Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Vụ án Nguyễn Khắc Thủy: Quyền trẻ em đã bị xâm hại một cách nghiêm trọng
10:50 AM 14/05/2018
(LĐXH) - “Pháp luật, nếu không đủ mạnh và vững chắc để bảo vệ che chở cho một đứa trẻ sẽ trở thành tấm gương phản chiếu về niềm tin của nhân dân đối với một Chính phủ kiến tạo và minh bạch mà chúng ta đang nỗ lực hướng đến”.

Những ngày qua, thông tin Tòa án Bà Rịa- Vũng Tàu tuyên 18 tháng án treo đối với bị cáo phạm tội dâm ô trẻ em Nguyễn Khắc Thủy tại phiên phúc thẩm thay vì 03 năm tù giam như án sơ thẩm, đã một lần nữa khiến chúng ta có quyền nghi ngờ sự minh bạch trong các quyết định tư pháp có liên quan đến trẻ em. Dư luận xã hội có quyền giận dữ và bức xúc trước sự những phán quyết gây tổn hại sâu sắc đến quyền lợi của trẻ mà lẽ ra, quyền lợi này phải được đảm bảo tốt nhất theo luật định. Tạp chí Lao động và Xã hội xin giới thiệu bài viết của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Đại biểu tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) trước diễn biến của vụ việc.

Bà Phạm Thị Minh Hiền

Là người đã từng lên tiếng, đã từng gởi chất vấn đến các bộ ngành liên quan đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em, đã có những góp ý cụ thể cho Luật Hình sự sửa đổi về tội xâm hại tình dục trẻ em trong vai trò là Đại biểu Quốc hội và thực tiễn công tác trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em - bình đẳng giới, tôi thừa hiểu việc tìm kiếm chứng cứ pháp lý đối với tội dâm ô trẻ em theo quy định pháp luật hiện hành là một điều hết sức khó khăn. Tuy nhiên, trong vụ án này, với việc dành thời gian theo dõi trong quá trình các gia đình nạn nhân tìm kiếm công lý cho đến khi vụ án được truyền thông vào cuộc và đưa ra xét xử, thì với tôi mức án sơ thẩm 03 năm vẫn còn rất nhẹ so với hành trình, nổ lực và cả sự đau thương mất mát mà gia đình của những nạn nhân đã trải qua, đã chịu đựng. Đó là một sự bất nhân đối với gia đình họ.

Với kết quả của phiên tòa phúc thẩm lần này, tôi thật sự thất vọng và cảm thấy phẫn uất thay cho những nạn nhân. Tôi không tin rằng, đây là một bản án đảm bảo tính công lý và cả sự thấu đạt về đạo lý. Nếu lý do giảm án mà Tòa phúc thẩm đưa ra như thông tin báo chí cung cấp: đó là chưa đủ căn cứ pháp lý để kết tội, bị cáo đã già yếu bệnh tật, là người có nhiều cống hiến...thì tôi hay bất kỳ ai cũng có quyền nghi ngờ về động cơ, nhận thức của Hội đồng xét xử trong vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng này. Tinh thần nhân đạo trong thực thi pháp luật phải luôn được xem xét một cách thận trọng, thấu tình đạt lý và phải dựa trên cơ sở của hành vi, mức độ phạm tội, thái độ nhận tội cùng với các yếu tố bắt buộc theo luật định chứ không thể đặt cho, ban phát một cách dễ dãi. Với tội xâm hại, dâm ô trẻ em và với những gì mà bị cáo Nguyễn Khắc Thủy đã biểu hiện thời gian qua khiến ai chứng kiến cũng phẫn nộ, giận dữ thì việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này chẳng khác nào là sự thách thức pháp luật. Chưa nói đến tội ác mà ông ta gây ra đối với những đứa trẻ vô tội, sự thách thức, dọa nạt và chối tội của ông một cách công khai ở phiên sơ thẩm đã cho thấy một bị cáo đầy tinh ranh, thừa sức khỏe để có thể tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội và cho trẻ em, thật khó để dung tha. Chính Hội đồng Xét xử cũng thừa nhận Cơ quan Điều tra đã điều tra đúng người đúng tội “Lẽ ra bị cáo phải là tấm gương tốt nhưng ở đây bị cáo lại có hành vi dâm ô với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của các cháu, gây bất bình trong dư luận”. Nhưng sự phán quyết cuối cùng của Tòa án đã mâu thuẫn với những lập luận trước đó, đã phá vỡ mọi nổ lực đương đầu với tội ác, đã bào mòn niềm tin vào sức mạnh công lý của mọi người dân, là nguồn cơn của sự giận dữ, phẫn nộ của dư luận xã hội những ngày qua. Sự nghiêm minh uy quyền của pháp luật, sự vững chắc của công lý đang hiện hữu ở đâu trong vụ án này? Tiếng nói, nguyện vọng, quyền được bảo vệ của trẻ em trước vấn nạn bạo hành, xâm hại tình dục, sự lên tiếng tham gia biểu đạt chính kiến của công luận đang tồn tại ở đâu trong xã hội này?

Dự luận hồ nghi có hay không sự minh bạch trong các quyết định tư pháp
có liên quan đến trẻ em?

Một điều vô cùng quan trọng tôi cần phải nhắc đến, khi nước ta đã là thành viên quốc gia của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, một văn kiện được xem là quan trọng nhất về quyền con người của trẻ em trong hệ thống luật pháp quốc tế về quyền con người. Nhưng hiện nay, trong bộ máy tư pháp vẫn không ít người hiểu một cách đầy đủ về quyền của trẻ. Chính vì vậy đã có những ứng xử thiểu sự chuẩn mực trong việc thực thi quyền của trẻ em trong xây dựng chính sách, pháp luật. Qua theo dõi báo chí trong vụ xét xử phiên phúc thầm vừa qua, tôi thật sự bất ngờ khi biết rằng, nhân chứng là trẻ em của vụ án này trong phần trình bày làm chứng của mình đã bị các luật sư của bị cáo Thủy bác bỏ công khai tại tòa. Với tâm lý của trẻ, việc không công nhận lời làm chứng, cho rằng em nói sai trước bao nhiêu người, trong không khí đầy uy quyền của một phiên tòa thì chẳng khác nào là hành vi gây tổn thương đến tinh thần của trẻ. Trong suy nghĩ, diễn biến tâm lý của độ tuổi của em, em sẽ cho rằng mình lòng tự trọng của mình đang bị hạ thấp, danh dự và nhân cách của mình bị hạ thấp bởi sự thật mà mình nói ra đều bị xem là gian dối. Hội đồng xét xử, các luật sư nghĩ gì về điều này? Luật pháp nào cho phép những người cùng tham gia phiên toà có quyền “bạo hành tinh thần” trẻ em ngay tại tòa một cách hợp pháp như thế? Người giám hộ của trẻ lúc ấy đang ở đâu, tổ chức đại diện bảo vệ quyền trẻ em ở các phiên tòa liên quan đến trẻ em có được mời đến phiên tòa ấy hay không? Nếu các vị không nhận ra hoặc quan tâm đến những quy định về lợi ích của trẻ, xin mời đọc lại điều 81, chương VI của luật trẻ em năm 2016.

Trẻ em cũng là một chủ thể pháp luật, có khả năng trở thành các bên tham gia trong quan hệ pháp luật, được trao quyền và nghĩa vụ pháp lý trên cơ sở những quy phạm pháp luật, được pháp luật đối xử công bằng. Tôi rất mong các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện nghiêm quyền và bổn phận của trẻ em, công luận cần có sự quan tâm lên tiếng về các điều khoản này để bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Sự hạn chế ở một số điều khoản trong hành lang pháp lý đã làm giảm chức năng ngăn ngừa và bảo vệ trẻ từ xa. Thực tế, luật hình sự và tố tụng hình sự hoặc còn bỏ sót và xem nhẹ các hành vi thuộc tội danh dâm ô trẻ em, hoặc hạn chế về kỹ thuật lập pháp. Với tội danh này, việc trọng chứng hơn trọng cung lời, xem nhẹ lời tường trình của trẻ, chỉ đòi hỏi chắc chắn về mặt chứng cứ vật chất mới khởi tố, truy tố mà không trao cho trẻ em quyền tố tụng để trẻ em tự bảo vệ quyền lợi của mình là một lỗ hổng vô cùng nghiêm trọng của Pháp luật trong việc bảo vệ công lý đối với nạn nhân trong các vụ xâm hại tình dục, cùng với đó là những biện pháp tư pháp bổ sung khi thi hành án đối với tội phạm này để tạo môi trường an toàn dành cho trẻ. Về nội dung này, tôi đã góp ý và phân tích cụ thể bằng văn bản khi tham gia góp cho dự thảo luật hình sự sửa đổi một số điều của Bộ luật Hình sự sửa đổi. Rất tiếc đã không được tiếp thu đầy đủ, trách nhiệm của tôi sẽ tiếp tục có những kiến nghị phù hợp thông qua việc thảo luận, góp ý về phát triển KT-XH, xây dựng Pháp luật tại các kỳ họp Quốc hội.

Với những vụ án xâm hại tình dục trẻ em gây đau lòng và bức xúc, dư luận không dễ gì lắng xuống và nhanh chóng quên đi. Nếu Hội đồng xét xử của tòa án thật sự mong muốn mang lại những phán quyết công tâm và nhân đạo, thì xin các vị hãy một lần đặt mình trong hoàn cảnh những gia đình có nạn nhân bị xâm hại, mà những nạn nhân ấy lại là những thiên thần đáng yêu luôn cần sự bảo bọc. Tâm hồn của các em đã bị vấy bẩn, trái tim các em đã chịu tổn thương, thể chất các em đã bị tổn hại nghiêm trọng, sự phát triển của các em đã không còn cơ hội toàn diện nữa. Và gia đình người thân của các em phải chịu những cú sốc tinh thần sẽ không có gì bù đắp nổi, sẽ không bao giờ cân bằng lại được. Các vị hãy đặt mình trong cảm xúc của dư luận, trong tâm trạng xã hội những ngày qua để hiểu được nguồn cơn của sự phẫn nộ, để thấy tội ác này cần phải nhận trừng trị thích đáng và kiên quyết loại bỏ. Hãy đặt mình vào nổi đau của con trẻ để hiểu được những trải nghiệm tâm lý của chính nạn nhân phải đối mặt hàng ngày. Cuối cùng, tôi mong các vị hãy đặt mình vào lòng trắc ẩn của một con người, vào trái tim của những người đã làm cha làm mẹ, làm ông làm bà để yêu thương, để ánh sáng của lương tri soi rõ hình hài  và bồi đắp sức mạnh công lý mà các vị được trao quyền nhân danh.

Pháp luật, nếu không đủ mạnh và vững chắc để bảo vệ che chở cho một đứa trẻ sẽ trở thành tấm gương phản chiếu về niềm tin của nhân  dân đối với một Chính phủ kiến tạo và minh bạch mà chúng ta đang nỗ lực hướng đến.

PV

TAG: dâm ô trẻ em quyền trẻ em xâm hại trẻ em bao
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công