Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Xây dựng và phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm các gói đào tạo của Úc
09:14 AM 15/03/2018
Nước Úc là một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới và được xếp hạng hai về chỉ số phát triển con người của Liên hiệp quốc năm 2013. Theo Cục Thống kê của quốc gia này, GDP tăng trưởng hàng năm trung bình đạt 3.49% từ năm 1960 – 2013.
Phát động cuộc thi Kỹ năng nghề làm đẹp Việt Nam lần thứ I - Năm 2017
Đóng góp vào sự tăng trưởng và sự hùng mạnh trên, có vai trò to lớn của hệ thống giáo dục nghề nghiệp Úc và phải kể đến một trong những hoạt động cốt lõi được phát triển, đó là hoạt động xây dựng và phát triển tiêu chuẩn quốc gia thông qua cơ chế đặt hàng các gói đào tạo - Training Packages (TP). Các TP này được xây dựng và phát triển trên cơ sở tuân thủ Khung chất lượng đào tạo Úc – Australian Quality Training Framework (AQTF) và được giao cho các Hội đồng kỹ năng ngành – Industry Skills Council (ISC’s). 
Có 11 ISC’s được chính phủ Úc công nhận và đang hoạt động trong các lĩnh vực: nông nghiệp và chế biến thực phẩm; xây dựng và khai khoáng; môi giới bất động sản và xây dựng; lâm nghiệp; kỹ năng quản lý; kinh doanh và sáng kiến; công nghiệp và chế tạo; các kỹ năng DMC; y tế và dịch vụ cộng đồng; vận chuyển và phân phối; tiện tích Úc. Các TP gồm các thành phần cơ bản: i) Yếu tố yêu cầu đầu vào và tiêu chuẩn năng lực theo cấp độ chuyên môn Úc (chứng chỉ 1; chứng chỉ 2; chứng chỉ 3; chứng chỉ 4; 5- văn bằng; 6 - văn bằng nâng cao; 7- Văn bằng đại học; 8- chứng chỉ tốt nghiệp tốt nghiệp sau đại học; 9- văn bằng thạc sỹ; 10- văn bằng tiến sĩ); ii) Các đơn vị tiêu chuẩn năng lực; iii) Hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn. Và nhiệm vụ của các ISC’s xây dựng và phát triển các thành phần đó theo cách thức của riêng họ; iv) Các điều kiện cần thiết khác….
1- Đặc trưng và cách thức hoạt động của ISC’s:
-       ISC tổ chức, hoạt động như mô hình công ty; được chính phủ công nhận, triển khai các TP trên cơ sở hợp đồng thuê khoán của chính phủ;
-       Các ISC sử dụng các phương pháp/cách tiếp cận mềm dẻo/linh hoạt và giữ vai trò trung gian giữa các bên;
-       Tổng hợp và tư vấn cho cơ quan SA (Skills Australia), chính phủ, các tiểu bang, các hạt và doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực và nhu cầu về kỹ năng;
-       Chịu sự giám sát và thẩm định TP của NQC và SA.
Trong đó, NQC là cơ quan thuộc Hội đồng bộ trưởng giáo dục và việc làm  - Ministerial Council of Tertiary Education and Employment (MCTEE). SA là cơ quan độc lập về chuyên môn, thực hiện trách nhiệm tư vấn cho hội đồng bộ trưởng trong lĩnh vực phát triển các gói đào tạo. ISC’s có trách nhiệm báo cáo/giải trình theo đề nghị của SA các vấn đề về xây dựng và phát triển các gói đào tạo.
2- Liên hệ với thực tiễn hoạt động xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia - National Occopational Skills Standard (NOSS) tại Việt Nam
Ở Úc cũng như Việt Nam, xây dựng NOSS là trách nhiệm của chính phủ, còn về cách thức/quy trình xây dựng thì giữa họ và chúng ta có những điểm tương đồng và khác biệt. Từ năm 2008, theo Luật Dạy nghề hoạt động xây dựng NOSS được triển khai bởi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, theo một quy trình chặt chẽ, và đơn vị biên soạn NOSS chủ yếu là các trường dạy nghề (nay là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp) thông qua một hợp đồng được ký kết giữa các bên (đến 2015, đã có 189 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được công nhận). Cho đến năm 2014 khi Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời thì hoạt động xây dựng và phát triển NOSS được triển khai theo quy trình mới.
Theo các chuyên gia thì quy trình mới có tính kế thừa, ngoài ra có những điểm đổi mới, đảm bảo chặt chẽ, giúp cho việc phát triển NOSS đã tiếp cận thực tiễn quy trình sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, thiết lập cơ chế các bên tham gia. NOSS được xây dựng và phát triển ở các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế - xã hội và thông qua cơ chế cấp phát trực tiếp ngân sách cho các bộ, ngành, và các cơ quan này chủ động xây dựng hoặc thuê khoán các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Về quy trình xây dựng và phát triển NOSS của Việt Nam tiếp cận theo mô hình hoạt động của các ISC’s của Úc, cần có những hành động cụ thể, thông qua một số quy tắc đó là:
-       Ở Úc thì nhà nước họ không trực tiếp làm việc này, mà họ đặt hàng TP thông qua cơ chế đấu thầu để lựa chọn ISC trúng thầu, sau đó ký kết hợp đồng thuê khoán các ISC để xây dựng và phát triển TP, có lẽ họ mong muốn hạn chế tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” từ phía chính phủ và tính hành chính trong quá trình thực hiện hoạt động này. Ở ta, hoạt động xây dựng và phát triển NOSS mặc dù đã thiết lập cơ chế các bên thông qua một quy trình chặt chẽ, tuy nhiên, nhà nước vẫn giữ vị trí, vai trò ảnh hưởng khá lớn.
-       Cơ chế tham gia các bên đối với hoạt động xây dựng và phát triển NOSS là điểm mới của quy trình chúng ta, có sự bứt phá trong tư duy xây dựng chính sách và đã tiếp cận theo kinh nghiệm quốc tế. Nhưng nếu nhìn lại quá trình triển khai hoạt động này thì nhận thấy cơ chế tham gia và vai trò đóng góp của đại diện các doanh nghiệp, đại diện người lao động, doanh nghiệp… còn ở mức hạn chế, có chăng là khiên cưỡng. Câu hỏi đặt ra, chúng ta đã có chính sách, cơ chế các bên được thiết lập vậy tại sao hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Có lẽ do cơ chế chúng ta vẫn còn có những lỗ hổng nhỏ hay các bên tham gia chưa chủ động vận hành theo cơ chế đó. Ở Úc, ISC’s sử dụng linh hoạt các phương thức hoạt động, đóng vai trò là tổ chức trung gian trong việc kết nối tiếng nói của các bên tham gia để đi đến thống nhất lợi ích, do đó, nó thu hút được sự tham gia và sự thống nhất của các bên, hơn nữa, chính phủ công khai mở thầu và chi phí xây dựng và phát triển các TP.
-       Ở Úc, có hai cơ quan công nhận hoặc thẩm định các gói đào tạo, gồm: NQC và SA, một cơ quan thuộc chính phủ, và cơ quan còn lại có tư cách thẩm định độc lập, hoạt động theo luật định (an independent statutory body) là cơ quan thẩm định độc lập về tiêu chuẩn quốc gia. Như vậy, tính độc lập trong việc tham gia của các bên vào hoạt động này rất nổi trội, kể cả chính phủ. Còn chúng ta chưa có thiết chế đặc biệt này trong quy trình xây dựng và phát triển NOSS, mà do cơ quan nhà nước chủ trì, thẩm định độc lập thông qua hội đồng có đầy đủ các bên, trong đó có đại diện nhà nước, vậy nếu xét khía cạnh tính độc lập là chưa rõ ràng.
-       Ở Úc, công bố công khai, minh bạch thông tin về đấu thấu các TP, để lôi cuốn mọi tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia, chính phủ cấp phát ngân sách thông qua việc đấu thầu các gói đào tạo, ISC’s trúng thầu đa số, họ sẽ ký kết hợp đồng giao khoán, như vậy cơ chế là rất rõ ràng, trách nhiệm là độc lập và phải thực hiện các thoản thuận trên cơ sở quy định pháp luật.
Từ những phân tích như trên, có thể đưa ra một số khuyến nghị đối với các cấp, các ngành cùng những giải pháp sau:
Một là; Thành lập cơ quan có tư cách độc lập với chính phủ, hoạt động theo luật định để thực hiện thẩm tra/thẩm định các NOSS, có thể trực thuộc từng ủy ban của quốc hội tương ứng với lĩnh vực phụ trách;
Hai là; Xây dựng và ban hành định mức giá và các chi phí về gói tài chính xây dựng và phát triển NOSS đảm bảo phù hợp với thực tế và tương xứng với vai trò của hoạt động này nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, đại diện của các bên tham gia; thực hiện công bố công khai cho cộng đồng xã hội;
Ba là; Các bộ, ngành triển khai đấu thầu các gói xây dựng và phát triển NOSS thuộc lĩnh vực được giao theo pháp luật đấu thầu để thu hút các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có năng lực tham dự.
Bốn là; Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí và lợi ích, trách nhiệm của các bên tham gia xây dựng và phát triển NOSS./.
Tài liệu tham khảo:
  1. 1.  Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tư số 56/2015/TT-BLĐTBXH ngày 24/12/2015 hướng dẫn việc xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, http://molisa.gov.vn/vi/Pages/Trangchu.as100%.
  2. 2.  Quốc hội, Luật Việc làm, http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=171410.
  3. 3.  Quốc hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp, http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=178143.
  4. 4.  Quốc hội, Luật Dạy nghề, http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=29575.
  5. 5.  Education, Employment and Workplace Relations References Committee, Industry Skills Councils, Final report, http://aph.gov.au/senate/committee/eet_ctte/index.htm.
  6. 6.  Parliament of Australia, https://www.aph.gov.au/Help/404?item=%2fsenate%2fcommittee%2feet_ctte%2findex&user=extranet%5cAnonymous&site=website.
  7. 7.  http://vietnamexport.com/nuoc-lanh-tho/10/tong-quan.html
8. Tổng cục Dạy nghề, Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020.
Ths. Nguyễn Thừa Thế Đức,
                                                                            Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
TAG: ISC; Hội đồng kỹ năng nghề
Tin khác
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm
Đồng Tháp: Gần 5.200 lao động được giải quyết việc làm
“Những bức chân dung từ lụa vụn”: Chung tay “xây nhà mới” cho người khuyết tật làm việc tại Vụn Art
Hỗ trợ người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động