tiếp cận internet nhanh. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam có hứng thú trải nghiệm với những sản phẩm mới. Điều này thúc đẩy các thương hiệu mới phát triển.
Một điểm quan trọng hơn, tầng lớp trung lưu - nền tảng của tiêu dùng đang tăng nhanh. Tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm chất lượng cao chiếm đến gần 26% thị phần nhóm hàng tiêu dùng nhanh… Những điều này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có thể thích ứng với những thay đổi của thị trường và bắt kịp các xu hướng mới.
Tại hội nghị các chuyên gia cũng nhận định, ngày nay thói quen của người tiêu dùng đang dần bị thay đổi, mọi người không chỉ đến các cửa hàng để mua đồ vì họ có thể làm điều đó trực tuyến. Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ như đồng hành cùng các thiết bị di động, mạng xã hội và thích nghi với việc mua hàng trực tuyến.
Ngoài ra, các nền tảng tìm kiếm và đặt chỗ như dịch vụ giao đồ ăn nhanh cũng như dịch vụ thuê nhà, đặt chỗ khám bệnh, online… có thể giúp các doanh nghiệp sàng lọc, tiếp cận khách hàng tiềm năng và nâng cao sự tiện lợi của khách hàng hiện hữu.
Toàn cảnh Hội thảo
Các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng: Xu hướng thương mại điện tử đang  thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại nhiều ngành hàng, từ nông thôn đến thành thị.
“Sự bùng nổ của thương mại điện tử và thương mại mạng xã hội cho thấy khách hàng trẻ ngày càng đòi hỏi cao và khao khát sự tiện lợi tối đa trong mua sắm. Giám đốc Nghiên cứu Công ty Nghiên cứu Thị trường Intage Lưu Bảo Vân chia sẻ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, dù người Việt rất ưa thích mua sắm trực tuyến, nhưng đa số là các mặt hàng giá rẻ vì vẫn lo ngại về các yếu tố chất lượng sản phẩm, thanh toán an toàn. Vì vậy, để có được lòng tin với khách hàng và thị trường bền vững các nhãn hiệu phải thực sự chân thành với người tiêu dùng.
Các nhãn hàng phải tạo ra nhiều lợi ích cho khách hàng và xã hội, đồng thời các nhãn hiệu phải cũng nên chú ý đến cảm xúc vui vẻ, hài hước khi quảng bá thương hiệu. Không những vậy, các nhãn hàng cũng cần tôn trọng đạo đức kinh doanh và tạo ra bản sắc riêng của khách hàng.
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới. Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm vừa qua. Cũng theo Báo cáo GCI đánh giá Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới. Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường trong nước, nâng cao vị thế của mình ngay trên “sân nhà”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia để có có một hệ sinh thái thương mại điện tử, “sân chơi” đủ lớn cho doanh nghiệp Việt phát triển điều đầu tiên là cần hoàn thiện khung pháp lý.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) Bùi Huy Hoàng đánh giá: Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt hiện đang đứng trước cơ hội chuyển mình từ cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 và những lợi ích to lớn của xu thế hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, thương mại điện tử tại Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại cũng như thách thức trong phát triển bền vững. Để thương mại điện tử tận dụng tối đa tiềm năng, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng logistic…”
Để có môi trường kinh doanh thông thoáng các đại biểu cũng cho rằng, cần chú trọng hơn nữa vai trò “đòn bẩy” của Nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt là trợ hỗ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thảo Lan
TAG: Hội nghị khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh thương mại điện tử
Tin khác
1.500 gian hàng thuộc hơn 400 doanh nghiệp tham gia Triển lãm quốc tế Vietbuild Hà Nội 2024 lần thứ nhất
L’Oréal được vinh danh lần thứ 15 là một trong các Công ty kinh doanh có đạo đức nhất thế giới
Mastercard giúp việc chuyển tiền quốc tế đến ví điện tử Alipay trở nên thuận lợi và an toàn
Siêu sao bóng đá người Na Uy đồng hành cùng nhãn hiệu “Seafood from Norway”
Miễn phí camera an ninh cho toàn bộ khách hàng dùng Internet Viettel
Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024: Sân chơi trí tuệ thúc đẩy các ý tưởng trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo
Amway Việt Nam đồng hành cùng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024
LC Foods tiếp tục nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024
Lần đầu tiên, Việt Nam có sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị với quỹ đầu tư đóng góp vào phát triển bền vững