Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Xóa bỏ khoảng cách giới trong đào tạo ngành Công nghệ thông tin cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội
11:42 PM 23/09/2022
(LĐXH) Sau 4 năm triển khai, Dự án “Hướng tới tương lai” đã hỗ trợ 800 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó 44% là các bạn nữ được theo học các lớp đào tạo về công nghệ thông tin (CNTT) và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Dự án “Hướng tới tương lai” được Tập đoàn Adecco – Thụy Sĩ  Plan tài trợ với tổng số vốn đầu tư  trực tiếp tại 2 trường dạy nghề là trên 8,6 tỷ đồng trong thời gian 48 tháng.
Dự án đồng hành với  FPOLY và REACH nhằm tăng cường năng lực lao động của nhóm thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong độ tuổi từ 18 đến 30. Trong đó, Dự án tập trung vào nhóm nữ thanh niên có độ tuổi từ 18 đến 24 nhằm thúc đẩy lực lượng nữ giới trong ngành đào tạo công nghệ mà hiện nay nam giới đang chiếm ưu thế, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong ngành công nghệ.
Các khóa đào tạo do dự án tài trợ gồm: Khóa đào tạo thiết kế đồ họa 2D kéo dài 3 tháng; Khóa đào tạo thiết kế đồ họa 3D trong 6 tháng; Khóa đào tạo lập trình web 6 tháng; Khóa đào tạo công nghệ thông tin kéo dài 12 tháng.
Đây là một mô hình hợp tác mới, ngoài việc hỗ trợ thanh niên có một nghề theo xu hướng thời đại và nhu cầu của thị trường là công nghệ thông tin, điểm đặc biệt của Dự án là xóa bỏ định kiến giới cho rằng công nghệ thông tin khó có thể là thế mạnh cho các em gái, các nữ thanh niên.
Các học viên nhận chứng chỉ tốt nghiệp khóa học về công nghệ thông tin của Dự án "Hướng tới tương lai"
Sau 4 năm triển khai thực hiện dự án, trải qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch bệnh COVID, nhưng với quyết tâm của Ban giám hiệu Trường cao đẳng thực hành FPT, Viện REACH, sự ủng hộ của nhà tài trợ, cùng với các bạn thanh niên, Dự án đã  thành công, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra một cách đáng tự hào, cụ thể là:
- 25,880 thanh niên đã tiếp cận với các thông tin về khóa học nghề CNTT, trong đó có 12,620 thanh niên được hướng dẫn về các khóa học nghề CNTT, giáo dục nghề nghiệp, cơ hội việc làm và bình đẳng giới.
- 800 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đã tham gia các khóa đào tạo, tỷ lệ nữ đạt 44%.
- 629 học sinh đã tốt nghiệp các khóa đào tạo các nghề ngành CNTT và 138 học sinh nữ đang tiếp tục học chương trình cao đẳng để nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng. Tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp 6 tháng đạt 87%, tỷ lệ nữ có việc làm đạt 90%..
- 100% giáo viên và nhân viên tại REACH và FPOLY làm việc với Dự án đã được tập huấn về chính sách bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới. Những kiến thức quan trọng này cung cấp cho giáo viên và nhân viên của dự án nhằm giúp họ hiểu rõ hơn những vấn đề và rủi ro có thể xảy ra, có tác động ảnh hưởng đến thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.
- 150 doanh nghiệp đã tham gia tuyển dụng học sinh của dự án tốt nghiệp từ Viện REACH, và  120 doanh nghiệp trong hơn 1000 doanh nghiệp kết nối với nhà trường đang tham gia  đào tạo và hỗ trợ học sinh FPOLY thực tập nghề, làm việc bán thời gian.
Để có được kết quả như trên, Viện REACH và FPT Polytechnic đã đồng hành rất chặt chẽ với các bạn thanh niên, cha mẹ các em và các doanh nghiệp trong suốt quá trình từ tuyển sinh đến đào tạo, thực tập và làm việc. Bên cạnh việc được học một chương trình đào tạo linh hoạt, nội dung luôn gắn với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, các bạn học viên còn được trang bị các kỹ năng mềm như khả năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, khả năng quản lý thời gian hiệu quả...
Đại diện cho các bạn thanh niên được dự án hỗ trợ, bạn Kiều Thị Thương cho biết “Với những hạn chế về sức khỏe của bản thân và điều kiện khó khăn của gia đình, em đã từng khá bi quan... Nhưng giờ đây, em rất tự hào khi trở thành người có thu nhập chính trong gia đình với vị trí công việc là trưởng nhóm phụ trách chỉnh sửa ảnh. Em cũng rất vinh dự khi được trở thành khách mời của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam với tư cách là nhân vật truyền cảm hứng để thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành CNTT nhân ngày Nữ giới trong ngành CNTT.”   
Các học viên tại Lễ bế giảng các lớp IT của Dự án
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Viên trưởng Viện REACH chia sẻ: “Thông qua dự án, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức trong cộng đồng, tiếp cận các bạn nữ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, tư vấn hướng nghiệp, tiếp động lực để các bạn yêu thích CNTT, tham gia vào các khóa học của REACH. Hơn 80% học viên đào tạo ngành CNTT đã có việc làm sau khi tốt nghiệp trong vòng 6 tháng, đặc biệt tỷ lệ việc làm nữ giới đạt trên 90% cho thấy sự cam kết của Viện REACH, sự nỗ lực của các bạn học viên, đặc biệt là các bạn nữ trong việc gia nhập lĩnh vực công nghệ thông tin, phá vỡ định kiến về giới trong lựa chọn nghề nghiệp. Nhận thấy rằng, việc xóa bỏ rào cản về giới tính trong lựa chọn nghề nghiệp là một công việc bền bỉ, cần sự chung tay của nhiều bên, chúng tôi tin tưởng các giải pháp của Dự án thực hiện sẽ được tiếp tục nhân rộng nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái”.
Theo bà Phạm Thu Ba, Quyền Giám đốc tổ chức Plan International Vietnam, kết quả cụ thể của Dự án “Hướng tới tương lai” do Tập đoàn Adecco tại Thụy Sĩ tài trợ là quá trình hợp tác của Tổ chức PlV với tổ chức REACH từ năm 2014 đến nay, khởi đầu là một dự án dạy nghề theo định hướng thị trường dành cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội được xây dựng và tiếp tục phát triển trong gần 20 năm qua, mỗi năm hỗ trợ cho trên 1.000 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được học nghề và tạo việc làm.
FPOLY là đối tác lần đầu tiên của Tổ chức Plan trong lĩnh vực đào tạo nghề nhưng có thế mạnh trong đào tạo liên quan đến công nghệ thông tin cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Hành trình hợp tác giữa FPOLY và PLan cùng nhau triển khai Dự án đã giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về bình đẳng giới, khuyến khích họ tạo cơ hội việc làm bền vững cho học viên nữ. Quan trọng hơn là thông qua hợp tác với nhà trường đã  thúc đẩy chương trình đào tạo nghề, tăng cường kỹ năng mềm và phát triển cơ hội nghề nghiệp cho nữ giới  trong lĩnh vực công nghệ thông tin, theo kịp xu hướng thế giới và nhu cầu của xã hội.
Ngày 23/9/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tổng kết Dự án “Hướng tới tương lai”. Hội thảo này được tổ chức không chỉ để nhìn lại những kết quả đã đạt được trong 4 năm qua, mà quan trọng hơn là nơi để các đối tác cùng nhau chia sẻ những thành quả đã đạt được, đồng thời cũng trao đổi những bài học kinh nghiệm để không đơn thuần khép lại một dự án mà là cùng chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng cho những dự án tiếp theo, trong cuộc hành trình mới vì sự thành công của những đối tác và học viên hưởng lợi từ Dự án này cũng như những thanh niên Việt Nam, đặc biệt là thanh niên nữ, các thanh niên ở nhóm đối tượng dễ tổn thương, thanh niên dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội được tiếp cận các cơ hội trong tương lai một cách hiệu quả hơn./.

Thảo Lan
TAG: Xóa bỏ khoảng cách giới bình đẳng giới đào tạo ngành Công nghệ thông tin thanh niên có hoàn cảnh khó khăn Hà NộI Dự án Hướng tới tương lai
Tin khác
Học viện Kỹ thuật quân sự tuyên truyền tuyển sinh trên 800 học sinh tại Đồng Nai
Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp
467 học viên trung cấp chính quy hoàn thành huấn luyện đầu khóa
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo IoT – NTTU 2024
Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ, người khuyết tật và hoà nhập cộng đồng trong GDNN lĩnh vực Logistic
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành  kiểm định chất lượng 10 chương trình đào tạo
Thái Nguyên: Tăng cường công tác thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Cần Thơ chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp
Úc và Việt Nam hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động