An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Xây dựng Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 -2030
11:30 AM 25/09/2020
(LĐXH) - Ngày 24/9/2020, tại Hà Nội, Bộ Lao động - TBXH đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030”. Tham dự có Hội thảo, có TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam; các chuyên gia tư vấn, đại diện Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - TBXH) một số tỉnh, thành; Hội Người cao tuổi địa phương cùng đại diện một số tổ chức liên quan.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Hội thảo
Mục tiêu là nhằm phân tích đánh giá tổng thể việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020. Đồng thời đánh giá những thách thức, các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện và kết quả của Chương trình. Qua đó đề xuất mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cho Chương trình mới giai đoạn 2021-2030, phù hợp với tình hình thực tiễn của người cao tuổi và bối cảnh kinh tế xã hội đất nước.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh: Trung bình mỗi năm, dân số Việt Nam tăng 10 triệu người, dự kiến đến năm 2030, số người cao tuổi là gần 20 triệu người trong tổng dân số gần 110 triệu dân. Điều này đặt ra sức ép lớn về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nguồn lực lao động và ảnh hưởng lớn đến nguồn lực của các gia đình, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia đang phát triển.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Thời gian qua, để giải quyết vấn đề người cao tuổi, Quốc hội đã ban hành Luật Người cao tuổi, mục tiêu lớn nhất là không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là cải thiện, bảo đảm mức sống tối thiểu của người dân, trong đó có người cao tuổi. Nhóm người cao tuổi được ưu tiên nhất trong số các nhóm dân cư. Trên cơ sở thực hiện các nghị quyết của trung ương, các luật, chính sách, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, nhất là chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ dân số người cao tuổi có thẻ BHYT đạt 98%.
Cùng với đó, đã giải quyết tốt chính sách trợ cấp xã hội, an sinh xã hội cho người cao tuổi. Tất cả đối tượng người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đều được hưởng trợ cấp người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi; người già cô đơn không nơi nương tựa được quan tâm giải quyết trợ cấp; người cao tuổi khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được giải quyết trợ cấp theo quy định. Ngoài ra, còn hàng chục nghìn người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, các cấp hội người cao tuổi, UBND các cấp.
Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Đại diện Quỹ Liên hợp quốc tại Việt Nam
Cũng theo Đồng chí Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi, trong giai đoạn 2021-2030, chính sách người cao tuổi cần tập trung vào các vấn đề như: Chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi; Thực hiện phương châm của Liên hợp quốc “Nghỉ hưu nhưng không nghỉ làm việc”; Xây dựng môi trường phát huy vai trò của người cao tuổi tham gia Mặt trật Tổ quốc, xây dựng đảng ở các địa phương, tham gia vào việc nuôi dạy cháu con...; Tăng tỷ lệ tham gia BHYT; Quan tâm phát triển mạng lưới cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, có cơ chế chính sách khuyến khích cơ sở tư nhân trong việc chăm sóc, cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi. Tăng cường chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Từ kinh nghiệm các nước cho thấy, vấn đề người cao tuổi là một vấn đề lớn, là thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội. Do vậy, trong Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn tới, cần xác định rõ các mục tiêu, kiến nghị giải pháp tốt để thực hiện.
Theo báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội, tính đến cuối năm 2019, cả nước có gần 2,5 triệu người cao tuổi tham gia lao động sản xuất tạo thu nhập, chiếm 18% dân số người cao tuổi, trong đó có hơn 95 nghìn người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Hiện cả nước có trên 1,2 triệu người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền MTTQ, các đoàn thể. Số người cao tuổi có thẻ BHYT là hơn 11,3 triệu người, chiếm 98,5% tổng số người cao tuổi. Số lượt người cao tuổi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là 6,3 triệu lượt người. Cùng với đó, số người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe là 1,57 triệu người.
Chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” của Hội người cao tuổi sau 4 năm thực hiện (2013-2017) đã khám, tư vấn các bệnh về mắt cho hơn 3,6 triệu người cao tuổi, chiếm 40,86% tổng số người cao tuổi; chữa các bệnh về mắt, thay tinh thể cho hơn 541 nghìn người cao tuổi và 258 nghìn người cao tuổi được tặng kính nâng thị lực.
Đến nay, cả nước có 56/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án, kế hoạch thành lập Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (chỉ tiêu Đề án là 45/63), vượt 17,5%; xây dựng được trên 1.900 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, đạt 95% so với chỉ tiêu của Đề án.
Các địa phương đã thực hiện, bố trí kinh phí, bảo đảm các điều kiện để tổ chức mừng thọ, chúc thọ và tặng quà các cụ 90 tuổi, 100 tuổi và trên 100 tuổi dịp Tết Nguyên đán theo quy định. Năm 2019, theo thống kê của Trung ương Hội Người cao tuổi, cả nước có hơn 1,06 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ, trong đó có 6.510 cụ thọ 100 tuổi và 17.731 cụ trên 100 tuổi.
Hiện cả nước còn khoảng 931.000 người cao tuổi thuộc diện hộ gia đình nghèo, chiếm 8,09%. Đa phần những người cao tuổi từ 70 trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, không có nguồn tích lũy tiết kiệm và không tham gia hoạt động kinh tế, thì nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống đều phải nhờ sự trợ giúp của con cháu, những người có trách nhiệm phụng dưỡng người cao tuổi.
Cũng theo đánh giá của Cục Bảo trợ xã hội, các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020 cơ bản đều hoàn thành, phát huy được vai trò của người cao tuổi trong hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được cải thiện rõ rệt; đời sống vật chất của đại bộ phận người cao tuổi được nâng cao; đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện, tuổi thọ nâng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo còn cao, gấp đôi mức bình quân chung cả nước, một bộ phận người cao tuổi khi ốm đau, tai nạn thương tích chưa được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe kịp thời. Nhu cầu chăm sóc xã hội ngày càng lớn, với 3% dân số người cao tuổi, tương đương 345 nghìn người; Một số chính sách ưu đãi đối với người cao tuổi chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, nguồn lực cho chương trình còn hạn chế.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe tham luận về kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, tham luận của tỉnh Quảng Ninh. Đề xuất nội dung Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030./.
Hồng Phượng
TAG: cao tuổi Chính Sách trợ Cấp Phụng dưỡng
Tin khác
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024
Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện A Lưới
Nghệ An: Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho trẻ em
Trợ giúp pháp lý góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật
Yên Bái phấn đấu về đích sớm Đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Kạn: Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội