Pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Pháp luật
Vụ việc bán 100 USD bị phạt 90 triệu đồng dưới góc nhìn của pháp luật dân sự
02:23 PM 08/11/2018
(LĐXH) Từ vụ việc bán 100 USD bị phạt 90 triệu đồng tại thành phố Cần Thơ vừa qua, để góp phần làm rõ hơn các quy định pháp luật trong việc xử phạt hành chính đối với các giao dịch dân sự, chúng tôi sẽ phân tích vụ việc dưới góc độ pháp luật dân sự.
Trong thời gian qua, vụ việc anh Nguyễn Cà Rê, ở thành phố Cần Thơ, đổi 100 USD lấy 2.260.000 đồng tại Cở sở kinh doanh nữ trang thuộc quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, bị xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng, đã làm nóng dư luận trong nước. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc xử phạt hành chính đối với anh Rê nhưng chủ yếu vẫn cho rằng các quy định pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng còn nhiều bất cập, chưa đi vào cuộc sống, việc áp dụng mức xử phạt đối với anh Rê là quá nặng, chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Vừa qua, vào ngày 05/11/2018, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã quyết định miễn xử phạt hành chính đối với anh Rê do hoàn cảnh của gia đình anh Rê có khó khăn. Từ vụ việc trên, để góp phần làm rõ hơn các quy định pháp luật trong việc xử phạt hành chính đối với các giao dịch dân sự, trong bài viết này sẽ phân tích vụ việc nêu trên dưới góc độ pháp luật dân sự.
  Tiệm vàng Thảo Lực tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ,
nơi diễn ra vụ việc
Giao dịch dân sự giữa anh Nguyễn Cà Rê và tiệm vàng Thảo Lực là giao dịch dân sự vô hiệu
Trước tiên, có thể khẳng định việc anh Rê đem đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực là một giao dịch dân sự, thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật dân sự. Đây là một giao dịch dân sự vô hiệu do có nội dung trái quy định pháp luật theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, theo chúng tôi, trong giao dịch dân sự vô hiệu nói trên, anh Nguyễn Cà Rê là bên ngay tình và có dấu hiệu bị lừa dối với các lý do như sau:
Một là, anh Nguyễn Cà Rê hành nghề sửa chữa điện do vậy kiến thức và hiểu biết pháp luật của anh Rê sẽ có hạn chế không thể bằng những người làm công việc hành chính hay những công việc có liên quan đến pháp luật,... Hơn thế nữa, theo tình trạng chung ở các địa phương trong cả nước, công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và pháp luật về quản lý ngoại hối ở thành phố Cần Thơ vẫn chưa đảm bảo mọi người dân đều biết, cùng với đó những dấu hiệu (bảng, biển, băng rôn,..) để nhận biết các cơ sở được phép mua, bán ngoại tệ và cơ sở không được phép mua, bán ngoại tệ cũng chưa có đầy đủ. Chính vì vậy, việc anh Rê không biết được các quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng theo quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 là có cơ sở. Anh Rê cũng đã thừa nhận không biết tiệm vàng Thảo lực nêu trên không được phép mua, bán ngoại tệ.
Hai là, giả sử anh Rê biết được quy định về việc phải đổi ngoại tệ ở cửa hàng có chức năng thu đổi ngoại tệ thì anh cũng không có điều kiện để xác minh tiệm vàng Thảo Lực có được phép mua, bán ngoại tệ hay không. Vì theo quy định pháp luật, không chỉ có tổ chức tín dụng mới được phép mua, bán ngoại tệ mà những đại lý được tổ chức tín dụng cho phép cũng được mua, bán ngoại tệ. Bên cạnh đó, việc trao đổi ngoại tệ với giá trị không lớn nên anh Rê cũng khó có thể đề nghị tiệm vàng Thảo Lực xuất trình giấy chứng nhận kinh doanh để kiểm tra xem tiệm vàng Thảo Lực đó có được phép mua, bán ngoại tệ hay không. Hơn thế nữa, chủ tiệm vàng Thảo Lực có dấu hiệu cố tình che dấu việc không được phép mua, bán ngoại tệ để thực hiện việc trao đổi ngoại tệ với anh Rê. Do vậy, cho dù có biết quy định pháp luật nêu trên thì anh Rê cũng không có điều kiện, khả năng để xác minh tiệm vàng Thảo Lực đó có được mua, bán ngoại tệ hay không.
Ba là, anh Rê đã lựa chọn tiệm vàng Thảo Lực là điểm để đổi ngoại tệ chứ không phải đổi ở “chợ đen”, điều này cho thấy anh là một người cẩn thận và có ý thức trong việc hạn chế rủi ro khi thực hiện việc đổi ngoại tệ ra đồng tiền Việt Nam của mình. Bên cạnh đó, anh Rê cũng thừa nhận trước đây đã từng thực hiện việc trao đổi ngoại tệ lấy tiền Việt Nam đồng nhưng chưa từng bị nhắc nhở hay bị phạt.
Theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015, lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Đối chiếu với quy định này của Bộ luật Dân sự và từ những phân tích nêu trên cho thấy, anh Nguyễn Cà Rê là bên ngay tình và chủ tiệm vàng Thảo Lực là bên có dấu hiệu lừa dối trong giao dịch dân sự này. Điều này thể hiện ở chỗ, mặc dù biết tiệm vàng của mình không được phép mua, bán ngoại tệ nhưng chủ tiệm vàng Thảo Lực đã che dấu không cho anh Rê biết và thực hiện hành vi thu đổi đổi ngoại tệ với anh Rê.
Tiệm vàng Thảo Lực phải chịu xử phạt hành chính và đền bù thiệt hại cho anh Nguyễn Cà Rê
Theo khoản 1, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo khoa học pháp lý, lỗi là yếu tố không thể thiếu để xác định hành vi vi phạm pháp luật hay không. Nếu hành vi trái pháp luật được thực hiện do những điều kiện và hoàn cảnh khách quan mà chủ thể của hành vi đó không thể ý thức hoặc lường trước được thì họ không thể bị coi là có lỗi, và do đó không thể bị coi là vi phạm pháp luật.
Trong giao dịch dân sự nói trên, chủ tiệm vàng Thảo Lực đã vi phạm hành chính và phải chịu xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 24 của Nghị định số 196/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014. Còn với anh Nguyễn Cà Rê, anh Rê không có lỗi khi thực hiện giao dịch ngoại tệ với chủ tiệm vàng Thảo Lực. Do vậy, hành vi của anh Rê không phải là hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu trên và không có dấu hiệu “lỗi” của hành vi vi phạm phải bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3, Điều 24 Nghị định số 196/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014. Chủ tiệm vàng Thảo Lực ngoài việc bị xử phạt hành chính còn phải chịu trách nhiệm bồi thường 2.260.000 đồng (tương đương 100 USD) cho anh Rê theo Điều 131 của Bộ luật Dân sự năm 2015 vì khoản tiền này đã bị Cơ quan Công an thu giữ làm tang chứng.
Một số kiến nghị
Xử phạt hành chính là thể hiện sự uy nghiêm, thái độ cương quyết của Nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến các quan hệ pháp luật hành chính. Việc xử phạt vi phạm hành chính nghiêm minh sẽ góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, tăng uy tín của các cơ quan nhà nước đối với nhân dân và ngược lại nếu việc xử phạt vi phạm hành chính không nghiêm, không chính xác sẽ làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước. Do vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả việc xử lý hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị như sau:
Một là, sửa đổi, bổ sung mức xử phạt hành chính quy định tại Điều 24 Nghị định số 196/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 theo hướng dựa trên cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật hành chính và mức độ xâm hại đối với các quan hệ pháp luật hành chính mà hành vi vi phạm có thể gây ra. Hiện nay, mức xử phạt trong quy định nêu trên được xây dựng dựa trên cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật mà chưa dựa trên mức độ xâm hại mà hành vi đó có thể gây ra đối với các quan hệ pháp luật hành chính. Điều này gây ra những khó khăn nhất định cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi áp dụng quy định pháp luật này trong xử lý vi phạm hành chính.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng các hình thức khác nhau để các quy định pháp luật đi vào cuộc sống, người dân biết và thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật.
Việc áp dụng pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính đối với các giao dịch dân sự thường có sự đan xen các quy định pháp luật thuộc các ngành luật khác nhau. Do vậy, cần thiết thực hiện chế độ học tập, bồi dưỡng kiến thức pháp luật bắt buộc thường xuyên (ít nhất 1 năm/1 lần) để cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật, nâng cao năng lực áp dụng pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước trong việc thực thi chức trách, nhiệm vụ được Nhà nước giao phó.
TS. Trần Nguyên Cường
TAG: bán 100 USD bị phạt 90 triệu đồng cần Thơ tiệm vàng Thảo Lực quận Ninh Kiều pháp luật dân sự
Tin khác
Phát hiện nhiều thủ đoạn cất giấu ma túy tinh vi
Hải quan Hải Phòng bắt giữ số ngà voi nhập lậu lớn nhất từ trước đến nay
Kịp thời khen thưởng động viên đảng viên nhập ngũ tham gia bắt cướp
Cục Hải quan Hà Nội chủ trì triệt phá thành công chuyên án vận chuyển ma túy qua đường hàng không, thu giữ hơn 58 kg ma túy
  Cục Hải quan Quảng Trị chủ trì bắt 8 đối tượng nhập cảnh mang gần 6 kg ma túy
Góp ý về Luật Dầu khí (sửa đổi):  Đề xuất thêm quyền cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
TP.HCM: Cảnh báo thủ đoạn mới về mạo danh cơ quan BHXH  trên mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản của người dân
Bắt giữ 8 bánh heroin ngụy trang trong thùng hàng quạt gió
Truy bắt đối tượng mua bán trái phép chất ma túy